Hoa Tết nào có độc?
- Thứ hai - 23/01/2017 02:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều loại hoa được ưa chuộng và trưng bày vào dịp Tết như thủy tiên, trúc đào, hồng môn... lại chứa độc tố và có thể gây nguy hiểm cho con người. Hoa thủy tiên Hoa thủy tiên là loài hoa rất quen thuộc, thường được trồng để trang trí nhà cửa trong những ngày lễ Tết. Hoa thủy tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn xếp hai bên. Hoa có sáu cánh, ở giữa chân của nhị đực phình to xếp sát vào nhau thành “chảu” hình chén, màu ngọc - lục nhạt. Giống thuỷ tiên có cánh màu trắng gọi là “ngọc chảu ngân đài”. Giống thuỷ tiên có cánh màu vàng gọi là “ngọc chảu kim đài”.
Tuy nhiên, những bông hoa này lại chứa nhiều độc tính nếu chẳng may bạn ăn phải với số lượng lớn. Nhiều người lầm tưởng chúng với củ hành. Một số triệu chứng thường gặp như chóng mặt, nôn mửa, co giật và tiêu chảy. Hoa lan chuông Hoa thường mọc ở thung lũng sâu, dưới bóng râm ven những bờ suối mát. Mỗi cây chỉ có một cặp nhánh mà mỗi nhánh mang theo những chiếc lá thuôn dài cùng với một chùm hoa nở rộ. Hoa nhỏ màu trắng nhưng lại mang đầy độc tính. Chất độc có ở mọi nơi, từ đỉnh của hoa cho tới vùng nước chúng nằm ở đó. Nếu ăn nhiều, bệnh nhân có thể bị nôn nửa, đau miệng, đau bụng, tiêu chảy và bị co giật, loạn nhịp tim.
Hoa cẩm tú cầu Loại hoa này là cây thân mộc, thân thảo bụi ưa bóng râm ẩm thấp, sống lâu năm, lá mọc đối theo từng đốt trên thân, hoa vô tính, lúc đầu hoa màu trắng sau biến dần thành màu lam hay màu hồng. Tất cả bộ phận của cây đều chứa độc tố có thể gây ngộ độc ở người khi ăn phải. Người bệnh có thể bị ngứa da, nôn mửa, suy yếu và toát mồ hôi. Một số còn bị hôn mê, co giật và ngừng lưu thông máu. Hoa đỗ quyên Đỗ quyên là loài hoa có màu sắc đa dạng, cây thân gỗ có vỏ cành màu xám, lá mọc cách, thường mọc nhiều ở vùng núi cao. Hiện nay, hoa thường được trồng vào chậu để làm cây cảnh nội thất, trang trí. Lá và mật hoa của loại cây này lại có độc. Chẳng may ăn phải những chiếc lá xanh của chúng, môi của bạn sẽ bị nóng rát. Nếu ăn nhiều bạn sẽ bị bỏng rộp, nôn mửa, tiêu chảy… Hoa hồng môn Cây mọc thành bụi, sống lâu năm, thân ngắn. Lá mọc tập trung trên mặt đất, lớn, dạng bầu dục thuôn nhọn đầu, gốc tim, cuống dài cong, rũ xuống. Lá màu xanh bóng dài, nổi bật gân chân vịt màu xanh nhạt. Cụm hoa dạng mo nhỏ trên cuống chung dài, cong. Mo màu đỏ tươi, dạng bầu dục nhọn đầu, gốc tim nổi rõ gân xanh. Lá và những bông hoa đỏ tươi có độc tính. Người ăn phải sẽ bị đau nhức miệng lưỡi, sưng và bỏng rộp, nếu ăn nhiều sẽ gây khàn giọng và khó nuốt.
Hoa trúc đào Đây là loại cây có hoa rất đẹp và được trồng khá nhiều làm cảnh, hàng rào, trang trí khu vui chơi, công viên, hè phố… Cây cao khoảng 2-3 m, nở hoa rất đẹp nhưng có độc tố mạnh. Chất này có ở mọi thành phần của cây, có thể gây hại mắt khi bị tác động hoặc tử vong nếu tiếp xúc trực tiếp. Trúc đào còn chứa những hợp chất nguy hiểm như strychnin, nên chỉ cần nhai một lá là đủ gây nguy hiểm cho trẻ em và nhai 10-20 lá là gây nguy hiểm cho người lớn. Lời khuyên thầy thuốc Các loại hoa có màu sắc đẹp nên trẻ em rất tò mò, nhìn ngắm, sờ, ngửi hoặc cho vào miệng nếm thử. Vì thế, việc đề phòng cây cảnh gây ngộ độc cho trẻ em là điều cần thiết. Không trồng, trang trí trong nhà những cây có nguy cơ gây nguy hiểm. Có thể chọn các loài hoa đẹp không độc thay thế. Nếu có thói quen, sở thích, ý nghĩa muốn trồng loại hoa này trẻ nhỏ tránh tiếp xúc. Đối với trẻ lớn hơn cần căn dặn trẻ cẩn thận không được ăn, hái hoặc nghịch loại hoa có độc trên. Đối với ngộ độc các loại hoa còn phụ thuộc vào mức độ ăn, và tuổi tác, cân nặng và sự nhạy cảm của từng người. Trẻ em dưới 6 tuổi là nhóm nguy cơ cao hơn. Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện ngộ độc các loại hoa trên cần xử trí như sau: - Ăn nhầm lá hay thân, hoa thì phải lấy ngay các vật còn sót lại trong miệng nạn nhân, cần gây nôn bằng cách cho uống bằng cách: uống nước muối (2 thìa canh muối pha với 1 cốc nước ấm). Nếu chưa nôn dùng lông gà rửa sạch ngoáy họng. Chú ý: Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong. Trong quá trình gây nôn, phải luôn dùng khăn lau chùi miệng trẻ cho sạch. - Nếu bị ngộ độc trên da: Rửa da bằng nước sạch ở nơi bị nhiễm độc ít nhất 15 phút, không nên bôi kem lên những vùng bị nhiễm độc. Lưu ý: Đối với tất cả các trường hợp ngộ độc đều phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được bác sĩ đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị, phù hợp, kịp thời. Cần mang theo chất nôn để xác định độc tính. Theo bác sĩ Trần Bá / Sức Khỏe & Đời Sống |