Hoa ly 2.000 đồng/cành, dưa chuột 3.000 đồng/kg: Cũng chỉ tại thời tiết

Hoa ly 2.000 đồng/cành, dưa chuột 3.000 đồng/kg: Cũng chỉ tại thời tiết
Mướp đắng, dưa chuột, đậu cô-ve giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, hành tím 5.000 đồng/kg, thậm chí cả hoa ly cũng chỉ 2.000 đồng/cành... Vừa đầu năm, người nông dân ở nhiều nơi đang ngậm đắng nuốt cay khi hàng loạt nông sản bán ra rẻ chỉ bằng cốc trà đá. Tất cả cũng chỉ vì do thời tiết thuận lợi dẫn đến thừa cung.

Rau rẻ như cho, bỏ đầy ngoài ruộng

Những ngày đầu năm 2017, trái ngược với các mặt hàng thủy sản khi giá tăng cao kỷ lục thì người nông dân trồng rau quả, trồng hoa lại ngậm đắng nuốt cay vì giá rớt thê thảm, rẻ như cho mà vẫn ế ẩm.

Đi chợ ở Hà Nội những ngày này, su hào giá chỉ 10.000 đồng/6 củ (tức 1.700 đồng/củ); bắp cải 5.000 đồng/cây, cải cúc 1.000 đồng/mớ,... Thế nhưng, đó là giá rau bán tại chợ, còn tại ruộng, nhiều loại giá còn rẻ hơn.

Đơn cử, tại huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên,... (Nghệ An), nông dân bỏ mặc ruộng rau không thèm thu hoạch. Bởi, su hào rớt giá thê thảm chỉ còn 1.000 đồng/củ, hành hoa 3.000-4.000 đồng/kg, cải bắp hay rau cải các loại 1.000 đồng/kg,... Giá rau rẻ hơn cả cốc trà đá nên mỗi sào rau, người dân chịu lỗ từ 1-2 triệu đồng.

nông sản việt,nông sản rớt giá,nông sản ế ẩm
Nhiều loại rau quả rớt giá thê thảm sau Tết, nông dân chán không buồn thu hoạch (ảnh: Dân Trí)

Tương tự, tại xã Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam), nông dân cũng lao đao khi giá rau củ quả giảm mạnh. Nếu trước Tết, nông sản có giá khá cao, chẳng hạn như mướp đắng từ 35.000-70.000 đồng/kg, đậu cô-ve 20.000-30.000 đồng/kg, xà lách 30.000 đồng/kg,... thì từ sau Tết đến giờ, dưa chuột giá chỉ còn 500-1.000 đồng/kg, đậu cô-ve, mướp đắng giá chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Giá rẻ, nông dân bỏ mặc khiến bắp cải ngoài ruộng quá lứa nứt toác, dưa chuột rụng đầy gốc, ruộng đậu cô-ve tiêu điều vì nông dân bỏ không chăm bón.

Chẳng khá khẩm hơn khi ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng), người nông dân đang phải bán giá hành tím ở mức 5.000-7.000 đồng/kg. Tình trạng này không chỉ kéo dài 1-2 tuần mà đã kéo dài suốt 2 tháng nay. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, giá hành tím là một trong những mặt hàng giảm giá mạnh nhất tại tỉnh này khi thời gian qua giá liên tục giảm.

Không chỉ các mặt hàng rau quả rớt giá, từ sau Tết, ngay tại Hà Nội, người dân trồng hoa ly ở Tây Tựu cũng đối diện với tình trạng thua lỗ nặng khi hoa ly bán tại ruộng giảm chỉ còn 2.000 đồng/cành.

Nếu trước Tết, nguồn hoa ly khan hiếm nên giá bán dịp Tết khá cao, khoảng 30.000-35.000 đồng/cành; thậm chí có thời điểm lên tới 60.000-65.000 đồng/cành.

Thế nhưng, sau Tết, giá hoa giảm mạnh chỉ còn 2.000 đồng/cành. Trong khi, chi phí bỏ ra trồng mỗi cành ly mất khoảng 18.000-20.000 đồng/cành. Với mức giá bán tại vườn như hiện nay, người nông dân trồng hoa tại Tây Tựu đang lỗ nặng.

Lại do thừa cung

Chia sẻ về việc hàng loạt rau quả rớt giá mạnh, ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho hay, hơn 10 ngày nay, thị trường tiêu thụ rau màu ở địa phương giảm nhiều so với các năm. Nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi nên nhiều địa phương trồng rau, khiến nguồn cung tăng vọt.

Nông sản từ khắp nơi đổ về quá nhiều, cung lớn hơn cầu mới đẩy giá xuống thấp như hiện nay - ông Lê Trọng Quốc (Giám đốc HTX rau Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc) nhận định.

nông sản việt,nông sản rớt giá,nông sản ế ẩm
Thời tiết thuận lợi rau phát triển tốt dẫn đến thừa cung (ảnh: Dân Trí)

Theo ông Quốc, năm ngoái giá rau vẫn duy trì đều ở mức cao, song sang năm nay giá đột ngột rớt mạnh khiến người dân trở tay không kịp. Kéo theo đó, rau đến kỳ nhưng nông dân không buồn thu hoạch, vứt bỏ đầy ruộng, một số cố thu hoạch về đem cho bò, gia súc ăn.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thông thường sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân sẽ thu hoạch hàng loạt rau, màu vụ đông để lấy đất cấy lúa xuân. Do vậy, nguồn cung rau sẽ tăng đột biến. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay nồm ẩm, mưa xuân đúng độ, rất thuận lợi cho các loại rau phát triển, nhiệt độ ấm, rau muống, mùng tơi, rau cần,... sinh trưởng, phát triển nhanh.

Mặt khác, bà con nông dân tập trung trồng rau để phục vụ Tết nhưng lượng rau tiêu thụ trong dịp Tết không nhiều, hoặc rau cho thu hoạch không đúng thời điểm khiến ra Giêng lượng rau cung ra thị trường tăng cao, cung vượt cầu.

Trong khi đó, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, rau xanh hầu như không được nhập khẩu vào Việt Nam từ hai tháng nay. Cụ thể, tại cửa khẩu Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay không nhập khẩu một cân rau nào. Còn tại cửa khẩu Lào Cai, hai tháng đầu năm chỉ nhập khoảng 3.000 tấn gồm các loại cải thảo, súp lơ, cải bắp/tháng. Ngoài ra là một số loại hành củ, tỏi củ, khoai tây,...

Một chuyên gia trong ngành trồng trọt nhận định, bài học thừa cung khiến nông sản rớt giá là chuyện đã xảy ra nhiều năm nay. Cứ được mùa, nguồn cung đổ ra thị trường nhiều là giá lại giảm mạnh.

Vị chuyên gia này cho rằng, tình trạng trên kéo dài nhiều năm là do thói quen canh tác của người nông dân không thay đổi. Cứ thấy vụ trước giá được cao, lãi lớn là vụ sau lại đua nhau trồng. Mà trồng nhiều, thời tiết lại thuận lợi nên sản lượng tăng mạnh.

Đó là chưa kể, người nông dân giờ thường trồng các loại rau củ quả ngoại cho năng suất cao. Trong khi, nông dân chưa tập thói quen tính đến cung cầu thị trường nên khi rau quả dội chợ giá bị giảm mạnh dẫn đến thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Bảo Phương/vietnamnet.vn