Hoài Ðức về đích nông thôn mới

Hoài Ðức về đích nông thôn mới
Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhưng Hoài Ðức đã phát huy lợi thế của huyện ven đô, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh, có giá trị cao, cung cấp cho thị trường, xây dựng thành công huyện nông thôn mới.

Thu hoạch quả phật thủ tại xã Ðắc Sở, huyện Hoài Ðức. Ảnh: QUỲNH ANH


Cây phật thủ được một số người dân xã Ðắc Sở, huyện Hoài Ðức mang về trồng thử nghiệm từ 20 năm trước. Nhờ đất đai mầu mỡ, thổ nhưỡng phù hợp và sự cần cù, sáng tạo của người dân, cây phật thủ nhanh chóng phát triển tốt, đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây phật thủ còn được người dân thuần dưỡng để ra quả quanh năm; đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhận thấy đây là sản phẩm có năng suất, giá trị cao, tiềm năng phát triển tốt, huyện Hoài Ðức đã thành lập Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ Ðắc Sở nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng sản xuất. Chỉ sau thời gian ngắn, phật thủ đã phát triển mạnh tại xã Ðắc Sở, với hơn 400 hộ sản xuất; trong đó, nhiều hộ đạt doanh thu từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm, trở thành loại cây làm giàu của người dân địa phương. Năm 2015, phật thủ Ðắc Sở được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm phát triển.

Tại xã Tiền Yên, địa phương có truyền thống trồng các loại rau ăn lá và gia vị, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiền Lệ đã xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn, áp dụng hệ thống bảo đảm, có sự tham gia của người tiêu dùng. HTX đã thành lập mười nhóm giám sát nội bộ về quá trình sản xuất của từng thành viên trong vùng. Từng thành viên thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở lẫn nhau thực hiện đúng kỹ thuật, quy trình sản xuất, khắc phục sai sót, từ đó đã tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Vừa qua, hợp tác xã liên kết sơ chế, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp để cung cấp cho siêu thị Aeon Long Biên và một số bếp ăn tập thể với sản lượng từ 1,5 đến 2 tấn/ngày. Việc tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm đã từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập. Hiện nay, HTX đang xây dựng nhãn hiệu tập thể rau an toàn Tiền Lệ, tạo điều kiện để người dân mở rộng sản xuất.

Theo đại diện UBND huyện Hoài Ðức, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hoài Ðức có vùng phát triển đô thị và vùng ngoại thành. Thực hiện theo quy hoạch, huyện tập trung phát triển nông nghiệp tại vùng bãi của các xã nằm dọc đê tả sông Ðáy. Trong khi đất đai sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng thu hẹp để phát triển đô thị, thì đây là vùng đất màu mỡ, ổn định, thuận lợi để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Huyện khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, rau an toàn chất lượng cao, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Thực hiện chính sách phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, huyện hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho các vùng sản xuất rau, quả an toàn.

Trên địa bàn huyện Hoài Ðức đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, với tổng diện tích gần 850 ha, gồm vùng chuyên canh tập trung cây ăn quả hơn 540 ha tại các xã: An Thượng, Song Phương, Ðông La, Cát Quế, Yên Sở, Ðắc Sở; vùng sản xuất rau an toàn gần 300 ha tại các xã: Tiền Yên, Vân Côn, Song Phương, Cát Quế. Tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, người dân thường xuyên được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tuyên truyền sản xuất thực phẩm an toàn. Các hợp tác xã tổ chức sản xuất, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Do đó, quy trình sản xuất được áp dụng đồng bộ, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường bền vững... Ðến nay, sản phẩm nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Ðắc Sở đã được công nhận nhãn hiệu tập thể.

Ngoài ra, huyện Hoài Ðức cũng tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Trong những năm qua, huyện có thêm gần 300 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn hơn 1.300 và trên 10 nghìn hộ sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm hơn 44 nghìn lao động. Nhờ biết khai thác các lợi thế nêu trên, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá; thu nhập trung bình đầu người đạt gần 38,5 triệu đồng/năm, đưa Hoài Ðức trở thành huyện nông thôn mới thứ tư của TP Hà Nội.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ðức Nguyễn Quang Ðức cho biết, huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp để khai thác hiệu quả giá trị đất đai. Trước mắt, huyện tập trung rà soát quy hoạch vùng sản xuất, chuyển các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp tập quán sản xuất của người dân như: Bưởi đường Quế Dương, nhãn chín muộn, rau an toàn…; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, tạo điều kiện để xây dựng thêm nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Tác giả bài viết: Minh Vân

Nguồn tin: nhandan.com.vn