Học làm giàu bằng trồng chè an toàn
- Thứ năm - 10/12/2015 09:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bảo vệ sức khỏe chính mình
Cây chè có mặt ở xã Bá Xuyên đã hơn 60 năm, tuy nhiên gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, bà con bắt đầu chuyển dần sang học trồng và chế biến chè an toàn. Ông Dương Thanh Ái – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bá Xuyên cho hay, các lớp dạy nghề trồng và chế biến chè an toàn đã được hội phổ biến từ nhiều năm. Nhưng phải đến tháng 3.2015, khi Sở NNPTNT; Trung tâm Dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh phối hợp Phòng Kinh tế thành phố tổ chức mở lớp, bà con mới chính thức thực hiện theo mô hình VietGAP.
Các học viên sinh hoạt định kỳ hàng tháng ở nhà văn hóa hay trao đổi ngay trên bãi chè, khi đang hái đổi công và ở nhà hội viên chế biến. Chị Trần Thị Hồng - Trưởng xóm Chũng Na cho hay, đầu năm, nhiều nhà có diện tích chè bị nhện đỏ tấn công, sợ ảnh hưởng nên hái non 1-2 ngày so với bình thường, thời gian sao chè ngắn nên chè bị ngái...
Chị em có nhiều kinh nghiệm làm chè trong tổ đã góp ý để sao mẻ chè đạt chất lượng. Hay việc bón phân cho chè phải đúng thời điểm chè “nứt mắt” - khoảng 20 ngày sau khi hái - mới bón phân tổng hợp sẽ cho hiệu quả tốt nhất. Quan trọng nhất trong làm chè VietGAP là tuân thủ nghiêm ngặt cách phun thuốc bảo vệ thực vật, thường sau 5-7 ngày mới hái, để vừa kích mầm vừa giúp chè chống dịch bệnh tốt nhất và đảm bảo sản phẩm an toàn.
Theo ông Ái, xã Bá Xuyên có 12/12 xóm sản xuất chè, với tổng diện tích gần 100ha. Tham gia mô hình trồng chè VietGAP, ngoài việc được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các hộ còn được cán bộ kỹ thuật theo dõi sát sao trong một thời gian dài, liên tục. Khi xảy ra bất cứ vấn đề nào trên vườn chè, cán bộ kỹ thuật đều có mặt và hướng dẫn cách xử lý cụ thể. Đặc biệt, vệ sinh đồng ruộng vốn là khâu yếu của nông dân cũng được chú trọng, các nông hộ đã có ý thức trong thu gom rác thải, vỏ bao bì vào đúng nơi quy định.
Cùng làm “giáo viên”
" Trên địa bàn xã đã thành lập được 3 câu lạc bộ chè an toàn, thu hút hơn 100 hộ ở các xóm Ao Cang, Chũng Na, Bãi Hát tham gia. Việc cấp trên mở các lớp đào tạo nghề trồng và chế biến chè rất phù hợp và có ý nghĩa với những hộ đang tham gia sản xuất chè ở địa phương”.
|
Từ khi bước vào sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất, giá trị chè búp tươi tăng lên đáng kể. Trước đây sản xuất đại trà, giá chè búp chỉ được khoảng 3.000-4.000 đồng/kg, còn hiện giờ là 5.000 đồng, thậm chí lúc được giá là 6.000-7.000 đồng/kg.
Không chỉ giá trị sản phẩm chè được nâng lên mà năng suất chè cũng tăng. Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, sản xuất theo quy trình VietGAP, giống chè Trung du cho năng suất 15,1 tấn/ha, tăng 0,6 tấn/ha so với sản xuất đại trà.
Trong tổ sản xuất VietGAP, những thành viên làm chè giỏi có giá bán chè khô thường cao hơn 20.000 – 50.000 đồng/kg. Nhưng không vì thế mà những thành viên này giấu nghề. Họ sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm để các hội viên khác có thể nâng cao giá bán chè.
“Không việc gì mình phải giấu nghề cả, gia đình mình cũng bắt đầu học hỏi từ con số không, vừa được cán bộ hướng dẫn vừa phải học thêm kinh nghiệm từ bà con xung quanh đối chiếu mới chăm sóc cho cây chè theo đúng quy trình được. Nên ai hỏi là mình chỉ hết, thậm chí còn đến tận nơi xem và chỉ cho họ cách làm cho đúng. Mọi người thành công mình cũng vui theo” – chị Nguyễn Thị Dung, xóm Chũng Na chia sẻ.
Theo ông Dương Thanh Ái, điều quan trọng nhất là sau khi được học hỏi, người trồng chè đã thay đổi thói quen, đã chú ý tới sức khỏe của mình và gia đình, quan tâm tới sự sạch sẽ của vườn chè và môi trường xung quanh.
Theo Dân Việt