Học làm nông qua ti vi

Học làm nông qua ti vi
Không qua trường lớp đào tạo chăn nuôi bài bản nên nhiều nông dân xã Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) đã tự học nghề qua sách báo, ti vi và giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu.

Triệu phú tham việc

Đến thôn Động Trạch (xã Hồng Phong) hỏi đường về nhà ông Nguyễn Xuân Cán (51 tuổi) ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Chúng tôi gặp ông Cán khi đang quần ống thấp, ống cao bên chuồng nuôi gà sạch. Hiện gia đình ông đang chăn nuôi 700 con vịt đẻ; gần 100 con gà sạch thả vườn, nuôi  4 con bò và trồng hơn 100 gốc nhãn lồng Hưng Yên. Sẵn có ao đấu thầu, mỗi năm gia đình ông còn nuôi và thu hoạch hơn 1 tấn cá các loại (trắm, chép, mè, trôi…).

Tận dụng nguồn trứng do vịt nhà cung cấp 500 - 600 quả/ngày, ông Cán đầu tư thêm máy ấp trứng có giá trị hơn 20 triệu đồng và thu mua trứng từ các nơi để ấp 5.000 quả trứng/lượt, cung ứng trứng vịt lộn đều đặn cho thị trường Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên… “Nguồn thu từ vịt, gà, cá,vườn nhãn và công việc ấp trứng… cho gia đình khoản lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm” – ông Cán kể.

 hoc lam nong qua ti vi hinh anh 1

Ông Nguyễn Xuân Cán nắm vững kỹ thuật chăn nuôi vịt, gà nhờ học qua ti vi. ảnh: M.L

"Ngày nào chương trình phát sóng, vợ chồng tôi cũng thu xếp công việc để ngồi nghe, lấy giấy bút ghi chép những câu trả lời, tư vấn của chuyên gia. Khi áp dụng vào việc chăn nuôi, thấy hiệu quả nên tôi càng tin vào “ông thầy ti vi của mình”.

Ông Nguyễn Xuân Cán

 

Ông Cán cũng chia sẻ có được trang trại như ngày hôm nay, ông đã gặp không ít thất bại. Năm 2009, khi gia đình mới mua máy ấp trứng về, do chưa có kinh nghiệm nên mấy mẻ đầu, ông bị hỏng hàng nghìn quả trứng vì đặt nhiệt độ lò ấp không chuẩn.

Ngay sau đó, đại dịch H5N1 tràn về khiến gia đình ông phải tiêu hủy trên 400 con vịt. Vận đen nối tiếp tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng cũng là lúc ông Cán nhận ra nguyên nhân thiệt hại nằm ở chính bản thân mình, ấy là do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi bài bản.

Tại xã cũng có nhiều lớp học chăn nuôi, tuy nhiên cả hai vợ chồng tiếc việc, quanh quẩn nào vịt, nào trứng, chăn bò, làm cỏ,… nên không có thời gian tham dự. Tình cờ buổi tối xem được chương trình hỏi đáp về kỹ thuật chăn nuôi trên ti vi, được các chuyên gia chỉ dẫn ông Cán mới vỡ lẽ không thể tiếp tục chăn nuôi hoang dã mà phải bám sát khoa học kỹ thuật mới khấm khá lên được.

Không ngại truyền nghề

Giờ đây, ông Cán đã nắm chắc kỹ thuật nuôi vịt chẳng khác nào một kỹ thuật viên thực thụ. “Vịt con phân tán đều khắp chuồng chứng tỏ đàn vịt khoẻ mạnh. Vịt con dồn đống là do lạnh, nhiệt độ chuồng nuôi thấp. Vịt con nằm há mỏ và cánh giơ lên là do nhiệt độ chuồng nuôi quá cao... Việc cho ăn vịt ăn cũng cần cân đong cẩn thận và nếu thấy vịt ăn ít đi, màu phân thay đổi thì phải có biện pháp điều trị ngay tránh để lây lan cả đàn…” - ông Cán nói.

Là người cùng thôn với ông Cán, ít có thời gian đến các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi nên ông Nguyễn Thế Bang tranh thủ xem sách, báo, hoặc trao đổi trực tiếp với bạn bè về kinh nghiệm nuôi lợn, cá. Nhờ vậy, việc chăn nuôi của gia đình ông rất hiệu quả, mỗi năm thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Ông Đặng Huy Hiến  - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Phong nhận định: “Nhiều hộ nông dân đã không ít lần thất bại, bỏ vốn đầu tư gặp thua lỗ nhưng với tinh thần vươn lên, họ không bỏ cuộc mà còn trở thành những tấm gương điển hình, để những hộ nông dân khác học hỏi, từ đó hình thành mối quan hệ thầy – trò dạy nhau, bạn bè trao đổi kinh nghiệm cởi mở. Nhiều người sản xuất giỏi không hề qua trường lớp đào tạo, dạy nghề mà chỉ bằng cách trau dồi kinh nghiệm, học qua bạn bè, qua ti vi, sách báo…”. 

Theo Dân Việt