Hội NDVN: Chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách của Nhà nước đối với công tác dạy nghề cho nông dân, QĐ 1956 về việc phê duyệt “ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được tiến hành đồng bộ, thiết thực bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

 

Từ năm 2009 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp và trực tiếp tổ chức tuyển sinh, mở 33.593 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho 1.074.976 lượt hội viên, nông dân. Trong đó: trực tiếp dạy nghề và cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận cho 180.736 học viên; phối hợp tổ chức 27.945 lớp cho 894.240 lượt hội viên. Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam  trực tiếp tuyển sinh, dạy nghề và cấp chứng chỉ; giấy chứng nhận cho 14.336 lượt hội viên trên cả nước.

 

Tỷ lệ dạy nghề nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản chiếm 82%; dạy nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 13% và dạy nghề du lịch, dịch vụ chiếm 5%. Một số địa phương tiêu biểu trong công tác đào tạo nghề như: An Giang, Hải Dương, Lai Châu, Nghệ An, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…

 

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Lao động – Thương Binh & Xã hội, từ năm 2012 đến nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được cấp 15,2 tỉ đồng cho công tác dạy nghề theo mô hình dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất – kinh doanh giỏi. Trường Trung cấp nghề và 17 Trung tâm Dạy nghề của các tỉnh, thành Hội tổ chức được 352 lớp đào tạo nghề cho 12.320 lượt hội viên, nông dân. Đồng thời phối hợp xây dựng 437 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, 365 mô hình thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 72 mô hình thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Các hội viên, nông dân sau khi tham dự các lớp đào tạo nghề theo dự án đều tích cực đầu tư, phát triển các mô hình và phấn đấu trở thành hộ sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp.

 

Phần lớn các hội viên, nông dân sau khi được đào tạo đều có việc làm ổn định với mức thu nhập khá. Tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm mở rộng sản xuất kinh doanh đối với các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản đạt gần 95%; các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lichjm dịch vụ đạt trên 80%.

 

Đào tạo nghề chủ yếu tập trung hướng đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế gia trại, trang trại; kinh tế hợp tác, ngành nghề; hình thành các vùng sản xuất hang hóa chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn; vùng sản xuất an toàn đạt têu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao tang khả năng cạnh tranh hướng tới thị trường xuất khẩu.

 

Các ngành nghề đào tạo đang từng bước phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng và gắn với vấn đề giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Thời gian qua, các cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung đào tạo các nhóm nghề thu hút lao động thuộc nhóm nông dân lớn tuổi, nông dân đã có nghề nhưng chưa được đào tạo, nông dân không có khả năng đi làm xa. Nộ dung đào tạo cũng chủ yếu xoay quanh các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, các ngành nghề về may, cơ khí, gò hàn, sửa chữa điện dân dụng… được ưu tiên đào tạo cho nhóm đối tượng nông dân là thanh niên trẻ.

 

Bên cạnh đó, các hình thức dạy nghề đa dạng, phù hợp với từng nghề, nhóm đối tượng, vùng, nhu cầu học nghề và sử dụng lao động như: dạy nghề sơ cấp, thường xuyên, học theo mô hình thành công của các gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình, dạy nghề theo phương pháp cầm tay chỉ việc…

 

Ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, các cấp Hội còn tích cực tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân thông qua việc tạo điều kiện giúp nông dân mở rộng phát triển sản xuất hoặc giới thiệu lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Các cấp Hội cũng chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân sau khi học nghề. Từ nguồn vốn chính sách ưu đãi, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giải ngân 1.673 tỉ đồng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Dư nợ ủy thác từ Ngân hàng Chính sách cho công tác hỗ trợ vốn sản xuất ước đạt gần 62.000 tỉ đồng.

 

Thêm vào đó, các cấp Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp, Công ty phân bón, vật tư nông nghiệp hỗ trợ hàng nghìn tấn vật tư, phân bón, hàng nghìn máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm cho nông dân. Tổ chức tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho nông sản; thành lập các câu lạc bộ nghề nghiệp, các tổ hợp tác…để lien kết sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên, nông dân.

 

Sau khi học nghề, với nguồn vốn chính sách được hỗ trợ, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở mang ngành nghề mới, củng cố các ngành nghề truyền thồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất – kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh và đã có nhiều mô hình thành công. Từ những hộ thu nhập thấp, lo chạy ăn từng bữa, nhờ áp dụng mô hình mới thành công giúp tang năng suất, họ không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành các hộ khá và giàu.

 

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thúc đẩy sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước mà còn góp phần phát huy vai trò, vị thế của Hội. Từ đó, giúp hội viên ngày càng gắn bó, củng cố niềm tin vào tổ chức Hội.

Theo hoinongdan.org.vn