Hội tham gia gỡ các “điểm nghẽn” trong lĩnh vực tam nông
- Thứ ba - 23/07/2019 21:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tìm nguồn lực xây dựng các mô hình
Phát biểu định hướng buổi làm việc, đồng chí Thào Xuân Sùng cho biết: Trong ngày làm việc thứ nhất, hội nghị đã tiến hành bàn thảo nhiều nội dung quan trọng; đa số các đại biểu tham dự đều bày tỏ sự thống nhất, tán thành.
Về việc xây dựng, thực hiện 3 nghị quyết chuyên đề mà hội nghị đã thảo luận, Chủ tịch Thào Xuân Sùng yêu cầu các đại biểu chú trọng xây dựng mô hình phát triển sản xuất cho hội viên, nông dân theo phương pháp thực hành “cầm tay chỉ việc”, theo từng giai đoạn phát triển của cây, con. Mỗi vùng phải có một mô hình riêng; tăng cường, đổi mới sơ, tổng kết mô hình. Các đại biểu cần đóng góp thêm về cách thức tổ chức và bố trí nguồn lực thực hiện nhóm 3 nghị quyết chuyên đề.
100% đại biểu tham dự đều nhất trí thông qua Nghị quyết Hội nghị. (ảnh: Nguyễn Quỳnh)
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Hòa đánh giá cao việc triển khai Nghị quyết Đại hội VII có chiều sâu và nhiều điểm mới; việc thực hiện nhóm 3 nghị quyết chuyên đề bàn tại hội nghị ngoài xây dựng tổ chức hội còn là thực hiện chủ trương của Đảng, kế hoạch, chương trình của Chính phủ. Việc xây dựng, thực hiện 3 nghị quyết chuyên đề còn khẳng định vai trò, vị thế của Hội ND trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ở góc độ khác, Chủ tịch Hội ND tỉnh Sơn La Hoàng Sương chia sẻ, tiêu chuẩn Chủ tịch Hội ND cơ sở đạt chuẩn 70-80% có trình độ đại học, trong đó Phó Chủ tịch Hội ND cơ sở có bằng đại học chiếm 50-60% là rất tốt. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng cán bộ về năng lực thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được. Ông Sương đề nghị để thực hiện Nghị quyết đạt mục tiêu, Hội phải xác định đào tạo, tập huấn theo chuyên đề, nhiệm vụ công tác hội.
Ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, về quản lý phát triển hội viên, hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội NDVN cần thống nhất làm sớm hướng dẫn quản lý hội viên đối với cấp tỉnh, huyện, cơ sở quản lý bằng phần mềm, cấp chi Hội quản lý bằng sổ sách vì có sự biến động liên tục và trình độ cán bộ còn hạn chế. T.Ư Hội cần ban hành hướng dẫn nội dung sổ công tác hội trang bị đến cấp chi Hội…
Chủ tịch Thào Xuân Sùng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, đồng thời khẳng định Ban Thường vụ trân trọng tiếp thu các ý kiến đã có để hoàn thiện dự thảo 3 nghị quyết chuyên đề. Nổi bật là các vấn đề chi Hội của HTX, tổ hợp tác trong đề án 24 của Hội NDVN; số lượng hội viên liên quan đến chi Hội, quỹ hoạt động; thẩm quyền kỷ luật của chi Hội… Về ý kiến một số cấp ủy, chính quyền cho rằng Hội ND đi làm thay ngân hàng (Quỹ HTND, hoạt động ủy thác), T.Ư Hội sẽ báo cáo Ban Bí thư chỉ đạo tỉnh, thành ủy tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, Hội NDVN nói riêng. Đối với nghị quyết về nâng cao chất lượng cán bộ hội và phát triển hội viên, Ban Thường vụ T.Ư Hội sẽ bổ sung thêm nội dung giáo dục lòng yêu nước, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong cán bộ, hội viên, nông dân và tổ chức hội thảo để hoàn thiện vấn đề này…
Sau khi Chủ tịch Thào Xuân Sùng giải đáp các ý kiến còn băn khoăn về dự thảo 3 nghị quyết chuyên đề, hội nghị đã tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị. Kết quả, 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 3, khóa VII.
Giải quyết khó khăn cho nông dân
Kết luận hội nghị, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định, hội nghị đã làm việc nghiêm túc, đạt chất lượng, đã thống nhất cao báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 19, khóa VI. Tại hội nghị, BCH đã thảo luận và nhất trí cao việc ban hành 3 nghị quyết chuyên đề.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cũng gợi ý 5 Đề án và đề nghị sau Hội nghị, BCH giao Ban Thường vụ tiếp tục xây dựng, tổng hợp các ý kiến đóng góp để tiến tới ban hành chính thức. Các tỉnh, thành Hội, các ban, đơn vị Trung ương Hội chủ động tổng kết việc thực hiện Kết luận 61/2009 của Ban Bí thư, Quyết định 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ để Ban Thường vụ tham mưu cho Chính phủ và Ban Bí thư… |
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng, trong bối cảnh Đảng đang chỉ đạo Nhà nước tháo gỡ các điểm nghẽn bằng các chính sách mới để thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do đã ký, trong đó đặc biệt là Hiệp định CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hội NDVN cần chủ động tham gia góp sức. Đây là cơ hội vàng đối với Hội NDVN và giai cấp nông dân nhưng cũng là thử thách, khó khăn với Hội. Để đồng lòng đồng sức với Chính phủ vượt qua khó khăn, trong 6 tháng cuối năm, Hội sẽ tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VII Hội NDVN và Đại Hội ND các cấp để hội viên nhận thức đầy đủ và kịp thời triển khai.
Về công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng cuối năm 2019, Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, các cấp Hội cần tập trung tổ chức các hoạt động phối hợp tôn vinh, trao danh hiệu cho Nông dân Việt Nam xuất sắc và Nhà khoa học của nhà nông. Nhân dịp kỷ niệm 89 năm thành lập Hội NDVN (14/10/2019), Ban Thường vụ sẽ ban hành nghị quyết kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội NDVN, phát động thi đua ở mức cao nhất trên 63 tỉnh, thành phố với các con số cụ thể. Các cấp Hội cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng với sáng kiến, sáng chế và nâng lương. Xây dựng đề án để thực hiện trong năm 2020 về bình chọn chi Hội trưởng nông dân xuất sắc, hội viên Hội ND tiêu biểu.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cũng đề nghị, các cấp Hội tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 3 nghị quyết chuyên đề. Giao cho Ban chỉ đạo 6 cụm thi đua trực tiếp chỉ đạo triển khai quán triệt và thống nhất thực hiện mô hình “3 trong 1” (3 nghị quyết chuyên đề thể hiện trong 1 đề án).
Theo Nguyễn Quỳnh/ Dân Việt
http://danviet.vn/nong-thon-moi/hoi-tham-gia-go-cac-diem-nghen-trong-linh-vuc-tam-nong-999315.html