Hơn 200.000 tấn lợn hơi được giải cứu
- Thứ năm - 18/05/2017 03:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương giá bán lợn hơi đã được nâng lên đáng kể.
Tín hiệu tích cực
Trong bối cảnh khủng hoảng chăn nuôi lợn và giá thịt lợn thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã kịp thời phối hợp với địa phương chỉ đạo tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển chăn nuôi. Một số địa phương đã tích cực, khẩn trương vào cuộc như Đồng Nai tổ chức 11 điểm thu mua lợn tập trung với giá khảng 30.000 – 31.000 đồng/kg và bán sản phẩm thịt với mức ổn định trung bình từ 55.000 – 60.000 đồng/kg. Tỉnh Hải Dương cũng có chính sách tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc mở các điểm bán thịt lợn tại quầy lưu động và không thu phí. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Công Thương đề xuất tỉnh hỗ trợ 100 tỷ đồng cho các DN tiêu thụ thịt lợn. Theo thống kê, đến nay có khoảng 30% số tỉnh, TP trên cả nước đã mở các điểm tiêu thụ thịt lợn cho người nông dân.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cũng kêu gọi DN tăng cường thu mua hỗ trợ cho người chăn nuôi. Thời gian qua, một số DN đã tích cực hưởng ứng tham gia chương trình này. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Dabaco tăng lượng thu mua lợn thịt thương phẩm của người dân, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương đã thu mua giết mổ khoảng 20.000 con lợn thịt, Công ty Thực phẩm Xanh Hà Nội có kế hoạch tiêu thụ 25.000 tấn với các loại lợn trên 120kg/con…
Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đến nay số lượng lợn còn lại phải tiêu thụ là 1,5 triệu con, tương đương khoảng 200.000 tấn. Như vậy, trong vòng một thời gian ngắn, cả nước đã giải cứu được hơn 200.000 tấn lợn hơi đến ngày xuất chuồng. Đáng chú ý, mức giá lợn hơi đã tăng lên ở tất cả các khu vực, nơi cao nhất tăng 8.000 – 9.000 đồng/kg, nơi thấp nhất tăng 2.000 đồng/kg và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Hiện nay, tại Hà Nội giá lợn hơi từ 70 – 100kg là 23.500 đồng/kg, giá lợn quá lứa là 20.000 đồng/kg. Đây được xem là tín hiệu vui cho người chăn nuôi vững tâm ổn định sản xuất.
Bám sát thông tin thị trường
Đánh giá của Cục Chăn nuôi cho thấy, nếu chấm dứt tình trạng lợn hơi giảm giá sâu dưới mức giá thành sản xuất trong tháng 5 này thì mức thiệt hại của chăn nuôi lợn thời gian qua khoảng trên 10.000 tỷ đồng, so với tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi là 160.000 tỷ đồng. Việc khủng hoảng về giá lợn trong 4 tháng đầu năm 2017 đã bộc lộ rõ sự tồn tại, bất cập của chăn nuôi. Đó là thực trạng khó khăn trong tiếp cận thông tin về chính sách phát triển, dự báo thị trường cũng như ứng phó với thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi.
Chính vì vậy, tại hội nghị, nhiều địa phương đề nghị bên cạnh giải pháp tái cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững, cần làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường giúp người chăn nuôi cân đối quy mô sản xuất. Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay Sở đang chỉ đạo theo dõi sát cung cầu, giá cả thị trường thịt lợn để hỗ trợ tiêu thụ cho người nông dân. Đồng thời giao cho Trung tâm Khuyến nông xây dựng bản tin thông tin giá cả thị trường thường xuyên để nắm được tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP. Ở góc độ khác, với hơn 30.000 con lợn quá lứa cần xuất bán, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc Bùi Như Ý đề nghị, Bộ NN&PTNT cần phải có quy chuẩn chất lượng về giết mổ. “Không thể để lợn 70kg cũng giết mổ hay nuôi bán cho Trung Quốc lên 150kg mà phải có quy chuẩn đạt chất lượng ngon nhất mới được giết mổ” – ông Ý chia sẻ.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân đề nghị các tỉnh, TP tăng cường thông tin, báo cáo, cập nhật tình hình diễn biến thị trường để có biện pháp xử lý thích hợp, trong đó nghiêm túc thực hiện báo cáo tình hình chăn nuôi về Cục trước ngày 25 hàng tháng. Trên cơ sở đó, Cục Chăn nuôi sẽ tổng hợp, phát đi thông tin cảnh báo cho phạm vi cả nước. Trước mắt, theo ông Vân, các tỉnh cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ người dân mở các điểm bán thịt lợn, nhằm giảm chi phí trung gian, giảm thua lỗ cho người chăn nuôi.
Theo Thăng Văn/ Kinh tế đô thị
Theo Thăng Văn/ Kinh tế đô thị