Hơn 28.000 tỷ đồng cho phát triển rừng đặc thù vùng Tây Nguyên
- Thứ bảy - 23/03/2019 10:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 7.800 tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn (2.700 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 5.100 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Vốn ODA 3.750 tỷ đồng (chiếm 13%). Vốn ngoài ngân sách 17.000 tỷ đồng (chiếm 60% tổng vốn).
Ngân sách Trung ương sẽ sử dụng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, chương trình mục tiêu kinh tế xã hội các vùng, chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cùng các nguồn bổ sung khác. Ngân sách địa phương sẽ sử dụng nguồn vốn của các tỉnh, thành và huy động các nguồn hợp pháp khác.
Đề án 297 khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng cho vùng Tây Nguyên |
Mục tiêu của Đề án ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42,9%, quản lý, bảo vệ phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội khu vực Tây Nguyên.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù cho Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng. Cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần ổn định đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài. Chú trọng, ưu tiên xã hội hóa đầu tư hình thành vùng lâm sản ngoài gỗ.