Hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông
- Thứ năm - 02/01/2020 20:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội thảo có sự tham gia của 70 đại biểu đến từ khối các đơn vị công, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức, dự án quốc tế, các hiệp hội đoàn thể tham gia công tác khuyến nông. PGS.TS. Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì hội thảo.
Sự cần thiết xây dựng đề án hợp tác PPP trong khuyến nông
Hệ thống khuyến nông Việt Nam với hơn 25 năm xây dựng và phát triển đã có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Với hệ thống phát triển đồng bộ từ trung ương đến cấp cơ sở, nguồn nhân lực đông đảo, hệ thống khuyến nông đã triển khai hiệu quả các hoạt động từ thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, xây dựng mô hình trình diễn, tham gia chỉ đạo sản xuất và thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông.
Bên cạnh nguồn lực của nhà nước đầu tư cho hoạt động khuyến nông, còn có nhiều đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp, các dự án quốc tế phối hợp với hệ thống khuyến nông triển khai công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân như hợp tác PPP đối với ngành hàng cà phê, hồ tiêu, lúa gạo,… Câu chuyện đặt ra là nguồn lực dành cho khuyến nông rất lớn nhưng chưa thành một “dòng”, chưa phát huy được hết sức mạnh của cả hai khối. Vậy làm thế nào để có thể thu hút được nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức, các dự án quốc tế… vào hoạt động khuyến nông?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một cơ chế tốt để khai thác các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên hợp tác PPP cũng mới chỉ được áp dụng cho nông nghiệp trong vài năm trở lại đây nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển ngành và vẫn còn khá mới mẻ ở nhiều quốc gia. Ví dụ khuyến nông một số nước như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan,…đều có sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đặt hàng và định hướng xuất khẩu nông sản, vai trò của khuyến nông là giúp nông dân làm thế nào để sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của các doanh nghiệp đặt hàng.
Ở Việt Nam, khái niệm PPP bắt đầu chính thức được đề cập kể từ khi có Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm quy chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tuy nhiên một số chính sách này chỉ hướng tới lĩnh vực giao thông và xây dựng, y tế mà không đề cập cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong giai đoạn hiện tại, việc xây dựng đề án hợp tác PPP trong lĩnh vực khuyến nông, trong đó nêu rõ cơ chế hợp tác, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia là hết sức cần thiết.
Đánh giá của bên tham gia về việc hợp tác PPP trong khuyến nông
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khối công và khối tư có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Nếu khuyến nông có thế mạnh về nguồn lực, về phương pháp và kỹ năng chuyển giao,... thì khối tư lại có ưu điểm về tài chính, công nghệ và thủ tục hành chính linh hoạt.
Vì vậy hai khối cần hợp tác với nhau để công tác khuyến nông đạt hiệu quả cao hơn. Trong đó, khối công cần có định hướng hoạt động như đào tạo năng lực cho cán bộ khuyến, xác định các lĩnh vực ưu tiên và đề xuất chính sách hợp tác PPP trong hoạt động khuyến nông với Chính phủ, xây dựng mối quan hệ đối tác, xây dựng chính sách và chiến lược công... Nên đặt khuyến nông trong tổng thể chiến lược phát triển chung để huy động nguồn lực. Khuyến nông không chỉ kết nối trực tiếp với doanh nghiệp mà còn phải là cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau; Khuyến nông không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật mà còn phải đảm nhiệm việc kết nối cung cầu, nắm bắt được các yêu cầu và thông tin thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người nông dân.
Hợp tác PPP trong khuyến nông là bước khởi đầu cần thiết nên mở rộng hơn nữa để các bên tham gia nhiều hơn. Tuy nhiên để sự hợp tác bền vững và hiệu quả, cần phân công trách nhiệm của các bên tham gia trên nguyên tắc bình đẳng, dựa trên luật hợp tác công tư để xây dựng khung chính sách rõ ràng, minh bạch, đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp tham gia Hợp tác PPP.
Nội dung ưu tiên trong hợp tác PPP về khuyến nông
An toàn thực phẩm, sản xuất bền vững theo từng ngành hàng nông sản (cà phê, chè, tiêu, lúa, cây ăn quả, rau,… Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp 4.0, phát triển sinh kế bền vững, tổ chức hợp tác xã, liên kết tổ chức sản xuất, phát triển nông thôn, phòng chống thiên tai rủi ro trong sản xuất. Công nghệ sau thu hoạch và cách tiếp cận chuỗi, công nghệ thông tin, truyền thông về giá cả thị trường, vật tư,… là những nội dung ưu tiên trong hợp tác PPP về khuyến nông.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia một lần nữa khẳng định vai trò của khuyến nông cũng như tầm quan trọng của hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông. PGS.TS nhấn mạnh: Nói đến khuyến nông, những người làm nông nghiệp đều nhắc đến như một thương hiệu quốc gia, hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở đã hoạt động tích cực và đóng góp nhiều thành tựu cho nông nghiệp Việt Nam. Chúng ta có nhiều nguồn lực: từ chính phủ, từ các tổ chức, dự án quốc tế, các doanh nghiệp. Nếu chúng ta hợp tác cùng nhau, điều phối lại nguồn lực và sử dụng hiệu quả sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp, các bên tham gia cùng đóng góp kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, tạo ra sân chơi mà người hưởng lợi cuối cùng là nông dân. Dự kiến quý I/2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ họp bàn về đề án khung để đưa ra các phương thức hợp tác PPP, đề xuất với chính phủ đưa hợp tác PPP vào Thông tư hướng dẫn Nghị định 83 về khuyến nông. Trước mắt sẽ lựa chọn một số đơn vị tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai mô hình điểm về hợp tác PPP với hệ thống khuyến nông./.
Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/