Hợp tác xã kiểu mới tạo động lực phát triển nông nghiệp

Hợp tác xã kiểu mới tạo động lực phát triển nông nghiệp
Những năm gần đây, mô hình kinh tế hợp tác xã đã có những chuyển biến sâu rộng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng, xoá đói, giảm nghèo ở Việt nam. Tuy nhiên cùng với quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đang đòi hỏi mô hình hợp tác xã phải chuyển đổi mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản một trong những thế mạnh khi Việt nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực.

 


Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam
và đoàn khảo sát thăm mô hình trồng rau, củ, quả trên cát tại huyện Cẩm Xuyên

 

Tính đến năm 2014, cả nước có hơn 10 nghìn 400 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, thế nhưng, chỉ có 10% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp. Luật Hợp tác xã mới ở Việt nam được ban hành năm 2012, nhưng 2 năm qua, số hợp tác xã mới tăng lên không nhiều, trong khi, nhiều hợp tác xã kiểu cũ bị giải thể do hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là các hợp tác xã chưa thay đổi phương thức hoạt động, đa số mới tập trung vào hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó muốn hội nhập quốc tế về xuất khẩu, chỉ có qua mô hình hợp tác xã kiểu mới hoặc liên hiệp các hợp tác xã mới có thể bán hàng, cung ứng sản phẩm qui mô lớn, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và được chứng nhận đảm bảo chất lượng. Đây cũng là những điều kiện cơ bản để Việt nam tham gia vào các Hiệp định tư do thương mại quốc tế đã được ký kết và đang tham gia đàm phán. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Vai trò của hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng, bởi vì nếu từng người nông dân sản xuất nhỏ lẻ manh mún thì không bao giờ có sự cạnh tranh tốt với thị trường, đặc biệt là chúng ta đang hội nhập. Thứ hai nữa là muốn có sản phẩm tốt đồng đều quản lý được chất lượng và làm hiệu quả thì người nông dân phải hợp tác và liên kết với nhau. Chính vì vậy vai trò hợp tác xã nông nghiệp càng ngày càng phải được khẳng định”.
 

 

Những năm trước đây, mô hình hợp tác xã nhìn chung là sự chung vốn, góp sức của nông dân, hợp tác xã chủ yếu làm dịch vụ cho nông dân. Với tính chất như vậy nên phạm vi hoạt động của các hợp tác xã thường bị bó hẹp, chủ yếu tự cung tự cấp, ít liên hệ với thị trường bên ngoài. Khi bước vào thời kỳ hiện đại hoá nông nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn, thì những mô hình hợp tác xã đó bộc lộ những bất cập như: bộ máy cồng kềnh, làm ăn nhỏ lẻ, chậm thích ứng với thị trường. Điểm hạn chế cơ bản của hợp tác xã kiểu cũ còn là sản xuất theo “phong trào”, có khi nhiều người cùng sản xuất một loại sản phẩm, do vậy thường dẫn đến việc cung vượt cầu và luôn tiềm ẩn mối lo “ được mùa thì rớt giá”. Bởi vậy, việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới và sự liên kết các hợp tác xã mới có thể làm tăng tính cạnh tranh trong các sản phẩm hàng hoá, đồng thời có cơ chế kiểm soát, dự báo chính xác nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hoạt động của hợp tác xã kiểu mới vừa làm dịch vụ, vừa kinh doanh để có lợi nhuận cho xã viên, các hợp tác xã phải có khả năng mở rộng sản xuất và chủ động liên kết với thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, liên kết với tư thương để từ đó tăng thu nhập, bảo vệ được quyền lợi của nông dân. Với mô hình hợp tác xã kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phá và khắc phục được yếu kém, cản trở. Trong lộ trình xây dựng hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2015-2020, chính phủ Việt nam cũng đã nêu rõ: sự cần thiết phải đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường. Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban kinh tế Trung ương, nêu rõ: “Đầu tiên phải giải quyết vấn đề nhận thức, đổi mới về tư duy. Cần nhận thức vai trò, tầm quan trọng, tiềm năng của kinh tế tập thể nói chung, nhận thức khác biệt hợp tác xã kiểu mới với kiểu cũ, nhận thức các cấp chính quyền các cấp đối với việc phổ biến, quán triệt thực hiện Luật Hợp tác xã và biến những chính sách hiện nay đối với kinh tế hợp tác và hợp tác xã thành hiện thực”.
 

Thực tế mô hình hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, vì nó khuyến khích sự chủ động sáng tạo của từng hộ nông dân trong nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá…, đồng thời các hộ nông dân được sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế về thương mại. Trên hết hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam vì nó tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 loại lợi ích: lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam.

Thi Hoa
Theo vovworld.vn