Hợp tác xã rau an toàn khẳng định thương hiệu xứ Gò Công

Hợp tác xã rau an toàn khẳng định thương hiệu xứ Gò Công
Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Gò Công tại ấp Tân Xã, xã Long Hòa, TX. Gò Công (Tiền Giang) hoạt động chủ yếu là sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Đến nay, HTX không ngừng lớn mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và từng bước khẳng định được thương hiệu rau sạch Gò Công.
Thành viên HTX thu hoạch đậu rồng

HTX rau an toàn Gò Công được thành lập vào năm 2006, có 49 thành viên, vốn điều lệ 313 triệu đồng, vốn huy động hơn 500 triệu, diện tích đất canh tác hơn 12ha, với 42 chủng loại rau như bầu, bí, mướp, rau muống, các loại cải…HTX đã có trụ sở giao dịch, nhà sơ chế, kho lạnh, xe tải vận chuyển tiêu thụ rau cho bà con. Trung bình mỗi ngày HTX rau an toàn Gò Công cung cấp ra thị trường từ 1,5 đến 2 tấn sản phẩm. Thị trường tiêu thụ chính hiện nay là Siêu thị Mỹ Tho, tổng kho Metro, Co.op Mart Tiền Giang và các bếp ăn tập thể ở TX. Gò Công.
 
Với 12 ha rau an toàn, các thành viên đều tuân thủ sản xuất nghiêm ngặt theo quy trình VietGap, được tiếp nhận các phương pháp chuyển giao khoa học, kĩ thuật thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, giúp bà con dần chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức canh tác mới. Trên cơ sở đó, HTX định hướng áp dụng tốt phương thức sản xuất mới như: Sử dụng phân vi sinh, điều kiện bảo quản, ghi chép sổ nhật ký sản xuất, đảm bảo thời gian cách ly với thuốc trước khi thu hoạch. Từ đó, chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường. Nhiều đối tác cũng đến tìm hiểu quy trình sản xuất và cung cấp hạt giống cho HTX và phân phối cho thành viên gieo trồng; đồng thời thu mua lại toàn bộ sản phẩm do thành viên sản xuất ra, làm điểm tựa vững chắc để thành viên an tâm gắn bó sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap.
 
Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX rau an toàn Gò Công cho biết: “Khi được hướng dẫn bà con thành viên đã thực hiện khá thuần thục quy trình sản xuất VietGap, đặc biệt rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Số lượng, chất lượng sản phẩm luôn đáp ứng tốt nhu cầu, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
 
Sản phẩm làm ra được bao tiêu, giá cả luôn giữ mức cao hơn giá thị trường, tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo đem về lợi nhuận bà con. Từ những lợi ích thiết thực đó, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho bà con nông dân ở vùng nông thôn khi tham gia vào HTX. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, thành viên HTX rau an toàn Gò Công cho biết: “Kể từ khi tham gia vào HTX thì giá bán rau đã ổn định và tăng cao hơn trước. HTX tự phân phối và chỉ định sản xuất từng loại rau nên không cần phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần sản xuất theo chỉ định, đảm bảo sản phẩm làm ra sẽ được tiêu thụ hoàn toàn, lợi nhuận thì cao gấp 4 - 5 lần so với cây lúa”.
 
Để phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong việc góp phần bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, giá cả luôn cao để thành viên viên an tâm sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, HTX sẽ tiếp tục mở rộng thị trường; đồng thời, mở rộng diện tích và phát triển thêm thành viên mới cho HTX. Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX rau an toàn Gò Công cho biết thêm: “Trong tháng 11 HTX sẽ tiếp tục được công nhận thêm 5ha rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, nâng tổng số diện tích rau an toàn của HTX lên 17ha, từng bước khẳng định được thương hiệu rau an toàn Gò Công. Một khi sản xuất ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn đinh, được bao tiêu, giá cả không bị chèm ép thì nông dân rất phấn khởi và sẵn sàng tham gia gắn kết lâu dài với HTX. Từng bước tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng”.
 
Với phương châm hoạt động lấy thành viên làm trung tâm, tất cả vì lợi ích của thành viên, HTX rau an toàn Gò Công đã từng bước khẳng định được chính mình, phát huy tiềm năng, thế mạnh cây rau màu, nâng cao thu nhập cho thành viên, giúp bà con ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Theo HND