Hướng đi nào cho du lịch cộng đồng?
- Thứ bảy - 31/03/2018 03:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Con đường thuyền thúng Tam Thanh đã hư hỏng nặng sau chưa đầy một năm đưa vào khai thác du lịch. |
Chưa đầy một năm trước đây, con đường thuyền thúng Tam Thanh (TP Tam Kỳ) ra đời mang đến niềm vui khó tả cho người dân địa phương. Họ kỳ vọng rằng nơi đây sẽ là một địa điểm du lịch mới trên bản đồ du lịch, níu chân nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Và điều đương nhiên là đời sống người dân cũng sẽ bớt khó khăn hơn khi có thể phát triển kinh tế với ngành nghề mới: du lịch. Thế nhưng, càng phấn khởi, vui mừng bao nhiêu thì hôm nay người dân lại buồn rầu bấy nhiêu bởi con đường thuyền thúng không thể giữ được cái "hồn" du lịch mà nó vốn có. Sự tác động của thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều chiếc thuyền bị hư hỏng, rách nát. Điều đó cũng đã được dự kiến từ trước khi những chiếc thuyền đều được làm bằng tre và dầu rái cộng với việc không duy tu, bảo dưỡng tốt nên vấn đề "phá sản" chỉ là thời gian. Câu chuyện đó cũng đặt ra nhiều điều đáng bàn thảo: Phát triển du lịch cộng đồng có phải là chuyện dễ dàng?
Trả lời câu hỏi đó, lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cũng từng chia sẻ là rất khó khăn. Một ví dụ điển hình cho những thách thức, khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng nữa đó chính là tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H. Duy Xuyên) khi chính quyền và người dân vẫn loay hoay đối thoại, rồi hội thảo... cốt cũng để tìm hướng giải quyết việc cả làng làm du lịch nhưng lại phải đón tiếp lác đác vài ba lượt khách ghé đến nhìn ngắm rồi lại đi. Làng du lịch Mỹ Sơn được đưa và khai thác, phục vụ du lịch từ tháng 3-2013. Qua 5 năm xây "giấc mơ" du lịch bằng nhiều hình thức quảng bá thương hiệu điểm đến, kết nối với các đơn vị lữ hành... nhưng kết quả vẫn rơi vào lãng quên, bế tắc.
Ông Nguyễn Văn Xoa, Trưởng ban điều hành du lịch cộng đồng Mỹ Sơn cho hay: "Người dân rất buồn khi phải trải qua cảm giác kỳ vọng cho một sự "đổi đời" lại ngay lập tức quay về thực tại càng tệ hại hơn. Nhiều vốn liếng, công sức được đầu tư, nâng cấp, "biến" những ưu thế du lịch của làng quê thành "thỏi nam châm" hút khách du lịch nhưng chẳng mang lại hiệu quả. "Ban đầu cũng có vài du khách ghé tham quan, chụp hình nhưng những năm trở lại đây thì không còn. Nhiều người dân cũng đã từ bỏ để quay về với công việc lao động chân tay như ban đầu".
Làng bích họa là một trong số ít các làng du lịch cộng đồng tại Quảng Nam mang lại hiệu quả khi vẫn còn nhiều du khách đến tham quan, chụp hình. |
Không chỉ là hai điển hình kể trên, vẫn còn nhiều làng du lịch cộng đồng chưa kịp mang lại "quả ngọt" cho người dân thì đã "chết yểu". Vậy nguyên nhân do đâu? Nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc, lãnh đạo thậm chí là người dân cũng tự nhận ra được lý do vì sao các làng du lịch đều thất bại. Là bởi, việc phát triển, đầu tư quá ào ạt, chưa đi đúng hướng. Đặc biệt, đó chính là việc người dân chưa thật sự làm chủ được sản phẩm du lịch của mình. Chính quyền, các tổ chức có trách nhiệm đầu tư, hỗ trợ, định hướng xây dựng mô hình du lịch nhưng người dân phải là người vận hành, bảo dưỡng và phát triển ở những giai đoạn tiếp theo. Nói một cách khác, bài toán về hậu dự án vẫn chưa được người dân tìm được lời giải xác đáng. Chính quyền cũng như các đơn vị đầu tư cũng chỉ là "bà đỡ", giúp trao cho người dân "cần câu" và người dân phải tự mình gìn giữ, phát huy có hiệu quả thành quả đó.
Sự thất bại liên tiếp của nhiều làng du lịch cộng đồng một lần nữa đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm. Ở một khía cạnh nào đó, nguyên nhân thất bại cũng xuất phát từ việc chưa tìm được "tiếng nói chung" và chưa có cái "bắt tay" bền chặt từ nhiều phía. Theo như ông Xoa, từ khi làng du lịch Mỹ Sơn đưa vào phục vụ du khách thì người dân tự mình "gánh" hết tất cả mọi thứ. Từ quảng bá, kết nối, duy tu, bảo dưỡng, đón tiếp, phục vụ... cho đến "níu" chân du khách đều do người dân đảm nhiệm. Nhà nước, cũng như các đơn vị đầu tư "bỏ quên" người dân ở hậu dự án. Cạnh đó, các đơn vị lữ hành cũng chưa thật sự gắn kết chung khi nhiều người dân tham gia làm du lịch nhưng lợi nhuận phần lớn thuộc về đơn vị lữ hành, người dân không có thu nhập ổn định.
Phát triển du lịch cộng đồng đang là chiến lược mới nhằm hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân tại tỉnh Quảng Nam. Thực tế thì nhiều mô hình vẫn hoạt động hiệu quả mà điển hình như làng bích họa Tam Thanh. Tại đây, vẫn có hàng trăm lượt khách ghé đến tham quan, mua các sản phẩm du lịch mỗi ngày. Vấn đề đặt ra là phải tìm được đúng "tâm bệnh" đối với những làng du lịch thất bại để có biện pháp giải quyết, đưa ra những điều chỉnh kịp thời hướng đến phục vụ tốt nhất các dịch vụ du lịch cho du khách. Điều quan trọng hơn nữa, phát triển du lịch cộng đồng không nên vội vã, ào ạt mà phải có một hướng đi đúng đắn, lâu bền.
PHI NÔNG/cand.com.vn