Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 2016–2020
- Thứ ba - 19/08/2014 02:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của các ngành, lĩnh vực và địa phương, trong đó cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu.
Các Bộ, ngành trung ương và địa phương cần xác định các nhiệm vụ, định hướng và giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực và cơ cấu kinh tế trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ; trong đó cần tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Đồng thời, tăng nhanh tiềm lực và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; lành mạnh hóa hệ thống tài chính - tiền tệ; phát triển bền vững thị trường tài chính và thị trường bất động sản,…
Huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (bao gồm cả nguồn vốn nhà nước và khu vực tư nhân) phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh và hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mạnh KHCN
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo và phát triển mạnh khoa học và công nghệ. Tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, đưa khoa học công nghệ thực sự giữ vai trò then chốt và trở thành động lực phát triển. Xây dựng các tập đoàn kinh tế và tư nhân mạnh, có năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, làm chủ về công nghệ sản xuất, kinh doanh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước ở một số lĩnh vực, sản phẩm.
Cùng với đó, phát triển văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, tăng tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Tập trung giảm nghèo bền vững. Chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là tuyến trung ương; ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một nội dung quan trọng khác là cần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới và biển đảo. Tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là trong bảo vệ chủ quyền trên biển. Phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh của toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Các bộ, ngành trung ương và địa phương ưu tiên bố trí đủ kinh phí từ ngân sách của cấp mình và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các đoàn thể, các hiệp hội sản xuất và tiêu dùng, cộng đồng dân cư, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các chuyên gia trong, ngoài nước.
Thùy Trang
Theo chinhphu.vn