Hướng sản xuất nông nghiệp ở Nam Định: Chuyển từ lượng sang chất bằng công nghệ cao

Hướng sản xuất nông nghiệp ở Nam Định: Chuyển từ lượng sang chất bằng công nghệ cao
Trong giai đoạn 2017-2020, Nam Định hướng tới đẩy mạnh việc ứng ụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, thủy sản.

Tiến sỹ (TS) Lê Đức Ngân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nam Định kiến nghị Chính phủ, Bộ KH&CN hỗ trợ địa phương triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao trong hai lĩnh vực này theo quy hoạch vùng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
TS Lê Đức Ngân cho biết, trước đây sản phẩm muối của xã Bạch Long, huyện Giao Thủy có giá cả bấp bênh. Thu nhập từ việc sản xuất muối không đủ nuôi sống diêm dân nên nhiều người bỏ nghề.
 
Sau khi được Bộ KH&CN hỗ trợ ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình sản xuất muối sạch, thay đổi quy trình sản xuất, muối Bạch Long trở thành “vàng trắng” với chất lượng được đánh giá là cao hơn tiêu chuẩn muối thô tại tiêu chuẩn TCVN 3973-84; chất lượng muối tinh cao hơn tiêu chuẩn ngành TCN 402-99 và vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định.
 
Hệ thống trồng rau thủy canh tại Công ty cổ phần rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh. Ảnh: V. Hùng
Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất muối, hiện giá muối sản xuất tại xã Bạch Long tăng 1,5-2 lần so với trước đây. Bình quân giá trị thu nhập trên 1ha đất làm muối của diêm dân Bạch Long đã tăng 7-8 triệu đồng so với trước.
 
Theo TS Ngân, không riêng gì muối, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị, giữ thương hiệu, chuyển dần từ “lượng” sang “chất”. Trong thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục triển khai đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2018” và đề án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống lúa tại Công ty Cường Tân”…
 
“Việc ứng dụng KH&CN đang được xác định là giải pháp cốt lõi để ngành nông nghiệp Nam Định nâng cao giá trị nông sản. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các trường đại học, viện nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN thông qua việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tế, Nam Định mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thủy sản.
 
Ông Ngân cho biết Nam Định đang tập trung phát triển thủy sản, như giải quyết vấn đề giống, công nghệ nuôi trồng cho các vùng ven biển, nhưng các dự án do Trung ương đầu tư hiện chưa quan tâm đến mảng này. “Chúng tôi rất mong Bộ KH&CN giúp đầu tư một mô hình thực sự ứng dụng công nghệ cao để sản xuất chế phẩm vi sinh, thức ăn chăn nuôi hay công nghệ cao trong nông nghiệp. Khi có “đốm lửa” thành công, từ đó chúng tôi mới có thể nhân rộng” - TS Ngân chia sẻ.

Tác giả bài viết: Thu Hằng

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn