Hướng tới nền nông nghiệp chất lượng cao
- Chủ nhật - 18/09/2016 22:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lựa chọn "điểm" thay vì "diện"
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, phân tích: Quảng Ninh không đầu tư dàn trải, chạy đua theo số lượng mà tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, đặc thù có lợi thế như thuỷ sản, lâm nghiệp, chăn nuôi, từ đó lựa chọn các mô hình điểm để tập trung đầu tư phát triển.
Có thể nói ít có địa phương nào dành riêng một nghị quyết cho phát triển thuỷ sản như Quảng Ninh, Nghị quyết số 13-NQ/TU. Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 13, tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng 6 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Điều này cho thấy tỉnh quyết tâm phát triển thuỷ sản theo hướng gia tăng giá trị trong chuỗi sản phẩm thuỷ sản nuôi, đồng thời hướng tới tính đồng bộ trong phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi. Từ đầu năm 2016 đến nay, sản lượng con giống sản xuất tại chỗ gần 1 tỷ con; tổng sản lượng thuỷ sản đạt 61.200 tấn, trong đó nuôi trồng 26.850 tấn, khai thác 34.620 tấn. Quảng Ninh hiện là địa phương có sản lượng tôm nuôi và nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn của cả nước. Riêng hoạt động chế biến đã có những sản phẩm tinh, như ruốc, tinh dầu hàu Thái Bình Dương, ruốc cơ trai, tôm nõn, sá sùng khô… Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, năm 2016 này, thuỷ sản Quảng Ninh có thể đạt tổng sản lượng 103.000 tấn, tăng gần 40.000 tấn so với 2015; giá trị sản xuất đạt 4.475 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Ninh ưu tiên đầu tư cho các vùng chăn nuôi tập trung. Trong lĩnh vực trồng trọt, tập trung cho một số sản phẩm chủ lực như na, cam, vải, chè, ba kích; nhân rộng lúa chất lượng cao, rau an toàn; các vùng trồng lúa, màu kém hiệu quả đều được chuyển sang trồng cây phục vụ cho chăn nuôi... Hiện toàn tỉnh có trên 8.000ha giống lúa hương thơm, TBR, RVT, nếp..., có giá trị rất cao trên thị trường, chiếm 47% tổng diện tích cấy lúa; 7.725ha lúa gieo thẳng, chiếm 45,6% diện tích trồng lúa; giải pháp canh tác tăng thêm đến 40% giá trị. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được hàng ngàn ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô, nâng cao giá trị canh tác lên đến 50% so với trước, đồng thời đáp ứng nhu cầu nguyên liệu làm thức ăn gia súc. Diện tích rau an toàn được nâng lên 200ha. Từ đầu năm đến nay các vùng chăn nuôi tập trung đi vào ổn định, tổng đàn trâu, bò, lợn, gà, vịt… đều tăng từ 2-16% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Công ty TNHH Phú Lâm đang tích cực triển khai dự án chăn nuôi 40.000 con bò Úc, trong đó có 35.000 con bò thịt, 5.000 con bò giống tại xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái), lớn gấp 2 lần tổng đàn bò của toàn tỉnh hiện nay. Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đẩy mạnh lộ trình đầu tư trại lợn giống (5,5-6 triệu USD), công suất thiết kế 1.200 lợn nái cơ bản và 6.000 lợn giống hậu bị… Nhờ vậy sản lượng lương thực, thực phẩm toàn tỉnh vụ Đông Xuân vừa qua đạt gần 110.000 tấn, riêng năng suất lúa đạt 54 tạ/ha; các vùng chuyên canh na, vải, chè, các vùng chăn nuôi tập trung gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, Đông Triều, gia súc lớn Bình Liêu… ngày càng phát triển; giá trị sản xuất chăn nuôi, trồng trọt đạt hàng ngàn tỷ đồng.
Lấy nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân
Để đẩy nhanh nhịp độ phát triển, Quảng Ninh đã nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lấy đây làm hạt nhân, lan toả ra các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn. Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco tại xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều) hiện trồng 40ha các loại rau, củ, quả giống nhập ngoại của Hàn Quốc, Nhật Bản, Isarel...; đang mở rộng thêm 60ha, trong đó tháng 9 này sẽ đưa vào hoạt động 2 khu nhà lưới công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Tập đoàn BIM đưa Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản vào hoạt động tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà). Trung tâm hiện có 4 trại ương giống công suất 240 triệu con tôm giống/tháng và 35ha ao nuôi thuỷ sản; dự tính thời gian tới sản xuất 2,5 tỷ con tôm giống và 6 triệu con cá song giống/năm. Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh nghiên cứu, khảo nghiệm thành công 569 giống lúa các loại, trong đó có nhiều giống lúa được công nhận giống lúa quốc gia, được trồng chủ lực tại Quảng Ninh. Công ty TNHH Nấm Long Hải đã tiếp nhận, chuyển giao thành công 18 quy trình công nghệ sản xuất nấm, là nơi duy nhất trong cả nước nuôi trồng được nấm mỡ mùa hè. 3 doanh nghiệp khác được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghiệp là: Công ty CP Terranique (huyện Hoành Bồ), Công ty CP Ngọc trai Hạ Long và Công ty TNHH Đạt Minh Hà (TP Hạ Long) hiện đều ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất.
Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp khoa học và công nghệ kể trên hiện mới chỉ đạt được mục tiêu ứng dụng thành công công nghệ sản xuất hàm lượng khoa học cao vào sản xuất; chưa nghiên cứu, khảo nghiệm các giống mới, công nghệ sản xuất mới để chuyển giao công nghệ cho các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới tỉnh sẽ có những tác động, hỗ trợ cụ thể để các đơn vị này phát triển đúng hướng, thể hiện đúng vai trò là hạt nhân phát triển của ngành.
Nguồn: baoquangninh.com