Hướng tới sự hài lòng của người dân
- Thứ sáu - 01/12/2017 02:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2017, công tác đánh giá, chấm điểm xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới có thêm nội dung “Lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn xã, huyện, thị xã làm căn cứ để xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới”. Đây được coi là "thước đo" hiệu quả, bởi thực chất xây dựng nông thôn mới trước hết là vì người dân...
Hạ tầng nông thôn ở xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Bá Hoạt |
Phản ánh nguyện vọng của nhân dân
Huyện Hoài Đức vừa đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Để có được thành quả này, nhân dân trong huyện đã đồng lòng, nhất trí trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hoài Đức, khi tham khảo ý kiến người dân trong xây dựng nông thôn mới, đã có 95,2% số người được hỏi đều tỏ ý hài lòng với kết quả này.
Điều dễ nhận thấy nhất trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hoài Đức là hạ tầng nông thôn ngày một khang trang; đời sống, thu nhập của người dân được nâng cao hơn trước. Tại xã Lại Yên, khi xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã chung sức làm “hồi sinh” con đầm lớn chạy từ đầu tới cuối làng, tạo cảnh quan và môi trường sạch, đẹp. Ông Đỗ Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho biết, xã đã xây dựng kế hoạch cải tạo đầm, vận động và được nhân dân hưởng ứng. Khi xây dựng, chỉnh trang quê hương sạch, đẹp cùng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã khiến nhân dân phấn khởi và cùng có trách nhiệm bảo vệ thành quả chung. Như vậy, thành công từ chương trình không chỉ là tiện ích từ hạ tầng để thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn là sự hài lòng của mỗi người dân...
Tại huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, năm 2017, huyện đăng ký đưa 3 xã cuối cùng về đích nông thôn mới để có 100% số xã đạt chuẩn. Đến nay, qua rà soát, đánh giá của huyện, cả 3 xã đều cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và gần 98% ý kiến người dân đồng tình, hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới. Tương tự, tại huyện Quốc Oai, năm 2017, huyện nỗ lực đưa 4 xã cuối cùng về đích nông thôn mới, đạt 100% số xã trên địa bàn. Đến nay, qua đánh giá của địa phương, cả 4 xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí. Huyện Quốc Oai đã tổ chức lấy ý kiến hơn 7.000 hộ dân và đang chờ kết quả làm cơ sở cho thành phố thẩm định, công nhận 4 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Qua triển khai cho thấy, việc lấy phiếu khảo sát về sự hài lòng của người dân đã phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân. Thực tế, ở những nơi triển khai tốt, chỉ số hài lòng của người dân đạt rất cao; ngược lại vẫn còn một số nơi phản ánh sự chưa hài lòng của người dân...
Yêu cầu ngày càng cao
Với mục đích nâng chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, bắt đầu từ năm 2017, Hà Nội chấm điểm nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (ban hành kèm theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vẫn gồm 19 tiêu chí nhưng số chỉ tiêu tăng từ 39 lên 49).
Theo đó, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, công tác đánh giá, chấm điểm xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới có thêm nội dung “lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn”. Đây là một trong những nội dung bắt buộc, khẳng định yêu cầu về chất lượng ngày càng cao trong quá trình thực hiện các tiêu chí để được công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại hội nghị giao ban quý III-2017, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho biết: Ban Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn thành phố. Việc lấy ý kiến người dân cũng là dịp để các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, từ đó, có lộ trình phù hợp trong thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Do vậy, tại các địa phương, công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xây dựng nông thôn mới, ông Lê Thiết Cương, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội nhận định: Ý kiến người dân luôn là khách quan nhất khi đánh giá thành quả xây dựng nông thôn mới, bởi họ là những người trực tiếp tham gia, trực tiếp thụ hưởng nên sự thẩm định sẽ sát thực nhất. Chỉ khi người dân phấn khởi, tin tưởng, làm chủ thành quả vừa đạt được, khi đó nông thôn mới sẽ thực sự phát huy tác dụng và đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Do đó, các địa phương cần triển khai nghiêm túc, bài bản, tránh hình thức và điều quan trọng nhất là phải đặt lợi ích, quyền làm chủ của nhân dân lên hàng đầu. Được như vậy, mọi thành tựu sẽ luôn ghi dấu ấn mạnh mẽ từ cộng đồng dân cư và sự hài lòng cũng từ đó được nâng cao; đồng thời, tạo khối thống nhất và sức mạnh tổng hợp để cùng nhau hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ tiếp theo ở địa phương.