Huyện Như Thanh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất

Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, phát triển sản xuất nên hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng được nâng lên, giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha canh tác đạt khoảng 75-80 triệu đồng/năm. Huyện còn hình thành được vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; vùng mía nguyên liệu; vùng rau an toàn...
 
Đường giao thông nông thôn xã Yên Lạc được mở rộng và bê tông hóa.
Phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Bởi vậy, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, cùng với việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Như Thanh luôn chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ đó, thu nhập ngày càng được nâng lên, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong huyện được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
 
Để thực hiện xây dựng NTM gắn với phát triển sản xuất, những năm qua, huyện đã triển khai hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, như: Mô hình cấy lúa hàng rộng, hàng hẹp, bón phân viên dúi sâu được nhân rộng; mô hình trồng ớt xuất khẩu; trồng thanh long ruột đỏ, dưa chuột, sắn dây, ngô ngọt, đậu tương, trồng nấm; nuôi lợn cỏ, gà ri, chim trĩ, vịt trời... Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình lên tới gần 10 tỷ đồng. Cùng với việc hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, huyện còn chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, thay thế các giống lúa, ngô kém năng suất, chất lượng bằng những giống lúa lai, ngô lai có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, vận động bà con nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, trong 2 năm 2016 và 2017, huyện đã ban hành và thực hiện 4 đề án phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện đã và đang triển khai xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, tạo nên thương hiệu, như: Trồng nấm ở xã Yên Thọ, cam, bưởi xã Yên Lạc, bí xanh xã Yên Thọ...

Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, phát triển sản xuất nên hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng được nâng lên, giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha canh tác đạt khoảng 75-80 triệu đồng/năm. Huyện còn hình thành được vùng lúa  thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; vùng mía nguyên liệu; vùng rau an toàn... Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, huyện Như Thanh cũng đã chỉ đạo các xã  gắn với thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện  khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hiện, huyện Như Thanh có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 hộ kinh doanh đang hoạt động; trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, điển hình như: Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Hải Long, trang trại bò sữa Như Thanh, Nhà máy chế biến gỗ Thanh Kỳ, cơ sở chế biến gỗ Hải Long... Theo đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng của huyện tăng trưởng khá, với tổng giá trị sản xuất trung bình đạt khoảng 1.300 tỷ đồng/năm, các khu thương mại ngày càng được đầu tư phát triển, góp phần thay đổi diện mạo cho khu vực nông thôn, miền núi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Có thể nói, nhờ chú trọng phát triển sản xuất, đời sống nhân dân dần được nâng lên, huyện có điều kiện huy động nguồn lực cho xây dựng NTM, nhất là xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, huyện Như Thanh đã huy động được 244 tỷ đồng để xây dựng NTM. Với vốn huy động được, huyện đã đầu tư xây dựng được 60,27 km đường giao thông các loại, 11,51 km kênh mương nội đồng; sửa chữa, nâng cấp cải tạo 19 công trình thủy lợi; xây mới, cải tạo nâng cấp 44 phòng học, 28 nhà văn hóa và 7 khu thể thao thôn, bản...

Thực tế cho thấy, việc xây dựng NTM gắn với phát triển sản xuất là hướng đi đúng đắn, bền vững. Ông Vũ Hữu Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Để tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với phát triển sản xuất, huyện đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích và phát triển bền vững. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, khôi phục, phát triển, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống theo mục tiêu “mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng NTM.

Tác giả bài viết: Hương Thơm

Nguồn tin: baothanhhoa.vn