Huyện Như Xuân phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Huyện Như Xuân phát triển bền vững ngành chăn nuôi
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Như Xuân phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và quy mô, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để phát triển bền vững, huyện Như Xuân đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, là cơ hội thoát nghèo cho nhiều gia đình. Năm 2013, huyện Như Xuân ban hành nghị quyết về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại; có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn; thực hiện chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi, như: Hỗ trợ 25 triệu đồng/trang trại cho những mô hình, trang trại chăn nuôi trâu, bò có tổng đàn từ 20 con trở lên; tiêm vắc - xin phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn trong chăn nuôi... Đến nay, trên địa bàn toàn huyện có 48 trang trại chăn nuôi, trong đó có 2 trang trại nuôi lợn quy mô trên 1.000 con, 2 trang trại nuôi dê trên 100 con, 1 trang trại chăn nuôi hỗn hợp 50 con dê và trên 10 con trâu bò, 1 trang trại chăn nuôi gà quy mô 5.000 con và 42 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 20 con... điển hình như trang trại của gia đình ông Hoàng Ngọc Năm, ông Lê Giáp Tý, xã Hóa Quỳ; ông Đỗ Trung Hà, xã Tân Bình; ông Lê Đình Vinh, Đỗ Như Thuần, xã Bình Lương. Ngoài ra, huyện còn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi để đạt tiêu chuẩn sạch bệnh, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trong chăn nuôi; khuyến khích người dân sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến thức ăn, có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng đất đai, thâm canh tăng vụ để tăng thêm nguồn thức ăn cho chăn nuôi...


Cùng với việc đầu tư trang trại, trong những năm qua người dân huyện Như Xuân đã chủ động chuyển đổi trên 200 ha đất trồng sắn kém hiệu quả, vườn tạp, đất ven bờ để trồng cỏ chăn nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, bước đầu người chăn nuôi ở huyện Như Xuân đã thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, từ chăn nuôi tự do, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa...

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 theo hướng nâng cao giá trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất và chăn nuôi, huyện Như Xuân đã đề ra kế hoạch đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Như Xuân phấn đấu toàn huyện có trên 90 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo tiêu chí cấp huyện, 5 trang trại quy mô lớn theo tiêu chí cấp tỉnh. Hiện nay, các ngành chức năng huyện đang tích cực triển khai nhiều biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm duy trì và phát triển ngành chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2020 huyện Như Xuân sẽ đạt tiêu chí về số lượng gia súc, gia cầm.
.Bài và ảnh: Xuân Minh/ Báo Thanh Hóa