IoT trong nông nghiệp: Giải thách thức chi phí đầu tư

IoT trong nông nghiệp: Giải thách thức chi phí đầu tư
Chi phí đầu tư đắt đỏ cho hệ thống ứng dụng Internet vạn vật (IoT) là thách thức mà các nông dân và công ty công nghệ thức thời đã bước đầu tìm ra hướng khắc phục khi liên kết với nhau.
Cách một số nông dân ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng làm ruộng đang xóa mờ dần định kiến rằng nhà nông là phải đầu tắt mặt tối, khi họ có thể vô tư “mặc kệ” ruộng vườn đang bơm nước tưới để đi ăn cưới cả buổi, bởi vẫn giám sát và điều khiển mọi việc ở đó nhờ thiết bị cầm tay.
 
Nông dân có thể "bỏ mặc" trang trại đi ăn cưới
 
Ở các trang trại trồng rau trên giá thể ở Đơn Dương, nông dân sử dụng hệ thống tưới nước và dinh dưỡng nhỏ giọt, tần suất trung bình 8 lần/ ngày. Thay vì mất công 8 lần đóng - mở máy bơm và hệ thống van của từng khu vực, họ chỉ cần thao tác qua điều khiển bằng tay.
 
Bà Nguyễn Thị Thùy - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng - cho biết: “Thay vì mất cả ngày để đi tắt - mở máy bơm, căn từng phút để tắt đúng giờ, nay nông dân chỉ mất vài phút. Các nông hộ rất thích hệ thống điều khiển này. Nhiều người bảo trước đây buổi trưa họ không bao giờ dám đi đám cưới, giờ thì đi thoải mái”.
 
Cách đó 2.000km, nông dân Hợp tác xã rau sạch Tự Nhiên (Mộc Châu, Sơn La) mỗi sáng vừa nhàn tản nhặt cỏ vừa quan sát hệ thống vòi tưới. Cà chua được tưới nhỏ giọt vào gốc; rau ăn lá được tưới phun mưa để tránh giập nát, còn cây cao được tưới bằng van từ trên xuống. Bà Lê Thị Luyến - Chủ nhiệm hợp tác xã - nói: “Trước đây, với 15 hécta rau, 38 hộ tưới cả ngày mới xong. Nay thời gian tưới đó, họ dùng làm việc khác”.
 
Giải pháp MimosaTEK ứng dụng ở vườn thành long tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Lan Anh
Giải pháp MimosaTEK ứng dụng ở vườn thành long tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Lan Anh
Thoải mái hơn về thời gian, chính xác hơn về quy trình, sản phẩm chất lượng hơn là điều nông dân đang kỳ vọng ở nông nghiệp công nghệ cao - nơi thiết bị IoT kết nối với các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, lượng mưa... để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng, màn chắn... phù hợp.
 
Nếu có yếu tố vượt giới hạn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo bằng tin nhắn, email đến người quản lý. Lịch sử sản xuất như ngày trồng và thu hoạch, hàm lượng, xuất xứ, hạn bảo quản... được ghi lại và tự động tạo QR code để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
 
Chi phí hệ thống IoT cho mỗi sào dao động từ 2-20 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, tùy theo yêu cầu về mức hiện đại và độ chính xác. Do đó, hiện chỉ những hộ có sản lượng lớn, doanh thu và khách hàng ổn định mới đầu tư.
 
Ông Nguyễn Khắc Minh Trí - Giám đốc điều hành MimosaTEK, doanh nghiệp cung cấp các giải pháp doanh nghiệp chính xác - cho biết: “Chi phí đắt nhất của hệ thống IoT nằm ở cảm biến - chìa khóa để đọc các chỉ số liên quan đến môi trường. Chúng tôi đã làm được mạch, modul đọc cảm biến và phần mềm trên website, mobile nhưng cảm biến thì chưa. Đây là sản phẩm liên quan đến khoa học cơ bản, trong khi các nghiên cứu phục vụ mảng này ở Việt Nam chưa đủ sâu”.
 

Cảm biến giá 8 triệu "rẻ" hơn loại 500.000 đồng
 
Trong khi giảm chi phí sản xuất là một điều được kỳ vọng ở IoT thì chính chi phí đầu tư lớn lại đang cản trở việc ứng dụng nó. Trước câu hỏi liệu có giải pháp giúp IoT trở nên rẻ hơn để tăng độ phủ của nó, ông Trần Kim Vũ - Phó Giám đốc Công ty CP Global Cybersoft, sở hữu ứng dụng Smart Agri - cho rằng: “Giá của hệ thống IoT nằm ở giá trị nó mang lại. Rất khó để định giá. Nếu người tiêu dùng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và sẵn sàng trả giá cho điều đó thì việc đầu tư một hệ thống tương ứng không quá khó khăn”.
 
Mặt khác, với nền nông nghiệp tương lai, bài toán lớn cần giải là tăng năng suất bền vững, bảo vệ môi trường và IoT là chìa khóa cho vấn đề này. Ông Trí cho biết, MimosaTEK đang nỗ lực biến IoT trong nông nghiệp từ chỗ “có thì tốt” sang “phải có”. Tuy nhiên, ngoài các "đại gia" sẵn sàng chơi lớn, hiện các trang trại vừa và nhỏ khá dè dặt.
 
Hệ thống điều khiển tưới của MimosaTEK có chi phí 16 triệu đồng/ha, Trung tâm Khuyến nông huyện Đơn Dương có hỗ trợ một phần, bản thân nông dân biết là hiệu quả nhưng chỉ một số người đầu tư. “Các nông hộ - lực lượng chiếm tỷ lệ lớn ở Việt Nam - chủ yếu lấy công làm lãi. Họ quen với cách sản xuất cũ và thấy an toàn với nó. Việc đầu tư hàng chục triệu đồng cho mỗi sào là một cuộc cách mạng” - ông Trí nói.
 
Thử nghiệm ứng dụng giải pháp IoT cho ao nuôi tôm. Ảnh: Lê Lan
Thử nghiệm ứng dụng giải pháp IoT cho ao nuôi tôm. Ảnh: Lê Lan
 
Để mở rộng thị trường, các nhà phát triển IoT trong nông nghiệp luôn có tham vọng cải thiện giá, nhưng họ đều khẳng định nếu phải chọn giữa giá rẻ và độ chính xác, họ chọn chính xác.
 
Ông Vũ nói: “Nông nghiệp thông minh còn được gọi là nông nghiệp chính xác. Từ phần cứng đến phần mềm đều nhằm cung cấp chỉ số đúng để phân tích và đưa ra cảnh báo chính xác. Tiền nào của nấy. Cảm biến rẻ thường có sai số lớn hơn nhiều so với cảm biến đắt tiền. Khi thử nghiệm hệ thống Smart Agri, chúng tôi từng đo nhiệt độ trong nhà màng bằng cảm biến giá 500.000 đồng. Sau đó khi phát hiện sai số quá lớn, chúng tôi quyết định dùng cảm biến của Nhật Bản giá 8 triệu đồng, đắt gấp 16 lần nhưng được bảo hành 2 năm và độ chính xác gần như tuyệt đối”.
 
Ông cũng nhấn mạnh yếu tố con người trong việc ứng dụng IoT: “Có máy móc hiện đại mà nông dân không tuân thủ thì cũng bằng không. Nhiều khi hệ thống báo nước hết nhưng vì khuya quá mà họ tặc lưỡi bỏ qua, chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Khi hệ thống báo có sâu bệnh, nông dân vẫn quen phun thuốc ngay, trong khi chuyên gia sẽ dùng kỹ thuật xử lý. Tóm lại, chỉ khi người sản xuất đặt chất lượng lên hàng đầu thì IoT mới thực sự có ý nghĩa”.
 
Cho nông dân thuê thiết bị IoT
 
Muốn có hệ thống điều khiển tưới nhưng không đủ tiền mua, nhiều hộ ở huyện Đơn Dương thuê của MimosaTEK. Giá thuê thiết bị điều khiển trung tâm là 140.000 đồng/tháng, giám sát độ ẩm đất 70.000 đồng/mắt/tháng, giám sát vi khí hậu nhà kính 60.000/mắt/ tháng. Ước tính mỗi hộ chi khoảng 300.000-400.000 đồng/tháng.
 
Kỹ thuật viên của MimosaTEK lắp đặt thiết bị tại trang trại trồng rau ở Đà Lạt. Ảnh: Lan Anh
Kỹ thuật viên của MimosaTEK lắp đặt thiết bị tại trang trại trồng rau ở Đà Lạt. Ảnh: Lan Anh
Cung cấp dịch vụ IoT theo hình thức thuê bao là cách MimosaTEK khuyến khích nông dân sử dụng với chi phí ban đầu dễ chấp nhận. Ông Minh Trí chia sẻ: “Chúng tôi không đi theo mô hình kinh doanh giá rẻ, không dùng yếu tố giá để cạnh tranh mà thuyết phục khách hàng bằng cách cho họ dùng thử. Sức thuyết phục sẽ đến từ thực tế”.
 
Ông Đỗ Trung Hiếu - Giám đốc Công ty công nghệ Smartline - cho rằng, trong tương lai, các nông hộ sẽ phải gia nhập hợp tác xã hoặc xây dựng trang trại. Khi đó, mô hình cho thuê trong nông nghiệp sẽ phát triển ở Việt Nam, gồm cả hình thức cho thuê thiết bị như cách MimosaTEK đang làm và thuê ruộng đất, đặt hàng người trồng theo nhu cầu.
 
Ông Hiếu phân tích: “Khi yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm khắt khe hơn, nông dân và khách hàng đều sẽ sử dụng công nghệ để kết nối với nhau và minh bạch hóa sản phẩm. Chúng tôi đang xây dựng mô hình cho người thành thị thuê đất, đặt hàng nông dân trồng rau theo yêu cầu. Trên ứng dụng điện thoại, khách hàng chọn mảnh vườn, loại rau, củ rồi đặt hàng. Nhận đơn, nông dân quản lý khu vườn sẽ gieo trồng, thu hoạch và gửi sản phẩm. Hai bên trao đổi thông tin thường xuyên qua hệ thống và camera; khách hàng có niềm tin rằng đó là mảnh vườn của họ. Ước tính, giá cho thuê mảnh vườn khoảng 10m2 tối thiểu là 200.000 đồng/tháng”.