Israel - cái nôi của công nghệ thực phẩm
- Thứ sáu - 08/11/2019 03:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bít tết bò không giết mổ của Aleph Farms. Ảnh: Aleph Farms. |
Israel có hơn 350 công ty nông nghiệp và công nghệ thực phẩm. Năm 2018, lượng vốn đầu tư thường niên vào lĩnh vực công nghệ thực phẩm của Israel tăng lên 100 triệu USD, theo báo cáo gần đây của Start-Up Nation Central. Israel có tiềm năng trở thành một người chơi mạnh trên thị trường công nghệ thực phẩm, được công ty nghiên cứu BIS Research ước tính có giá trị hơn 250 tỷ USD vào năm 2022.
“Có quá nhiều thứ đang xảy ra ở một nơi bé nhỏ”, Tamar Weiss, giám đốc phát triển của lĩnh vực công nghệ thực phẩm – nông nghiệp tại Start-Up Nation Central, nói với CNN.
Bà Weiss tin rằng điều này có được nhờ tham vọng của Israel trong đối phó với những thách thức về môi trường và đạo đức liên quan đến nông nghiệp. “Mọi người hiểu rõ vấn đề trong cuộc sống của họ. Sự nhận thức đó đã giúp thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thực phẩm”.
Thực phẩm bền vững
Năm 2017, Didier Toubia thành lập Aleph Farms, công ty chuyên về “nuôi thịt bò” – sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm từ các tế bào của bò. “Mục tiêu là mang lại sự cân bằng cho tự nhiên và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất khôn ngoan hơn”, Toubia nói.
Công ty đã huy động được 14 triệu USD, xuất hiện trên nhiều bản tin khắp thế giới trong năm 2018 vì phát triển được bít tết bò không cần giết mổ đầu tiên. Tháng 10, Aleph Farms “nuôi” thịt thành công trong không gian. Thử nghiệm đã chứng minh “nuôi” thịt là cách sản xuất protein chất lượng cao với ít tài nguyên, theo Toubia.
Công ty dịch vụ tài chính Barclays của Anh dự báo ngành thịt nhân tạo có thể trị giá 140 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo. Thị trường thịt nhân tạo vẫn đang mở rộng, với số lượng công ty khởi nghiệp trong ngành tăng từ 4 trong năm 2016 lên hơn 20 trong năm 2018, số liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Viện The Good Food, Mỹ, cho biết.
Vị thế hiện tại của Israel có phần đóng góp không nhỏ từ Cơ quan Đổi mới của chính phủ nước này. Văn hóa cũng góp phần nhất định. “Tại Israel, nhận thức về phúc lợi động vật rất rõ ràng… Tôi nghĩ nó đã được mã hóa vào truyền thống của người Do Thái”, Toubia nói.
Bà Weiss cho biết văn hóa kosher của người Do Thái “mang đến nhiều nhận thức về thực phẩm như sự thanh khiết hoặc được chế biến theo cách đặc biệt hoặc tôn trọng thực phẩm”.
Phúc lợi động vật
Yehuda Elram, giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp eggXYt, trụ sở Jerusalem, đồng tình rằng người Do Thái có lòng trắc ẩn với động vật. “Họ là người tiêu dùng có tâm, yêu cầu các công ty phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, trong số đó có chấm dứt sự tàn ác với động vật”, ông nói.
eggXYt đã phát triển công nghệ có thể xác định giới tính trứng trước khi nở nhằm ngăn tình trạng tiêu hủy gà trống tại trang trại, nơi cần gà mái để sản xuất trứng. Công nghệ này không xâm lấn và được thực hiện từ trước khi bắt đầu ấp trứng. Sử dụng công cụ chỉnh sửa gene CRISPR, eggXYt chèn vào một dấu ấn sinh học trong ADN quy định giới tính của gà. Trứng sau đó được đưa qua máy quét và họ sẽ xác định được giới tính trứng mà không gây tác dụng phụ.
Theo ước tính, mỗi năm tại Israel có khoảng 7 tỷ gà trống con bị giết trước khi nở. Phân loại từ trước khi ấp sẽ tránh được tình trạng trên, đồng thời còn có lợi về mặt tài chính. Cơ sở chăn nuôi không tốn không gian và năng lượng vào việc ấp những trứng không mong muốn. Số trứng đó có thể dùng làm thực phẩm hoặc phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm.
“Tỷ lệ chính xác rất cao và không ảnh hưởng đến khả năng nở của trứng. Nhờ đó, ngành có thêm 7 tỷ trứng thành phẩm thay vì bỏ đi”, Elram nói.
Giáo sư Dani Offen, đồng sáng lập eggXYt, sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene để xác định giới tính trứng trước khi nở. Trứng gà trống sẽ phát quang. Ảnh: eggXYt. |
eggXYt không tiết lộ giá trị của công ty. Tuy nhiên, công ty từng được Cơ quan Đổi mới Israel tài trợ 4 triệu USD và nhận nhiều giải thưởng. Công nghệ của eggXYt đang trong quá trình chờ cấp phép.
Sức khỏe con người
Một xu hướng khác thống trị ngành công nghệ thực phẩm Israel là sức khỏe. Những công ty như Amai Proteins và DouxMatok đang phát triển đường nhân tạo.
Công ty khởi nghiệp MyFavorEats, trụ sở Tel Aviv, lại phát triển thuật toán giúp tùy biến công thức nấu ăn trên internet, đưa ra lựa chọn thay thế khi các nguyên liệu không sẵn có hoặc ước lượng theo các tiêu chuẩn ăn kiêng của người dùng.
“Ví dụ, người bị tiểu đường cần hạn chế lượng carbohydrate hoặc vận động viên chuyên nghiệp cần bổ sung protein”, Orly Rapaport, CEO MyFavorEats, nói.
Thuật toán, đang triển khai với 1 triệu công thức, đã nhận diện được vai trò của từng nguyên liệu, thông số về hương vị và kết cấu của chúng. Công nghệ này sẽ được tích hợp với các ứng dụng sức khỏe hoặc nhà cung cấp công thức nấu ăn. Thuật toàn còn hỗ trợ cho những người bị dị ứng thực phẩm. Tổ chức Dị ứng Thế giới ước tính có khoảng 240 – 550 triệu người bị dị ứng thực phẩm trên toàn cầu.