Kéo 10.000 doanh nghiệp trẻ đầu tư vào tam nông

Kéo 10.000 doanh nghiệp trẻ đầu tư vào tam nông
Tại diễn đàn về đầu tư nông nghiệp, nông thôn mới đây, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT có bài phát biểu ấn tượng về việc kêu gọi, hiến kế đầu tư vào tam nông. Liên quan đến vấn đề này, Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Gia Bình.

Ông Trương Gia Bình nói: “Năm 2000, khi công nghệ thông tin của Việt Nam còn rất lạc hậu, chúng tôi bắt đầu bắt tay phát triển lĩnh vực này và đến nay đã ngang bằng với các nước. Với lĩnh vực nông nghiệp, nếu chúng ta quyết tâm, tôi tin 10-15 năm sau chúng ta sẽ trở thành “cường quốc” nông nghiệp”. Theo ông Bình, nếu lĩnh vực khác ta đuổi kịp thời đại, đi cùng thời đại như công nghệ thông tin, thì riêng trong nông nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc đi vượt thời đại. Nghe có vẻ “mơ màng”, nhưng nghĩ sâu một chút, thì thấy việc này hoàn toàn có cơ sở. Tôi nói ví dụ như ở Đan Mạch, để nuôi được một con lợn, con bò phải chi phí rất nhiều tiền điện để sưởi ấm còn ở ta có thiên nhiên ban tặng chẳng cần phải tốn tiền điện; hay ở Nga chỉ trồng lúa mạch 1 năm, còn ta lại cấy được 3 – 4 vụ lúa/năm. Việt Nam chúng ta cũng có thể làm ra trứng cá tầm ở nhiều địa phương có giá tới hàng nghìn USD… Một lợi thế nữa của nước ta là, ở các nước phát triển, có “các thêm vàng” lao động trẻ cũng không quay về làm nông nghiệp, trong khi chúng ta hiện có tới gần 50% lực lượng lao động đang làm việc lĩnh vực nông nghiệp và yêu nông nghiệp.

Nhưng khác với công nghệ thông tin, những rủi ro của nông nghiệp là rất lớn, từ thiên tai, dịch bệnh cho đến giá cả thị trường… Điều này khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư?

 

 
 
Ông Trương Gia Bình
  Để đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp cần làm được 3 việc lớn: 1. Phải ứng dụng công nghệ cao; 2. Không thể phát triển ngành kinh tế nông nghiệp mạnh với quy mô nhỏ và cần coi công nghệ thông tin là phương thức phát triển mới của nông nghiệp; 3. Cần phải có những quyết sách đủ mạnh, hiện Việt Nam có 3 lĩnh vực có lợi thế là công nghệ thông tin, du lịch và nông nghiệp.
 
- Đúng là nông nghiệp có nhiều rủi ro, nhưng không phải không xử lý được, ví như dịch bệnh, để xử lý vấn đề này người ta có công nghệ chuyên dùng. Đối với thiên tai, phải có bảo hiểm nông nghiệp, các công ty sẽ mua bảo hiểm… Tôi cho rằng, chẳng có khó khăn gì mà chúng ta không làm được, vấn đề là có quyết tâm làm hay không mà thôi. Mặc dù vậy, theo tôi nghĩ, nếu chỉ là nỗ lực của một số công ty thì chưa đủ, đầu tiên là cần phải có quyết sách của Nhà nước. Tiếp đến, cần tập hợp lực lượng và công tác đào tạo, nguồn nhân lực. Điều này rất quan trọng. Từ quyết sách của Nhà nước phải thúc đẩy doanh nghiệp, sau đó tới nông dân... ngành công nghệ thông tin chỉ sau 10 năm đã tăng trưởng hàng chục %, thì nông nghiệp hoàn toàn có thể làm được.

 

Ông đã thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin và nghe ông nói, có thể thấy rất tâm huyết với nghề nông. Vậy xin hỏi, cá nhân ông có sẵn lòng đầu tư vào nông nghiệp?

- Hiện tại, Tập đoàn FPT của chúng tôi và Tập đoàn Fujisun (Nhật Bản) đang bàn hợp tác trong lĩnh vực này, nhưng quan điểm của chúng tôi là ai làm việc đó, chúng tôi chỉ làm công nghệ thông tin phục vụ cho nông nghiệp. Và hiện chúng tôi cũng đang có kế hoạch kéo 10.000 doanh nghiệp trẻ vào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị tổ chức một cuộc hội thảo với quy mô 400 doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Nhật Bản để chia sẻ quan điểm về đầu tư vào nông nghiệp. Mong muốn của tôi là sẽ tập hợp một nhóm doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp với công nghệ cao nhất.

Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đã đạt được một số thành công. Ông đánh giá ra sao về triển vọng của các mô hình này?

- Đúng là chúng ta đang có mô hình quy mô lớn vào nông nghiệp như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên, TH true Milk… rất tốt. Nhưng một nền nông nghiệp quy mô lớn không phải chỉ giới hạn ở một vài mô hình, theo tôi để trở thành một cường quốc nông nghiệp, thì mỗi một người nông dân phải tham gia vào với tư cách làm chủ. Tôi nghĩ, hướng đi của các doanh nghiệp công nghệ cao là chuyển giao về nông thôn, đem tất cả về, trừ đất đai và lao động đã có sẵn. Song lao động cũng phải đào tạo lại từ đầu. Khi làm như vậy, năng suất lao động sẽ tăng vọt lên, phần tăng thêm đó là người nông dân và doanh nghiệp được hưởng và họ phải kết nối tiếp chứ không phải một doanh nghiệp làm được hết.

Trước những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng giống như công nghệ thông tin, theo ông nông nghiệp cần “gỡ” từ đâu?

- Điều quan trọng lúc này là, phải triển khai theo từng công đoạn giống như FPT từng cử người đi học làm phần mềm. FPT thực chất là công ty chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tôi muốn có nhiều công ty chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Chuyển giao nghĩa là gì? - chuyển giao ở đây không chỉ có giống, có vật liệu, phương thức canh tác, công nghệ chế biến, mà doanh nghiệp còn phải “bày vẽ” cho người dân cách làm ăn. Giống như thời gian đầu, chúng tôi đưa máy tính vào các ngân hàng là phải cho cán bộ đi hướng dẫn, phải “cầm tay chỉ việc”. Ban đầu phải thế, nông nghiệp cũng phải làm lại từ quá trình đó, dù có công phu nhưng phải kiên trì và làm lại từ đầu. Sau đó phải kết nối với nhiều các doanh nghiệp khác. Theo tôi, quan trọng là phải lôi kéo nhiều doanh nghiệp đang thành công, có nhiều kinh nghiệm, lực lượng, có tài chính, có quan hệ quốc tế… Khi họ quan tâm tới nông nghiệp, họ sẽ về từng tỉnh, từng huyện, từng xã, từng làng để nghiên cứu. Từ đó, đưa công nghệ cao vào canh tác…

Xin cảm ơn ông!
 

Theo Danviet.vn