Kết cấu và mạng lưới hạ tầng kỹ thuật - Yếu tố quyết định xây dựng nông thôn mới bền vững
- Thứ tư - 29/11/2017 19:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hệ thống không gian và hạ tầng hiện hữu làng Chi Quan,Thạch Thất, Hà Nội.
Cần hiểu rõ bản chất của quá trình XDNTM
Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng đã được Chính phủ Việt Nam trong gần 10 năm qua xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, trên tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 05/08/2008) đến nay đã giành được một số thành tựu cơ bản và nhất định. Tuy nhiên, để chương trình này thực sự là đòn bẩy, tiếp tục là kim chỉ nam thúc đẩy quá trình XDNTM Việt Nam ở giai đoạn tiếp theo phát triển toàn diện, bền vững, ở đó nền kinh tế nông nghiệp thông qua sản phẩm hàng hóa đóng vai trò trở thành một ngành kinh tế chủ lực, đi đôi với việc giữ gìn bản sắc văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị sâu đậm và lâu bền nhất của dân tộc thì vấn đề đặt ra là cần làm rõ, hiểu rõ bản chất của quá trình XDNTM khi đối tượng đang bị chi phối, áp đặt quá nhiều áp lực, kể cả là những sự kỳ vọng, tham vọng… đa chiều và thậm chí quá tải…
Những năm qua, trong quá trình triển khai XDNTM, chúng ta thường đưa ra những chiến và sách lược cụ thể như “Công nghiệp hóa (CNH) và hiện đại hóa (HĐH) nông nghiệp, nông thôn” hoặc “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp”… hoặc các mô hình, các hình thức phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao… Nghe qua thấy thật quá khủng khiếp. Như một cuộc cách mạng mà không biết là tuần tự hay nhảy vọt? Cái nào trước, cái nào sau?… Hay cùng lúc? “Tam nông” như đứng ngã ba đường, rối rắm mà khó xác định, định hướng cho hướng phát triển…
Trước hết, với khái niệm CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, cần hiểu rõ đây là quá trình tiến dần đến hiện đại trong sản xuất (môi trường lao động) thông qua công nghệ, kỹ thuật, kỹ nghệ, quản lý và tổ chức sản xuất… và hiện đại trong ăn ở, sinh hoạt, đi lại… (môi trường ở) cho người nông dân. Quá trình đó không thể tuyệt đối hóa và nhầm lẫn hẳn sang quá trình CNH, HĐH của cả nước, nhất là khác xa với đô thị. Bởi lẽ có công nghiệp hoặc lớn hơn là công nghiệp hóa, thì chắc chắn sẽ có đô thị; nhưng có đô thị chưa chắc đã có công nghiệp, mà chỉ có dịch vụ đô thị hoặc nếu có chỉ có tiểu thủ công nghiệp hoặc cùng lắm là công nghiệp phụ trợ. Cũng như vậy, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp,dịch vụ, nông nghiệp… đang có xu hướng coi trọng công nghiệp, dịch vụ… xem thường, xem nhẹ nông nghiệp, không thấy rõ bản chất của công nghiệp và dịch vụ là những hình thức, phương thức… thay đổi, chuyển đổi, bổ sung thêm, để có điều kiện quay lại phát triển nông nghiệp, từng bước đưa hàng hóa nông nghiệp trở nên có giá trị hơn, chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân.
Sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao.
Chăn nuôi theo hình thức công nghệ cao.
Kiên cố hóa hệ thống đường giao thông và hệ thống lưới điện nông thôn mới.
Ở đây, cần hiểu rõ và làm rõ, quá trình chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… được đặt trong điều kiện của nông thôn Việt Nam, thường là quá trình dễ tiệm cận đến với quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu theo nghĩa đó, mà quên đi quá trình đó là tạo điều kiện quay lại để thúc đẩy nông nghiệp phát triển thì e rằng đa phần nông thôn Việt Nam sẽ chỉ phát triển theo hướng đô thị hóa, có nguy cơ phá vỡ nhiều cấu trúc, hình thái, hình thức văn hóa truyền thống; phát triển sẽ manh mún, cục bộ, phá vỡ môi trường sinh thái tự nhiên, dẫn đến sự pha tạp nhưng đơn điệu và chắc chắn mất dần bản sắc.
Các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao… thực chất là những hình thức sản xuất theo hướng bền vững, đòi hỏi những hình thức, phương thức sản xuất mới thay đổi về quy mô diện tích, công nghệ và kỹ thuật, trình độ quản lý và tổ chức lao động… từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm… Hình thành thị trường liên kết giữa Tổ chức khoa học - Hợp tác xã - Doanh nghiệp, tạo liên kết hệ thống trong quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, ở đó sản phẩm nông nghiệp được coi là hàng hóa có giá trị, thương hiệu…
Như vậy, các khái niệm, các định hướng, các hình thức, các mô hình… đã được làm rõ một cách tương đối. Vấn đề là nông thôn Việt Nam sẽ phát triển như thế nào để hướng tới sự phát triển bền vững, giữ được bản sắc, bảo tồn được những giá trị văn hóa lâu đời; để nông nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế chủ đạo, mũi nhọn, với Việt Nam, sự lựa chọn cần cân nhắc, cân đối, hài hòa và phù hợp với năng lực, để tránh “Phi công bất hoạt” nhưng nếu không khéo sẽ thành “Phi nông bất ổn”.
Điểm dân cư nông thôn mới.
Mô hình thiết kế điển hình khu trung tâm văn hóa và thể thao cấp xã.
Hệ thống trạm bơm tưới tiêu và đập điều tiết lũ.
Các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) trong tương lai.
Thực chất lâu nay, sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng kể cả về chất và lượng, chưa được coi là một loại hàng hóa bình đẳng với các loại hàng hóa của các ngành nghề khác trong xã hội. Người nông dân, trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào cũng chỉ có một sự lựa chọn duy nhất, đó là trao đổi, đánh đổi sản phẩm của mình làm ra để lấy một giá trị khác (chủ yếu bằng tiền) nhằm mưu sinh, tái tạo lại sức lao động và đáp ứng cuộc sống của mình. Tuy nhiên, các sản phẩm đó được sản xuất ở dạng cá thể, nhỏ lẻ, phân tán, ít được bảo hộ, hỗ trợ về các điều kiện như công nghệ, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ… Hệ quả là nông nghiệp của Việt Nam, với lực lượng lao động chiếm hơn 70% dân số chưa bao giờ được coi là thế mạnh, là ngành kinh tế có đối trọng so với các ngành khác…
Đứng trước nhiều thách thức đang đặt ra có quy mô toàn cầu đối với mỗi quốc gia, trong đó đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến tài nguyên, môi trường, dân số, lương thực, hệ sinh thái… bên cạnh mối đe dọa của biến đổi khí hậu và sức ép tăng trưởng kinh tế cũng như hội nhập quốc tế, nông nghiệp Việt Nam vừa có nhiều cơ hội để phát triển nhưng đồng thời vừa có nhiều thách thức, rủi ro… Với nhiều bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, kết hợp với điều kiện thực tế và song cùng với quá trình XDNTM, chúng ta đã định hướng, đưa ra những chiến lược, mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao… Đây là một hướng đi đúng, được hoạch định tương đối cụ thể ứng với từng địa phương, vùng miền… từ đồng bằng, ven biển, trung du đến miền núi, hải đảo… được hòa quyện hữu cơ với các đặc thù khác nhau từ điều kiện tự nhiên, văn hóa, dân tộc, phong tục tập quán, các thế mạnh đặc trưng, các tiềm ẩn về rủi ro và thách thức… được phân vùng, phân khu, phân loại tương ứng với các loại hình ngành nghề như nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch…
Tuy nhiên, dù có phát triển theo thế mạnh của ngành nghề nào, mô hình nào, với công nghệ và kỹ thuật hiện đại hoặc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại… thì bài toán đặt ra cho việc song hành hai mục tiêu cơ bản: Nông nghiệp phải là ngành kinh tế mũi nhọn đi đôi với sinh kế và làm giàu của người nông dân. Muốn đạt được điều đó, chắc chắn, điều quan trọng và tiên quyết chính là phải xây dựng được tính nền tảng, đồng bộ và đi trước một bước cho hệ thống HTKT tại các vùng miền nông thôn hiện nay, bởi lẽ hơn ai hết, người nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đe dọa nhất, cùng cực nhất, thiệt thòi nhất… khi mà hệ thống HTKT vốn dĩ là quá xa xỉ với họ, hơn thế lại phải đáp ứng cho sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung và hiện đại… Đây là bài toán, bài học chẳng khác gì cho đô thị, khi chính quyền các đô thị đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự gia tăng dân số, tắc nghẽn giao thông, lụt lội, ô nhiễm môi trường…
Giải quyết mối liên hệ không gian giữa khu Trung tâm, khu sản xuất và các khu dân cư (khu ở) trên nền tảng của hệ thống HTKT tại nông thôn.
Thời gian qua, hầu hết các đề án, đồ án XDNTM tại các địa phương nông thôn trên cả nước đều lấy 19 tiêu chí đánh giá NTM để xét, đánh giá và đưa ra nhiệm vụ cũng như xây dựng ý tưởng quy hoạch. Xét một cách tổng quan và thực chất, nhiều đồ án nặng về tính pháp lý, duy ý chí, có xu thế nhất thể hóa, đồng nhất hóa trong nội dung quy hoạch, được uniform xơ cứng và đơn điệu cho tất cả các địa phương nông thôn trên cả nước. Ít và rất ít đồ án được xây dựng ý tưởng dựa trên các yếu tố đặc thù, riêng biệt về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, văn hóa, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng… để tạo nên sự đa dạng trong phát triển, trong bản sắc, trong cái riêng của từng địa phương, vùng miền nông thôn… nhằm tạo ra sự phong phú, liên hoàn trong phát triển hàng hóa nông nghiệp, xứng với một quốc gia mang thương hiệu nhiệt đới.
Đặc biệt, các đồ án quy hoạch XDNTM phần lớn đưa ra sự liên kết không gian chủ yếu ở 3 thành phần chức năng gồm khu trung tâm xã, khu sản xuất nông nghiệp và các khu ở hiện hữu cũng như các điểm dân cư nông thôn mới (NTM). Tuy vậy, sự liên kết này phần lớn chưa được chú trọng xây dựng dựa trên nền tảng khoa học và cơ hữu của hệ thống HTKT cho cả sản xuất, sinh kế, sinh hoạt đời thường của người nông dân. Sự thiếu vắng đến thiếu thốn cơ bản hệ thống HTKT, hoặc có nhưng chưa phù hợp sẽ đưa đến việc khó khả thi trong phát triển, đặc biệt khó triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng bền vững với công nghệ, kỹ thuật, tổ chức quản lý tiên tiến và tập trung.
Với khu trung tâm, đang nặng về quản lý hành chính nhà nước hơn là vừa quản lý vừa mềm mại trong điều tiết, tự quản và hướng ngoại có tính nông nghiệp hóa, chưa thực sự đảm nhiệm, gánh vác sứ mệnh là khu đa năng chất chứa đủ và dư các dịch vụ về văn hóa, thương mại, dịch vụ công nghệ, vui chơi giải trí… chưa thực sự đáp ứng nhu cầu giao dịch, thụ hưởng… cho người nông dân sau những ngày lao động sản xuất vất vả.
Khu ở định cư lâu bền và truyền thống chưa đưa được giải pháp gìn giữ, chấn hưng các giá trị văn hóa có tính trường tồn đi đôi với lồng ghép với hiện đại hóa về tiện nghi và tiện ích… Các khu ở mới, đương nhiên phải gắn kết với hệ thống giao thông liên hoàn, hoàn chỉnh nhưng không có nghĩa chỉ thuần túy lạm dụng và bám theo các trục đường liên xã, liên huyện… có nguy cơ lấn chiếm nhiều sang đất nông nghiệp, tạo các vòi bạch tuộc lan rộng, có xu hướng manh mún và khó xây dựng hệ thống HTKT đồng bộ dễ đưa đến, tiếp cận đến với hình thức đô thị hóa phi chính thức, thiếu bản sắc, được tạo dựng gượng ép với những mẫu số chung như nhà ở bán nông, nhà ở dịch vụ thương mại… Mặt khác, các điểm dân cư NTM, thực chất là đất chia lô, chia nền, hi vọng cố hữu từ nguồn lực ở đấu giá quyền sử dụng đất, thực sự không phải là hướng quy hoạch chuẩn, bền vững. Nó dễ manh nha hình thành các khu ở, đơn vị ở, nhóm nhà ở thiếu bản sắc và xa rời với các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững và sinh kế của người nông dân.
Trong các dự án phát triển vùng, liên vùng… về hệ thống HTKT quốc gia, phần lớn các khu vực nông thôn mới chỉ có điều kiện “hưởng lây” chứ chưa thực sự là thụ hưởng,chưa đồng bộ và kết nối được cho nông thôn có tính khu vực, tiểu vùng, liên vùng… Đặc biệt hệ thống HTKT nông thôn bao gồm giao thông đi lại, giao thông nội đồng, hệ thống trạm bơm tưới tiêu, cấp thoát nước cho sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải… chưa hoàn chỉnh, đồng bộ và linh hoạt kết nối giữa khu trung tâm, khu sản xuất tập trung và khu ở dân cư… Hầu như hệ thống thoát nước dân sinh vẫn thoát chung vào hệ thống thủy nông và ngược lại; do đó, lại càng khó đáp ứng cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và bền vững.
Một vài những phân tích trên cho thấy hệ thống HTKT nông thôn quan trọng và mật thiết như thế nào đối với quá trình XDNTM. Vì lẽ đó, các đồ án quy hoạch, các cơ chế chính sách cần có những điều chỉnh, thay đổi để làm sao giải quyết cho người nông dân có thể sinh kế, làm giàu trên chính quê hương của mình; họ không phải ly nông, hoặc ly nông nhưng bất ly hương hoặc không phải di cư theo kiểu con lắc, thời vụ… để bán sức lao động rẻ mạt, hoặc tạo áp lực gia tăng mật độ cư trú cho các đô thị, dễ tạo ra các ổ dịch trong đô thị theo kiểu xóm liều, bãi liều…
Hiểu rõ bản chất của quá trình XDNTM cũng chính là tự mỗi bản thân chúng ta, bất kể ở phương diện ngành nghề nào trong xã hội, trước hết đều biết rằng, ai ai cũng đều có nguồn gốc xuất thân từ nông thôn mà ra và để muốn tự hào, muốn phát triển ngành nông nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế chủ đạo, mà ở đó nền nông nghiệp của chúng ta cũng đã có được những sự ưu đãi nhất định của thiên nhiên thì việc đưa ra các đồ án quy hoạch XDNTM cần và rất cần nghiên cứu, giải quyết thấu đáo và đồng bộ hệ thống HTKT nông thôn, tránh các hình thức ảo tưởng, dập khuôn, duy ý chí, tiêu chí và chính sách hóa… Bởi CNH, HĐH hoặc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hóa thuần túy đó là quy luật bất biến của tiến hóa nhưng chưa chắc đã phải là thế mạnh tuyệt đối của người Việt Nam, của ngành nông nghiệp Việt Nam theo đúng nghĩa. Ở đó, văn minh của khoa học kỹ thuật, quy luật thị trường, quy luật lợi nhuận… nếu chưa được hiểu thấu nghĩa, chưa được đặt đúng chỗ, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam… thì không thể thuần túy tuyệt đối hóa áp đặt máy móc và chủ quan cho nông thôn, nông nghiệp Việt Nam, dẫn tới sự nghiệp XDNTM sẽ rất khó thành công và bền vững như kỳ vọng. Nông nghiệp mới hay cũ chưa chắc, chưa hẳn đã là quan trọng ở sắc thái tên gọi, chỉ là bình mới rượu cũ nếu cái mới không hay hơn cái cũ, mà phải được thay đổi căn bản đi đôi với kế thừa bài bản tận gốc về chất và lượng. Mà nếu không khéo léo trong sắp đặt và điều tiết, chúng ta sẽ tự đánh mất dần bản sắc, đánh mất những giá trị và thế mạnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn vốn sẵn có lâu đời. Những yếu tố truyền thống bao gồm từ ổn định, cộng đồng đến lưu truyền… sẽ dễ có nguy cơ chỉ hứng chịu lai tạp, ô nhiễm và rác thải của nhân loại.