Kết nối doanh nghiệp với nông dân

Kết nối doanh nghiệp với nông dân
Để cấu trúc lại ngành nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh giá trị nông sản, việc gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) và nhà nông đang là vấn đề cấp thiết.

 

Tăng hiệu quả từ cái “bắt tay”
 
Những năm gần đây, nhờ ký kết hợp tác cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương, nhiều hộ nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã an tâm vì không phải lo chịu cảnh thua lỗ, treo ao như những hộ khác. Trong khi đó, Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương đang được xem là điểm sáng trong ngành thủy sản khi hoàn chỉnh được chuỗi sản xuất trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra.
 
Đây là kết quả của việc DN “bắt tay” cùng nhà nông thực hiện quy trình khép kín vùng nuôi thủy sản để cung cấp nguyên liệu đầu vào chất lượng cho các nhà máy chế biến. Với mối liên kết này, người nuôi được cung cấp cá giống từ trại sản xuất con giống của công ty với chất lượng con giống được kiểm tra nghiêm ngặt theo định kỳ, thức ăn cho thủy sản hoàn toàn bằng thức ăn do DN sản xuất có giá trị dinh dưỡng phù hợp. Riêng về kỹ thuật, đội ngũ cán bộ của DN có những giải pháp cụ thể giúp quản lý môi trường nuôi và phòng bệnh. Đổi lại, DN đã chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất xuất khẩu với khả năng ổn định khoảng 200.000 tấn nguyên liệu sạch/năm.
 

Muốn ngành nông nghiệp phát triển bền vững, doanh nghiệp và nhà nông cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Ba Huân, DN cũng đang tăng cường liên kết với nông dân trong chăn nuôi gia cầm sạch quy mô sản xuất hàng hóa theo quy trình kỹ thuật tiên tiến. “Thực tế nông dân vẫn chưa có kiến thức sâu rộng về kỹ thuật chăn nuôi cũng như sản xuất nông nghiệp lớn. Vì vậy DN muốn có sản phẩm chất lượng phải thường xuyên đi sâu, đi sát với nông dân, cũng như tăng cường nhiều bộ phận, phân công đội ngũ thú y tại từng địa phương giám sát, bố trí người thường xuyên nhắc nhở bà con nông dân thực hiện đúng quy trình”, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết.
 
Để bảo đảm chất lượng, Công ty TNHH Ba Huân đã xây dựng quy chuẩn với nông dân ngay từ đầu, đầu tư tài chính và kỹ thuật cho nông dân, cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi chất lượng cao đồng thời làm cầu nối trong liên kết 4 nhà. “Thực tế nhà nông thường bị dao động, đặc biệt khi gặp phải trường hợp khó khăn về kinh tế và chính việc DN liên kết với nhà nông sẽ giúp giảm bớt khó khăn trên. Thành công của chúng tôi chính ở việc chia sẻ hài hòa lợi nhuận cũng như đồng cam cộng khổ với nhà nông. Nhưng quan trọng hơn cả là phải xây dựng được niềm tin từ cả hai phía và bản thân DN phải chứng tỏ được vị trí điểm tựa của nhà nông trong mọi chuyện", bà Phạm Thị Huân nhấn mạnh.
 
Theo những người trong cuộc, để có được những cái “bắt tay” thật chặt giữa DN và nông dân như trên là cả một quá trình đặt niềm tin vào nhau. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất, trong chuỗi liên kết rất cần các DN đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết…
 
Vẫn nhiều vướng mắc
 
Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút DN đầu tư, khuyến khích DN “bắt tay” với nông dân, tuy nhiên hiện vẫn chưa có nhiều DN thực hiện được bởi còn nhiều khó khăn và vướng mắc. “Chúng ta đã liên tục nói đến vai trò chủ chốt của DN trong vấn đề gỡ khó cho ngành nông nghiệp nhưng mọi việc vẫn chưa được như mong muốn. Thực tế khi tham gia vào chuỗi liên kết, DN mong muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao nhằm chủ động được nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nếu DN không nhanh chóng bắt tay chia sẻ khó khăn cũng như đồng hành với nhà nông sẽ còn đau đầu với chuyện bất an trong sản xuất, kinh doanh vì nguồn cung nguyên liệu không ổn định", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông sản cần phải có khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh và nhà nông không thể đơn lẻ làm được điều này. Ngoài ra về quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản... DN phải giúp nhà nông xây dựng dựa trên yêu cầu cụ thể của thị trường. Trong các mô hình liên kết, liên kết giữa nông dân và DN phải được xem là hạt nhân và chính là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết. Tuy nhiên, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa người sản xuất và DN vẫn xảy ra do mất niềm tin ở cả hai phía.
 
"Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ là do nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn duy trì thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống, mang nặng tính tự phát và nhỏ lẻ. Vì đơn độc trong sản xuất nên nông dân không mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật làm giảm đi tính hiệu quả. Còn các DN do thiếu những chính sách cụ thể hỗ trợ nên chưa có kế hoạch bài bản mang tính lâu dài, chung sức cùng nhà nông. Trong khi đó các ngành chức năng vẫn chưa có những chính sách, chủ trương mạnh mẽ, quyết liệt nhập cuộc", Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận xét.
 
Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, muốn nông sản có giá trị tăng cao và bền vững, nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và DN. Theo đó DN sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân với thị trường, giúp nhà nước xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện mới chỉ khoảng 1% DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 95% đã cho thấy thời gian dài ngành nông nghiệp vẫn chưa nhận đươc sự quan tâm xứng đáng của toàn xã hội.
 

Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn:

Nhu cầu của thị trường cần có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Bản thân nhà nông rất khó làm được điều này mà phải có sự chung sức của DN. Tuy nhiên, nhiều DN nông nghiệp lại chỉ thu gom nông sản thô, hoặc sơ chế đóng gói cũng sẽ thiếu đi những yếu tố ổn định nên cần liên kết với nông dân về chất lượng, cung ứng và chia sẻ rủi ro... Kinh nghiệm của tôi, để tăng tính hiệu quả chúng ta chỉ nên giúp nông dân liên kết với những DN có khả năng chế biến sâu, bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. 

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương: 

Chúng ta cần phải nhanh chóng chuyên nghiệp hóa trong nông nghiệp nói chung và ngành hàng sản xuất thủy sản nói riêng bằng việc liên kết chặt chẽ giữa DN và nhà nông triển khai chuỗi khép kín. Trong đó, người nuôi và DN phải có sự kiên kết chặt chẽ, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Tham gia chuỗi liên kết, nông dân được mua thức ăn thủy sản với giá giảm, được hướng dẫn nuôi cá theo các tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP cũng như ưu tiên giải quyết đầu ra. Có như thế, DN vừa có nguồn nguyên liệu ổn định, nông dân thì luôn có nguồn tiêu thụ ổn định và có lãi. 

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang: 

Mặc dù Công ty chủ động thương lượng và cập nhật giá thị trường để điều chỉnh giá mua nhưng thường xuyên bị thương lái cạnh tranh, gây rối. Lực lượng này dựa vào giá công ty để nâng giá thu mua cao hơn và nông dân thấy lợi trước mắt, sẵn sàng phá vỡ hợp đồng. Riêng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bao tiêu lúa cũng là vấn đề nan giải. Nông dân có thói quen bán lúa tươi, muốn mở rộng diện tích bao tiêu, công ty phải đầu tư hệ thống sấy trong khi năng lực của công ty có hạn. Vấn đề ở đây là Nhà nước sớm có bộ khung về pháp lý với các quy định, chính sách cụ thể, hỗ trợ DN không chỉ trong sản xuất mà còn can thiệp khi sự cố xảy ra.

 
Theo Lê Nghĩa/baotintuc.vn