Kết quả bước đầu của Chương trình KX.01/16-20
- Thứ bảy - 14/12/2019 22:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chương trình KX.01/16-20 có tổng số 52 đề tài (năm 2016: 11 đề tài, năm 2017: 14 đề tài, năm 2018: 15 đề tài, năm 2019: 12 đề tài). Tính đến thời điểm hiện tại, số đề tài đã nghiệm thu cấp cơ sở và cấp quốc gia: 12 đề tài, số đề tài chuẩn bị nghiệm thu (đến hết năm 2019): 4 đề tài. Tính đến hết Quý III năm 2019, có 17/52 đề tài xuất bản sách chuyên khảo, 95 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước, 12 bài tham gia hội nghị quốc tế, tổ chức 83 hội thảo khoa học quốc gia; 100% đề tài đảm bảo chỉ tiêu đào tạo sau đại học, tham gia đào thạc sỹ và tiến sỹ (đã tham gia đào tạo 24 tiến sỹ và 47 thạc sỹ); 12/52 (23%) đề tài nghiên cứu có kết quả (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác), đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước (đạt 76% so với chỉ tiêu đặt ra); 60% số đề tài có kết quả (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác) góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở bộ, ngành, địa phương (đạt 85% so với chỉ tiêu đặt ra); 80% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn (đạt 100% so với chỉ tiêu đặt ra).
Toàn cảnh Hội thảo
Kết quả đạt được trong nghiên cứu về kinh tế và phát triển kinh tế
Xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với những phân tích so sánh về những ưu, nhược điểm của các mô hình kinh tế, sự cần thiết phải thực thi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với các đề xuất cụ thể về lộ trình, điều kiện thực thi… Kết quả được sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Kết quả này cũng là cơ sở lý luận cho sự ra đời của Viện Đổi mới sáng tạo thuộc Trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu được công bố ở trong nước và vượt trội là 02 bài báo quốc tế.
Đề xuất giải pháp về kiểm soát chuyển giá trong các doanh nghiệp Việt Nam, cung cấp Bộ tiêu chí nhận diện dấu hiệu chuyển giá làm căn cứ để xác định những doanh nghiệp có hành vi chuyển giá để đề xuất giải pháp kiểm soát và hạn chế chuyển giá. Kết quả nghiên cứu đã được đề xuất lên Chính phủ thông qua các báo cáo tư vấn của Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ.
Đề xuất bộ công cụ kinh tế nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện các chính sách đất đai, góp phần hoàn thiện mô hình tăng trưởng ở Việt Nam theo hướng bền vững. Các kiến nghị, đề xuất đã được Bộ kế hoạch và Đầu tư sử dụng, là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ II năm 2018 (đóng góp vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2019), chuyển giao cho Ban chỉ đạo quốc gia về mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Ngoài ra, những kiến nghị đề xuất về hoàn thiện chính sách đất đai đã được đưa vào đề án của Bộ Xây dựng để xây dựng cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản và đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình phát biểu tại Hội thảo
Kết quả đạt được trong nghiên cứu về con người và nguồn nhân lực
Thông qua các diễn đàn của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề công nhân và công đoàn, các kết quả nghiên cứu đã đóng góp hàng loạt quan điểm và giải pháp cụ thể về việc xây dựng đội ngũ công nhân mới Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực. Trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN - khi lực lượng lao động có kỹ năng được tự do di chuyển trong nội khối thì Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng gay gắt hơn. Ngoài ra, vấn đề xác định được hệ tư tưởng, quan điểm về đội ngũ công nhân mới trong bối cảnh hội nhập là vô cùng quan trọng cho việc hoạch định chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước để xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, các kết quả đã được các cơ quan Đảng và Nhà nước tiếp nhận trong việc xây dựng các chính sách quản lý đội ngũ công nhân, phát huy vai trò của công nhân trong bối cảnh mới.
Một số kết quả cũng góp phần làm rõ bản chất, vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện quyền tự do liên kết và thiết chế đại diện trong quan hệ lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn và ký kết tham gia các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA), các xu hướng gắn tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản với quan hệ thương mại quốc tế, nội dung các cam kết về lao động công đoàn mà Việt Nam đã ký kết, cơ chế thực hiện và nghĩa vụ thực hiện của nước tham gia, những bài học cho Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XII về nâng cao phòng chống sự xâm nhập của các tổ chức trong CPTPP, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ứng dụng để cải tổ bộ máy quản lý của Bộ với sự ra đời của Cục Quan hệ lao động. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã được các liên đoàn lao động sử dụng để vận động công nhân, người lao động, giúp họ thích ứng với sự cạnh tranh của các tổ chức đại diện khi thực thi CPTPP.
Đề xuất chính sách, giải pháp về quản lý di động xã hội của nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (với 1 sách chuyên khảo xuất bản bởi Springer). Các kết quả nghiên cứu đã đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách quản lý nhân lực KH&CN chất lượng cao tại các đơn vị gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách phân tích được hiệu quả và những rào cản từ các chính sách đã công bố về quản lý nhân lực KH&CN nói riêng và quản lý nhân lực KH&CN chất lượng cao nói chung của Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cung cấp các luận cứ khoa học về mối quan hệ giữa phát triển con người và quyền con người dưới góc nhìn của khoa học truyền thông và báo chí học; làm rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển truyền thông đại chúng, phát triển con người, quyền con người ở Việt Nam hiện nay; làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đối với việc phát triển con người và thực thi quyền con người, kết quả nghiên cứu được Hội Nhà báo Việt Nam sử dụng trong việc biên soạn Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Đề xuất hệ thống giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Kết quả nghiên cứu đã được Bộ Nội vụ sử dụng cho dự thảo sửa đổi Luật Cán bộ công chức; tham khảo để xây dựng các văn bản như: Thông tư 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đề án sắp xếp tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Phân tích và đánh giá ảnh hưởng của cách mạng KH&CN đến con người Việt Nam hiện nay, đề xuất quan điểm KH&CN là một trong những điểm nghẽn của sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Quan điểm này được đưa vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII; kiến nghị cải cách hệ thống thư viện khoa học, công nghệ theo hướng hợp nhất và số hóa; kiến nghị thay đổi cách tiếp cận đào tạo nhân lực KH&CN: chuyển trọng tâm từ quản lý chất lượng đầu vào sang quản lý chất lượng đầu ra của hệ thống đào tạo sau đại học đã được đề xuất trực tiếp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ nhiệm Chương trình trình bày một số kết quả bước đầu của Chương trình
Nguồn: KH&CN Việt Nam/ https://www.most.gov.vn/