Kết quả nổi bật năm 2014 và định hướng đổi mới hoạt động khuyến nông năm 2015

Kết quả nổi bật năm 2014 và định hướng đổi mới hoạt động khuyến nông năm 2015
Năm 2014, sản xuất nông nghiệp nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh, thị trường và cả những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, thêm vào đó, cơ chế chính sách khuyến nông còn nhiều bất cập và chậm được sửa đổi nên việc triển khai các hoạt động khuyến nông cũng gặp nhiều khó khăn. Vượt qua mọi thách thức, hoạt động khuyến nông năm 2014 đã có nhiều đổi mới, tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đã đạt được kết quả khá toàn diện.

Lãnh đạo Bộ Khoa học  Công nghệ, Bộ Nông nghiệp  PTNT tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm của dự án khuyến nông

1. Hoạt động thông tin tuyên truyền bám sát chủ trương định hướng của ngành, thực tế sản xuất và nhu cầu của nông dân, thường xuyên đổi mới về nội dung và hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sức lan tỏa và hiệu quả rõ rệt:

Về nội dung: Đã tập trung tuyên truyền đậm nét các hoạt động khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về phương thức thực hiện: Tiếp tục thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, trong đó  tăng cường cả số lượng và chất lượng thông tin trên một số kênh tuyên truyền có phạm vi ảnh hưởng rộng và hiệu quả cao như: trang web và Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam và của các tỉnh, thành phố; các kênh phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương với nhiều chuyên mục đặc sắc, thu hút đông đảo người theo dõi; các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, hội thi, hội chợ nông nghiệp....  Tăng cường sự phối hợp, tham gia của chuyên gia tư vấn trong các hoạt động thông tin tuyên truyền; Chú trọng tuyên truyền ở các vùng sản xuất hàng hoá trọng điểm, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều địa phương tiếp tục duy trì và phát triển nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo và hiệu quả như: Câu lạc bộ khuyến nông, điểm tư vấn, hỏi đáp khuyến nông, quán "Cà phê khuyến nông" …

- Ở Trung ương: Trang web Khuyến nông Việt Nam đã bổ sung các mục “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” “Xây dựng nông thôn mới”, nâng cấp “Thư viện khuyến nông điện tử” với trên 200 đầu sách và đĩa hình kỹ thuật có thể dễ dàng khai thác, Thư viện được cập nhật thường xuyên để phục vụ đào tạo khuyến nông online, đã thu hút gần 5 triệu lượt người truy cập/năm. Xuất bản 24 số Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam, 21 ấn phẩm khuyến nông, gần 10.000 đĩa giới thiệu kỹ thuật phát hành đến hệ thống khuyến nông cả nước, hỗ trợ xây dựng 120 “Tủ sách khuyến nông” tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với 20 cơ quan báo, đài trung ương xây dựng và tuyên truyền 2.396 chuyên mục khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có nhiều Chương trình rất quen thuộc với nông dân như: Chuyên mục “Nhịp cầu khuyến nông” trên VTV2; Chuyên mục “Tạp chí khuyến nông”, “Sao Thần nông” trên VTC 16, Chuyên mục “Nhà nông cần biết”, “Bạn của nhà nông” trên VOV1, chuyên mục “Đồng hành cùng nhà nông” trên VOV4 .. Một số Chương trình đặc sắc, có hiệu quả tuyên truyền cao như “Hướng ra biển lớn” và “Mầm xanh trên đá” phát trên kênh VTV1, VTV2. Đặc biệt phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng gần 1.000 chuyên mục bằng 11 ngôn ngữ dân tộc phục vụ đồng bào khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam. Đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, tương tác giữa các chuyên gia nông nghiệp và nông dân thông qua các kênh phát thanh, truyền hình, điện thoại di động. Đã tổ chức thành công 34 sự kiện khuyến nông (Diễn đàn, Hội thi, Hội chợ, Hội thảo chuyên đề...) thu hút trên 150.000 đại biểu tham gia, trong đó trên 70% là nông dân, ngoài ra là đại diện các cơ quan quản lý nông nghiệp, nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và đại diện các doanh nghiệp .

 

Các đội tuyển tham dự phần thi đồng độ i tại Hội thi.

- Ở địa phương: Đã tổ chức biên soạn, in và phát hành khoảng 1,1 triệu bản tài liệu, ấn phẩm kỹ thuật khuyến nông và khoảng gần 200.000 bản tin, khuyến nông - khuyến ngư cung cấp cho cán bộ khuyến nông và nông dân. Thực hiện khoảng 120.000 tin, bài về khuyến nông và sản xuất nông nghiệp trên báo, đài trung ương và địa phương; 1.400 chuyên mục khuyến nông trên đài truyền hình và trên 1.100 chuyên mục khuyến nông trên đài phát thanh địa phương.

Kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấyHơn 80% nông dân đánh giá các sự kiện khuyến nông có tác dụng thiết thực, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; 98% nông dân đánh giá tài liệu khuyến nông có nội dung phù hợp và thiết thực đối với sản xuất; khoảng 70% nông dân đánh giá các chuyên mục, chuyên trang khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương có tác dụng tốt đối với sản xuất.

2. Hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông đã có nhiều đổi mới cả nội dung và phương pháp, chất lượng từng bước được cải thiện

Về nội dung: Đã bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là các đối tượng cây trồng, vật nuôi, các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung  phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường. Trong đào tạo, tập huấn đã gắn bồi dưỡng về phương pháp, nghiệp vụ khuyến nông, kiến thức về kinh tế - xã hội với kiến thức chuyên môn kỹ thuật.

 Về phương pháp: Lựa chọn nội dung dào tạo, tập huấn phù hợp với nhu cầu của đa số học viên, kết hợp giữa phương pháp truyền thống (đào tạo trên lớp) với các phương pháp hiện đại như: đào tạo online trên inernet; tăng lớp học tại hiện trường  (FFS) gắn với các mô hình khuyến nông, mô hình sản xuất tiên tiến; tăng thời gian thực hành và thảo luận.

Một số kết quả nổi bật: 

- Ở Trung ương: Đã tổ chức trên 200 lớp tập huấn ToT cấp trung ương cho  cho trên 300 cán bộ khuyến nông chủ chốt các tỉnh, thành phố và gần 2.200 lượt cán bộ khuyến nông cấp khác của các địa phương về phương pháp tích hợp nội dung trong đào tạo, tập huấn khuyến nông, gắn nghiệp vụ, phương pháp khuyến nông với kỹ thuật chuyên ngành.

Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật cho trên 2.000 nông dân chủ chốt phục vụ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bồi dưỡng “Kỹ năng dạy học” cho 420 cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện để tham gia dạy nghề nông nghiệp cho nông dân.

Xây dựng 3 bộ học liệu khuyến nông, 18 đĩa hình kỹ thuật phục vụ công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền khuyến nông trên trang web, đài truyền hình.

- Ở địa phương: Hệ thống khuyến nông cả nước tổ chức khoảng 31.260 lớp tập huấn cho khoảng 1,3 triệu lượt nông dân; gần 2.200 cuộc hội nghị, hội thảo đầu bờ cho 400 đoàn nông dân tham quan trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, sản xuất hiệu quả. Năm 2014 đã có 30/63 Trung tâm khuyến nông tỉnh/thành phố được cấp chứng chỉ cơ sở đào tạo nghề.

Theo kết quả khảo sát, có 86% nông dân tham gia đánh giá nội dung tập huấn phù hợp, trên 90% nông dân đã áp dụng thành công kiến thức đã học vào sảnxuất.

3. Triển khai tích cực và có hiệu quả các dự án khuyến nông, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng giá trị thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường trên phạm vi rộng

Các đại biểu thăm mô trình sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai 

- Ở Trung ương: Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ trì triển khai 26 dự án khuyến nông. Các dự án tập trung vào những đối tượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, các gói tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đồng bộ, tại các địa bàn sản xuất trọng điểm, gắn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo được sự chuyển biến rõ rệt về trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất trên diện rộng. Một số dự án đạt hiệu quả cao, tác động nhanh và tạo sự chuyển biến rõ rệt về trình độ kỹ thuật - công nghệ trong sản xuất như: Dự án phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước; Dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI); Dự án cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; Dự án phát triển các giống nấm mới; Dự án phát triển thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò; Dự án phát triển nuôi trâu sinh sản; các dự án phát triển chăn nuôi, lợn gia cầm, thủy cầm an toàn sinh và xây dựng mạng lưới thú y cộng đồng; các dự án thủy sản về phát triển nuôi tôm nước lợ, cá rô phi đơn tính đực theo Viet GAP, phát triển nuôi cá lồng, bè bền vững trên sông và hồ chứa; ứng dụng thiết bị khai thác và công nghệ bảo quản sản phẩm tiên tiến trên tàu đánh bắt xa bờ...     

- Ở địa phương: Năm 2014 đã triển khai xây dựng gần 3.400 mô hình khuyến nông với khoảng 6.200 điểm trình diễn, hỗ trợ khoảng 157.000 hộ nông dân áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ  được trình diễn và chuyển giao cho nông dân đã có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện sinh thái, trình độ sản xuất của nông dân địa phương, được theo dõi, chỉ đạo, đánh giá cụ thể và có cơ chế khuyến khích.

Kết quả khảo sát thực tế cho thấy: 85% nông dân đánh giá các mô hình khuyến nông đạt hiệu quả tốt; 93% số hộ nông dân đã tham gia mô hình sẽ tiếp tục duy trì áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao.

Lãnh đạo TTKNQG kiểm tra mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ theo VietGAP tại huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng

 

4. Hoạt động tư vấn khuyến nông được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện của từng nơi và từng đối tượng nông dân khác nhau

- Ở Trung ương: Các chuyên gia khuyến nông đã tư vấn, trao đổi giải đáp nhiều nội dung về chính sách, kỹ thuật, thị trường thông qua chuyên mục “Tư vấn, hỏi đáp” trên trang web khuyến nông Việt Nam, Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam, tư vấn trực tiếp tại các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, tại các hội thảo trong các dịp hội chợ triển lãm, các chuyên mục “Sao Thần nông”, “Nhịp cầu khuyến nông (VTV2), “Hỏi để biết” (VTC16) và các mục “Nhà nông cần biết", "Nhà nông tính chuyện làm ăn" và "Chuyên gia của bạn - Bạn của nhà nông" trên VOV1.

- Ở địa phương: Hệ thống khuyến nông cả nước đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng cung cấp thông tin trao đổi, giải đáp thắc mắc cho hàng nghìn lượt nông dân qua các chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình, qua điện thoại, tư vấn trực tiếp tại hiện trường… Đặc biệt việc tư vấn khuyến nông qua điện thoại di động đã khá phổ biến ở các tỉnh Nam Bộ, các chuyên gia kỹ thuật và cán bộ khuyến nông hàng ngày đã nhận và trả lời qua điện thoại nhiều câu hỏi của nông dân về tình hình sâu bệnh, các vấn đề khoa học kỹ thuật, thông tin giá cả thị trường, cơ chế chính sách, địa chỉ cung cấp cây , con giống, vật tư nông nghiệp có chất lượng, các địa chỉ có khả năng tiêu thụ nông sản... 

TTKNQG tổ chức giao trâu giống cho bà con nông dân tại xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ 

5. Một số định hướng đổi mới hoạt động khuyến nông năm 2015 và các năm tới  

Mục tiêu của hoạt động khuyến nông năm 2015 là huy động các nguồn lực đầu tư cho khuyến nông, tiếp tục đổi mới toàn diện về cách tiếp cận, nội dung, phương pháp và cơ chế chính sách khuyến nông, để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

a. Đổi mới nội dung

Hệ thống khuyến nông cả nước cần nắm vững và bám sát định hướng tái cơ cấu  sản xuất, các chương trình, đề án trọng điểm của ngành Nông nghiệp và PTNT trên phạm vi cả nước, vùng và từng địa phương, đặc biệt là kế hoạch phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh có thị trường tiêu thụ tốt, cập nhật các thông tin về các tiến bộ khoa học công nghệ mới để lựa chọn và khuyến cáo, thúc dẩy ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ phù hợp, khả thi để tạo sự chuyển biến mạnh trong sản xuất các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đổi mới nội dung hoạt động khuyến nông phải đồng bộ trên cả 4 lĩnh vực trụ cột của công tác khuyến nông là thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao và tư vấn, dịch vụ khuyến nông.

Tăng tỷ lệ kinh phí đầu tư cho các hoạt động khuyến nông thường xuyên và cải tiến phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả và tăng khả năng tiếp cận của dịch vụ khuyến nông của các hộ nông dân.

Trong từng lĩnh vực khuyến nông, cần kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật, kinh tế và môi trường.

b. Đổi mới phương pháp hoạt động khuyến nông

Đối với hoạt động thông tin tuyên truyền:

Tiếp tục cải tiến nội dung và tính năng của trang web Khuyến nông Việt Nam và trang web khuyến nông địa phương, nâng cấp Thư viện khuyến nông điện tử để tăng khả năng lưu trữ, truy cập và khai thác tài liệu khuyến nông và đào tạo khuyến nông online.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trọng tâm là các kênh thông tin nông dân dễ tiếp cận; cải tiến hình thức tuyên truyền theo hướng tập trung các chuyên mục và tăng thời lượng và nội dung chuyên sâu, tăng cường tọa đàm, tư vấn trực tiếp trên truyền hình và phát thanh; Mở rộng các chuyên mục khuyến nông bằng các thứ tiếng dân tộc trên các đài phát thanh, đài truyền hình khu vực và địa phương để tăng khả năng tiếp cận thông tin của đồng bào.  

Nâng cao chất lượng các loại tài liệu, ấn phẩm khuyến nông theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, tính cập nhật và tính thực tiễn phù hợp với đối tượng sử dụng. Điều chỉnh đối tượng phát hành theo hướng giảm các cơ quan trung ương, trung tâm khuyến nông các tỉnh, tăng số lượng cơ quan cấp huyện, xã. Nhân rộng Tủ sách khuyến nông tại các xã nông thôn mới trên toàn quốc.

Tổ chức sự kiện khuyến nông tại các địa bàn nông thôn để tạo điều kiện cho đông đảo nông dân tham dự. Tăng cường phối hợp công tác tổ chức sự kiện và các cơ quan truyền thông để gia tăng hiệu quả tuyên truyền. 

Đối với hoạt động đào tạo huấn luyện:

Chú trọng bồi dưỡng toàn diện kiến thức chuyên môn, phương pháp, kỹ năng hoạt động, kỹ năng phát triển cộng đồng... để nâng cao tính chuyên nghiệp cho cán bộ khuyến nông.   

Mở rộng đối tượng đào tạo, bổ sung lực lượng kỹ thuật viên làm dịch vụ ở cơ sở và tăng cường tập huấn cho nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực chưa có cán bộ khuyến nông. 

Đối với công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân: Tập trung bồi dưỡng kiến thức cho lao động đang có nghề để nâng cao kỹ năng và tính chuyên nghiệp. Tăng cường kết hợp các lớp đào tạo nghề với mô hình khuyến nông để tăng kiến thức thực tế và kỹ năng thực hành cho người học.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi và xây dựng mới các bộ tài liệu, học liệu chuẩn phục vụ đào tạo, tập huấn khuyến nông.

Tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa tổ chức khuyến nông nhà nước và lực lượng khuyến nông ngoài nhà nước để thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn khuyến nông theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Đối với hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn:

Tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phục vụ tái cơ cấu ngành; trong từng dự án cần kết hợp nội dung kỹ thuật và hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; ưu tiên các dự án sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và các biện pháp tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, tận dụng, tái chế phụ phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị thu nhập, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp cận đô thị có giá trị kinh tế cao, các kỹ thuật công nghệ thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu... đồng thời tiếp tục thực hiện các dự án khuyến nông giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn, hộ nghèo.

Huy động nguồn đầu tư khuyến nông từ các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ theo các hình thức hợp tác công – tư (PPP) để phát triển các vùng nguyên liệu hoặc liên kết cung cấp vật tư - tiêu thụ sản phẩm. Cần có cơ chế cụ thể để kết hợp tốt nguồn lực đầu tư của nhà nước và nguồn lực xã hội, kiểm soát các nội dung khuyến nông phù hợp với định hương tái cơ cấu ngành, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.  

Phát huy các kết quả đã đạt được những năm qua, hệ thống khuyến nông cả nước sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ khuyến nông năm 2015, đáp ứng ngày càng tốt  hơn nhu cầu của nông dân, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá./.

TS. Phan Huy Thông

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

(Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam số Xuân Ất Mùi)