Kêu gọi đầu tư vào ba tỉnh Trung Lào
- Thứ hai - 24/07/2017 21:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ðại diện UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc tổ chức hội nghị lần này nhằm kêu gọi các doanh nghiệp thành phố tìm hiểu về cơ hội đầu tư, hoạt động tại Lào nhằm mở rộng thị trường, quy mô doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ nước bạn Lào trong việc phát triển kinh tế thông qua đầu tư - kinh doanh. Tại hội nghị, đồng chí Sẳn-tị-phạp Phôm-vi-hản, Ủy viên T.Ư Ðảng NDCM Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Xa-van-na-khẹt cho biết: Việt Nam có 24 dự án với vốn đầu tư hơn 170 triệu USD, là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Xa-van-na-khẹt. Các doanh nghiệp Việt đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao đời sống nhân dân của tỉnh. Cơ sở hạ tầng của tỉnh Xa-van-na-khẹt đã được phát triển nhằm phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ được thuận lợi và nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí, trở thành tỉnh có trung tâm phát triển logistic lớn và vận tải xuyên biên giới nhanh… Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn, Bun-my Phim-mạ-sỏn, giới thiệu 13 dự án mời gọi đầu tư và thế mạnh của tỉnh là năng lượng điện, mỏ, nông - lâm nghiệp, dịch vụ và du lịch. Các hạng mục mời gọi đầu tư vào Khăm Muộn trong năm 2017 gồm: Xây dựng Khu kinh tế Lẳng-khăng; Xây dựng nhà máy sản xuất bao bì (ở Khu kinh tế đặc thù Thà-khẹc); Phát triển và quản lý khu du lịch Thặm-nặm-lót Xê-bặng-phay; Dịch vụ khu du lịch Khún-cang-leng; Dịch vụ du lịch Tường thành cổ; Phát triển du lịch cao nguyên Na-cai Nặm-thơn 2; Phát triển công viên Nỏng-bua… Ðối với đầu tư trong khu kinh tế đặc biệt, còn có chính sách đặc biệt cho nhà đầu tư về miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; miễn giảm thuế thu nhập; quyền sử dụng đất. Giai đoạn miễn giảm thuế thu nhập được tính từ ngày tiến hành kinh doanh và việc miễn giảm thuế thu nhập tính từ ngày có lợi nhuận trở đi. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hưởng chính sách về thuế xuất nhập khẩu và các thuế khác. Tỉnh Bo-ly-khăm-xay thì mời các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án: Khu công nghiệp cầu Hữu nghị số 5 tại huyện Pạc-săn; Khu kinh tế biên giới Nặm-ngảng tại huyện Khăm-cợt; Nhà máy xi-măng tại huyện Pạc-cạ-đing; Nhà máy chế biến dứa tại huyện Pạc-săn; Nhà máy chế biến ngô ngọt tại huyện Pạc-săn; Pạc-săn Resort thuộc bản Huội-siệt, huyện Pạc-săn; Phát triển khu thương mại - dịch vụ khép kín Ðon-lin tại bản Phôn-xay, huyện Pạc-săn; Khu du lịch văn hóa tại huyện Thà-phạ-bạt; Khu du lịch thiên nhiên tại huyện Thà-phạ-bạt; Cải tạo và nhân rộng giống bò nuôi thương phẩm. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Bo-ly-khăm-xay Bun-sệng Pạ-thăm-mạ-vông, nhấn mạnh: Hội nghị là cơ hội tốt cho lãnh đạo và các doanh nghiệp ba tỉnh Trung Lào với TP Hồ Chí Minh được gặp gỡ, trao đổi, mở rộng quan hệ hợp tác, cùng nhau khai thác những thế mạnh của các bên. Là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn, TP Hồ Chí Minh luôn hướng đến các địa phương của Lào và xem đây là thị trường chiến lược, tiềm năng để phát triển đầu tư, thương mại. Cụ thể, trong những năm qua, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch vào các địa phương của Lào. Các hoạt động này được đông đảo doanh nghiệp hai bên quan tâm và đã góp phần tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp. Hiện có hơn 30 doanh nghiệp của thành phố đang đầu tư tại Lào, với tổng số vốn hơn 250 triệu USD. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành của thành phố và ba tỉnh Trung Lào cùng các doanh nghiệp tích cực trao đổi về các lĩnh vực cùng quan tâm, về cơ chế phối hợp trong việc triển khai các hoạt động đầu tư, từ đó xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả; mong chính quyền các tỉnh Trung Lào tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam đến hoạt động tại đây.
|
Theo ÐỨC ANH/nhandan.vn |