Khai phá thế nào để vườn nhỏ có thể "đẻ" tiền triệu, tiền tỷ?
- Thứ năm - 15/11/2018 20:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước yêu cầu cần thúc đẩy phát triển kinh tế vườn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới, vừa qua tại huyện Bắc Quang (Hà Giang), Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đã phối hợp Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NNPTNT Hà Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Liên kết trong phát triển kinh tế vườn – cơ hội, thách thức và giải pháp”.
Vẫn chưa hết lo được mùa mất giá
Theo PGS - TS Nguyễn Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Việt Nam là đất nước có nhiều ưu thế trong phát triển kinh tế vườn nhờ điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây trồng. Các sản phẩm chính của kinh tế vườn là rau quả đang có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, trong đó nhiều giống rau quả đặc sản, hiếm có và độc đáo, được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng như bưởi da xanh, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn lồng, vải thiều…
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc theo hướng VietGAP, những vườn cam ở Hà Giang cho năng suất cao. Ảnh: Việt Tùng
Năm 2017, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt tới 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu trái cây chiếm khoảng 80%; rau, hoa chiếm khoảng 20%. Tại nhiều địa phương, kinh tế vườn ngày càng phát triển mạnh và hình thành nhiều mô hình đa dạng, với một tập đoàn cây và con hết sức phong phú, cho giá trị thu nhập cao.
Đơn cử như tại tỉnh Tuyên Quang, hiện có hàng nghìn hộ tham gia mô hình phát triển kinh tế vườn, đồi và xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình. Có thể kể tới mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp tại gia đình anh Khổng Văn Nam ở xã Đội Cấn (TP.Tuyên Quang). Với diện tích 5ha, anh Nam trồng 1.000 gốc phật thủ, 1.000 gốc cam đường, 4.000 cây chanh tứ thì, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, bồ câu; mỗi năm anh có thu nhập trên 1,6 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động...
Theo ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, kinh tế vườn đã khẳng định vị trí trong nền nông nghiệp nước ta. Hiện nay Việt Nam đã xuất hiện nhiều vùng cây đặc sản như cam, chuối, mận… có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên kinh tế vườn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi phải có liên kết trong sản xuất để cùng phát triển. |
Mặc dù kinh tế vườn góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, là nhân tố phát triển nông nghiệp bền vững, tuy nhiên thực tế cho thấy phát triển kinh tế vườn còn nhiều bất cập.
Trong đó có một số khó khăn chính, nổi cộm như: Sản xuất manh mún, đầu tư nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát về an toàn thực phẩm. Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm còn cao. Công nghiệp chế biến kém phát triển và chưa được coi trọng, các vùng chuyên canh tập trung, gắn với công nghiệp chế biến còn rất ít, vì vậy giá trị gia tăng của các sản phẩm kinh tế vườn rất thấp, thường xảy ra tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Hiện cả nước mới chỉ có 145 doanh nghiệp chế biến rau quả, chiếm khoảng 1% số các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, quá trình tổ chức sản xuất của bà con còn lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm chứ ít có sự hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.
Gỡ “nút thắt” trong liên kết sản xuất
Theo nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn, vấn đề liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản chính là những “nút thắt”, bức xúc lớn cần tập trung tháo gỡ. Nếu vấn đề hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản được cải thiện sẽ tạo bước đột phá để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khác hiện nay trong nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng.
Đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và hàng rào kỹ thuật các nước nhập khẩu ngày càng cao, việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất càng cần phải đẩy mạnh.
“Thúc đẩy hợp tác, liên kết trong kinh tế vườn sẽ tạo bước đột phá để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong tiêu thụ nông sản. Bên cạnh các cơ chế chính sách của Nhà nước, các địa phương có thế mạnh về kinh tế vườn cũng cần quan tâm phát triển các vùng nguyên liệu tập trung và có các chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Ưu tiên các chương trình, dự án khuyến nông xây dựng, phát triển các mô liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị khép kín” – ông Nguyễn Xuân Hồng nêu ý kiến.
Một số ý kiến khác đề nghị Bộ NNPTNT nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, mở cửa thị trường; hỗ trợ đầu tư xây dựng kho chứa, thiết bị sơ chế theo công nghệ mới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…