Khăn gói học người đi... sau

Để tìm hướng ra cho hạt gạo Việt Nam, mới đây, tỉnh Sóc Trăng cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm. Tham gia đoàn có cả Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.
Dân cày vẫn một nắng hai sương. Nhưng trồng ra hạt thóc bây giờ nhiêu khê lắm. Ảnh TL
Từ đầu năm 2016 đến nay, cung - cầu gạo của thị trường thế giới bấp bênh, giá đỏng đảnh, song xuất khẩu gạo của Campuchia vẫn tăng, nhất là về trị giá. Ngoài phần giống ta ở chỗ là bán chủ yếu sang Trung Quốc, Campuchia còn xuất khẩu khá nhiều sang các thị trường ăn gạo cao cấp, với giá cao hơn 65% giá bình quân của thị trường, đạt 1.475 đô la Mỹ/tấn so với khoảng 890 đô la Mỹ/tấn. Campuchia đã thành công với thương hiệu gạo của mình trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu gạo ở Việt Nam vẫn cứ trầy trật.
 
Bài học mang tên “Gạo Campuchia” đã được nhắc đến khá nhiều, đại loại như ngành nông nghiệp Campuchia đã có những bước đi rất bài bản nhờ được sự đầu tư của chính phủ nước họ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Còn có những bí kíp gì mà Việt Nam chưa giải mã được dù đã đi trước họ hai thập kỷ trong công cuộc xuất khẩu gạo?
 
Học tập họ về trồng lúa ư? Ta đã từng tự hào là cái nôi của nền văn minh lúa nước, đã từng cử nhiều đoàn chuyên gia sang các nước truyền dạy kinh nghiệm!
 
Là nhà nông hẳn ai cũng nhớ từ xa xưa, ông cha ta đã vạch quy trình cho cây lúa là “nhất nước - nhì phân - tam cần - tứ giống”. Nhưng có lẽ thời mới nên mọi cái đã đổi thay. Nguồn nước trời cho nay trở nên eo hẹp vì biến đổi khí hậu, vì nhiều dòng sông, ngọn suối bị ô nhiễm. Nước ngọt cho người đã hiếm huống hồ chi cho lúa.
 
Phân bón lúa thời nay đã khác. Ta dần xa lạ thứ phân hữu cơ truyền thống từ chuồng trại chăn nuôi gia đình mà chỉ biết đến phân hóa học, rảnh tay, sạch tay nhưng cũng đội giá thành lên và tích mầm bệnh tật. Nhập phân bón hóa học, nhập thuốc bảo vệ thực vật (hai thứ này chủ yếu dùng cho cây lúa) đến tiền tỉ đô la Mỹ, trong khi xuất khẩu lúa quẩn quanh 2-3 tỉ đô la Mỹ.
 
Dân cày vẫn một nắng hai sương. Nhưng trồng ra hạt thóc bây giờ nhiêu khê lắm. Đã không còn thuế nông nghiệp nhưng thân lúa mềm phải oằn mình cõng bao nhiêu là phí cùng các khoản đóng góp xã hội mang danh “tự nguyện”.
 
Nói đến cây lúa lại chạnh lòng nghĩ đến những cánh đồng lúa. Chỉ một chữ ký, một dòng kẻ trong bản đồ quy hoạch là bị đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp nuốt chửng cả vùng “bờ xôi ruộng mật”. Trái ngược, có vùng dân cày bỏ ruộng. Mọi hy vọng dồn về đồng bằng sông Cửu Long thì nay bị o ép cả hai mặt. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn. Ở thượng nguồn, thủy điện chặn dòng, mấy năm rồi mỏi cổ chờ mùa nước nổi, đến cánh cò cũng phiêu bạt.
 
Để lúa giống ngày xưa đơn giản. Gặt hái vụ này chọn hạt mẩy đều làm giống vụ sau, thì nay lúa giống cũng phải mua. Mua lúa giống nội một phần, phần khác lại nghiện giống nhập ngoại. Giá thành đội lên đã đành nhưng đồn thổi rằng có giống ngoại nhập từ phương Bắc chỉ sai hạt một vụ, vụ sau... lụi, thành thử mùa nào cũng phải... theo lao. Lại nghe đồn giống lúa Ma Lâm mã số 202 gốc cũng ở bên ấy, đúng là siêu năng suất nhưng lúa chỉ đáng để nuôi gà, chăn vịt.
 
Còn nếu cho rằng sự quan tâm của chính phủ, hỗ trợ quốc tế... là những nguyên nhân thành công của Campuchia, so đọ ra thấy chắc gì họ đã bằng ta. Ta có bao nhiêu là chính sách, chiến lược, chương trình mục tiêu hướng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và về cây lúa. Bao nhiêu là viện nghiên cứu quốc gia, viện vùng trọng điểm lúa với đông nghịt các viện sĩ hàm cấp đầy mình. Tuổi của Hiệp hội Lương thực (chủ yếu là lo xuất khẩu gạo) tương tự với thâm niên xuất khẩu gạo. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chắc hẳn có mục tiêu vì nông thôn phát triển, cho những mùa vàng bội thu. Cũng có cả tổ chức quốc tế về nông nghiệp đặt đại diện thường trực tại Việt Nam cùng những dự án tài trợ...
 
Nhưng ta cứ mất mùa thì thắt ruột, được mùa lại lo mất giá. Bức tranh toàn cảnh về tam nông thế nào cứ ra khỏi nội đô là rõ.
 
Thấy bạn vừa hơn mình, sang học hỏi ngay là thức thời, biết người, biết ta, dù thật ra không phải là ta không biết những “thói hư, tật xấu” của mình. Nhưng chiêm nghiệm lâu nay, nườm nượp đoàn xuất ngoại học được cả vạn cái hay song về hành thì chán chết, lại đổ do cơ chế. Song với tinh thần khởi nghiệp - khởi đầu sự nghiệp mới cho cây lúa Việt Nam thì vẫn chưa muộn.
 
Nguyễn Duy Nghĩa (thesaigontimes.vn)