Khánh Hòa: Sầu riêng Khánh Sơn được mùa kép
- Thứ tư - 01/08/2018 04:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, thương lái khắp nơi về đây tranh mua sầu riêng, với giá dao động từ 51 - 52 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân lãi từ 500 - 800 triệu đồng/ha.
Các vườn đều sai trái nặng cành, ước đạt năng suất từ 15 - 20 tấn/ha, tăng nhiều so với năm ngoái. Như vườn sầu riêng nhà anh Lê Anh Quang ở thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình) có 1ha sầu riêng (tương ứng 200 cây), trong đó 100 cây vào thời kỳ kinh doanh và số còn lại mới ra trái bói, năng suất cũng đạt trên 10 tấn.
Anh Quang đánh giá: “Vụ sầu riêng năm nay hầu hết nhà vườn đều được mùa. Không những thế, bước vào thu hoạch, nông dân càng tự tin và tự hào sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép, vị ngọt, thơm… được trồng từ 3 giống đặc sản là Mongthong Thái Lan, Chín Hóa, Ri6.
Với đặc thù sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cộng với sản phẩm chất lượng nên thương lái khắp nơi đều ưa chuộng. Đến vụ họ lại về đây lùng sục vườn khiến không khí mua bán diễn ra tấp nập.
“Như vậy, với giá cả chỉ tính trung bình trên 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân lãi trên 500 triệu đồng đối với vườn đạt năng suất 15 tấn/ha và lãi 800 triệu đồng đối với vườn đạt năng suất 20 tấn/ha”, anh Quang nói.
Điển hình là vườn sầu riêng 200 cây (tương đương 1ha) nhà anh Đào Văn Yến, người cùng thôn anh Quang trồng xen cây ăn trái khác như chôm chôm, măng cụt, vụ này cho năng suất ước đạt trên 20 tấn.
Không chỉ xã Sơn Bình được mùa kép, mà các xã trồng sầu riêng khác trên địa bàn Khánh Sơn như Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc… nông dân cũng phấn khởi không kém. Nhiều vườn thu tiền tỷ, nếu trồng diện tích lớn.
Theo báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, 1ha sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh, người dân chỉ mất chi phí đầu tư từ 25 - 30 triệu đồng. Với thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha như năm nay thì sầu riêng đang cho siêu lợi nhuận.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Sơn, đến năm 2018, diện tích cây ăn quả Khánh Sơn phát triển mạnh, toàn huyện có 754ha cây sầu riêng, 55ha chôm chôm, 273ha bưởi, 60ha quýt, 30ha măng cụt, hơn 900ha chuối. Ngoài ra, mía tím cũng là loại nông sản có giá trị kinh tế cao, toàn huyện đã phát triển được 290ha cây trồng này.
Qua nhiều năm gắn bó với huyện Khánh Sơn, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận định: “Khánh Sơn là địa phương rất thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và thực tế nhiều loại nông sản của Khánh Sơn đã khẳng định được thương hiệu, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh những nhà vườn có quy mô lớn, được đầu tư bài bản thì vẫn còn nhiều vườn tạp, người dân sản xuất manh mún, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo...".
Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, huyện Khánh Sơn cần phải xác định lợi thế phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để các hộ cải tạo vườn, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị; tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; chú trọng giải pháp kỹ thuật để bảo vệ các loại cây trồng…
Ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Mới đây, huyện tiếp tục thông qua đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2017 - 2020 để hỗ trợ người dân chuyển đổi, trồng 170ha chôm chôm, bưởi da xanh. Ngoài ra, để thương hiệu nông sản Khánh Sơn vươn xa, bên cạnh phát triển thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được công nhận, huyện sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu đối với các loại nông sản chủ lực khác. Để giới thiệu, quảng bá nông sản Khánh Sơn đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, dự kiến trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức hội thi trái ngon Khánh Sơn…".