Khát vọng hun đúc hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao

Khát vọng hun đúc hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp công nghệ cao đang là một xu thế được nhà nước khuyến khích, tiến tới một nền nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Trần Kim Liên, Tổng giám đốc Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) đã có những chia sẻ tâm huyết với Báo NNVN một số quan điểm làm nông nghiệp công nghệ cao.

Cần công nghệ cao trên một bình diện rộng

Nông nghiệp công nghệ cao có nhiều quan điểm. Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ nông nghiệp công nghệ cao cứ phải nhà kính nhà lưới hiện đại, vận hành tự động, kiểu như của Israel. Là công nghệ có thể làm chủ hoàn toàn các điều kiện về môi trường, chủ động tạo ra sản phẩm trong mọi điều kiện bất lợi của thời tiết…

lnh-do-trung-uong-thm-qun-sn-phm-go-tuoi-sch-cu-vinseed103023671
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương tham quan sản phẩm gạo tươi sạch của Vinaseed

Tuy nhiên, quan điểm của tôi, nông nghiệp công nghệ cao có thể hiểu cách khác là nông nghiệp thông minh. Nó phải ứng dụng được rộng rãi trong SX, chứ không phải chỉ những người có tiền, hoặc chỉ dành cho rất ít đối tượng SX mới có thể ứng dụng.

Chúng tôi đã từng tới Chiết Giang, nơi điển hình của Trung Quốc về xây dựng nông thôn mới. Ở đây có một diện tích rất lớn nhà kính, nhà lưới để SX nông nghiệp theo công nghệ hoàn toàn chủ động.

Tuy nhiên công nghệ của họ thực ra cũng cực kỳ đơn giản, miễn là cơ sở hạ tầng SX làm sao tránh được các điều kiện bất thuận của thời tiết, ví dụ như tránh được tuyết rơi, giữ được nhiệt độ trong mùa đông, tạo điều kiện để quản lí dịch hại và bảo quản sau thu hoạch… Những công nghệ này tuy đơn giản, nhưng vẫn giúp nông dân ở Chiết Giang tạo được các vùng SX đủ lớn, đồng đều về chất lượng, có giá trị kinh tế lớn.

Chúng tôi đã từng thăm nhiều vùng dưa lưới tại Trung Quốc, trong đó sản phẩm có cả XK sang Việt Nam chúng ta. Công nghệ SX của họ hết sức bình thường. Một m2 nhà lưới của họ chỉ đầu tư khoảng 100 nghìn đồng (quy ra tiền Việt Nam), miễn là phải đảm bảo được tưới tiêu chủ động bằng hệ thống ống tưới tự động (cứ 10 nhà lại có một cái bể nước).

Người lao động của họ chỉ phải cắt tỉa cành, thụ phấn… Mỗi hộ dân của họ cũng chỉ có khoảng 1.000m2 nhà lưới, tuy nhiên một năm họ chỉ cần làm 3 vụ dưa lưới thôi thì mỗi hecta cũng cho thu nhập vài tỉ đồng. Nông dân của họ liên kết rất chặt chẽ với nhau để tính lịch thời vụ nhằm lên kế hoạch tiêu thụ. Vì vậy đầu ra của họ ổn định, trong đó có thị trường Việt Nam.

s2090716975
Dưa lưới của Vinaseed tại Hưng Yên

Về chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta hiện có đủ thứ trên đời, nào là tín dụng, đất đai, KH-CN, thị trường…
Tuy nhiên, chính sách chỉ nên thông qua hoạt động thực tiễn để xác định đâu đang là điểm nút thắt quan trọng nhất nhằm tháo gỡ nó.
Và khi gỡ chỉ gỡ cái nút thắt ấy thôi, thì SX bung ào ra, chứ không phải cái gì cũng làm. Trong những nút thắt hiện nay, tôi cho rằng không hẳn là tín dụng, mà là xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, qua đó kết nối cho các DN để họ có hướng SX. Bởi thực tiễn, nhiều DN có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhưng họ đang loay hoay không biết làm thứ gì, làm như thế nào và bán cho ai…
Ngay như Cty chúng tôi, khi bước chân vào SX dưa lưới để XK, chỉ nguyên khâu nghiên cứu và xác định thị trường, đã phải chi ra tới hơn 10 nghìn USD chỉ cho mỗi việc thu thập tài liệu, chưa kể chuyên gia phân tích... Những thông tin và định hướng thị trường như vậy còn quan trọng hơn hỗ trợ về vốn rất nhiều.

(Bà Trần Kim Liên)

Như vậy, công nghệ cao cần phải hiểu là công nghệ thông minh hơn, phù hợp hơn với điều kiện từng địa bàn để chủ động trong SX, sản phẩm chất lượng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, đạt mục tiêu tạo ra giá trị cao hơn chứ không nhất thiết phải đầu tư dây chuyền công nghệ hàng triệu USD.

Điểm mấu chốt là phải tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn, chẳng hạn anh tạo ra được sản phẩm rất tốt, nhưng nó không có sức cạnh tranh trên thị trường cũng không thể mở rộng ra SX được.

Ở phía Bắc, đặc biệt vùng ĐBSH, đất đai không nhiều, thực trạng SX đó nhất định phải tái cấu trúc gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tạo ra giá trị hàng hóa lớn và sản phẩm mang thương hiệu lớn.

ĐBSH đông đúc dân cư, trình độ canh tác, dân trí cũng ở mức cao, khả năng tiếp cận với KH-CN nhìn chung là tốt hơn, xu hướng chuyển dịch sang đô thị hóa nhanh hơn nhiều vùng khác.

Bên cạnh đó, ĐBSH có một thuận lợi vô cùng lớn, đó là thiên nhiên ưu đãi cho một vụ đông có thể SX hàng hóa hết sức đa dạng các loại rau quả ôn đới, cận ôn đới.

Cụ thể, một số nhóm sản phẩm chúng tôi cho rằng đang có tiềm năng thị trường XK rất tốt như các loại dưa, đậu rau, ớt, ngô rau, khoai lang, cây dược liệu… Đây chính là điều kiện rất tốt để nông nghiệp công nghệ cao lan tỏa, bắt đầu chính là vùng ĐBSH.

Chiến lược của Vinaseed

Trong chiến lược 2016 - 2020, chúng tôi đã và đang triển khai tái cấu trúc Cty theo mô hình tập đoàn.

Theo đó sẽ xây dựng những chuỗi SX hàng hóa “từ đồng ruộng tới bàn ăn” (Farm - Food - Family), đồng bộ từ nghiên cứu thị trường, tổ chức SX, cung ứng đầu vào, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu…

Theo đó ngoài mảng SX-KD giống cây trồng là cốt lõi, sẽ mở rộng sang các ngành nghề khác về nông nghiệp, đặc biệt là kinh doanh nông sản. Trong đó, chúng tôi xác định xây dựng hai nhóm sản phẩm lớn là gạo và rau quả.

Gạo

Về gạo, chúng tôi đang trong quá trình xây dựng thương hiệu, trong nước và cả quốc tế. Hiện Cty đã ký hợp đồng với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo.

Theo đó sẽ đưa một số giống lúa chất lượng cao của Việt Nam áp dụng quy trình canh tác của Nhật để tiết kiệm chi phí SX (tiết kiệm nước, phân bón), sử dụng phân bón tránh được dư lượng Nitrat để tạo ra sản phẩm sạch, tạo được sự khác biệt.

Bắt đầu ngay sau Tết Nguyên đán 2017, chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng những cánh đồng đầu tiên theo quy trình canh tác của Nhật.

Trong chiến lược xây dựng thương hiệu, chúng tôi chủ trương trước hết tập trung cho thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam. Tại sao vậy? Bởi trong số mấy chục triệu tấn lương thực SX ra, chúng ta chỉ XK nhiều lắm là 5 - 6 triệu tấn/năm, còn lại phần lớn cho tiêu dùng trong nước. Chúng tôi thấy cần đặt mục tiêu làm sao thay đổi tập quán tiêu dùng gạo của người Việt Nam.

du-luoi090531267
Dưa lưới của Vinaseed tại Hưng Yên

Chúng ta là một nước SX lúa gạo, người dân phải được ăn thứ gạo phẩm cấp cao, đúng chất lượng của giống, được SX và chế biến bằng quy trình đảm bảo ATTP. Nhóm khách hàng trước mắt sẽ là tầng lớp trung lưu ở thành thị. Hiện nay các hệ thống phân phối gạo có thương hiệu của Vinaseed cũng đang phát triển rất mạnh ở đô thị, nhất là hệ thống bán lẻ, nhà ăn tập thể, trường học…

Vinaseed là DN khoa học công nghệ hàng đầu cả nước về mảng giống cây trồng với doanh thu năm 2016 khoảng 70 triệu USD, lợi nhuận sau thuế gần 190 tỉ đồng, với lượng hàng hóa tiêu thụ khoảng 6 vạn tấn giống cây trồng các loại.

Đối với gạo XK, chúng tôi sẽ lựa chọn các dòng gạo chất lượng cao mang thương hiệu Vinaseed. Cụ thể gạo của Cty chúng tôi đã XK được với giá từ 850 - trên 1.000 USD/tấn. Chúng tôi cũng đã đăng ký tham gia vào Hội nghị Gạo thế giới (sẽ được tổ chức vào tháng 7/2017), theo đó sẽ gửi các thương hiệu gạo có chất lượng của Vinaseed tham gia.

Rau quả

Đây là một mảng còn rất mới mẻ, dư địa và tiềm năng phát triển của Việt Nam vô cùng lớn (năm 2016, lần đầu tiên XK rau quả vượt cả gạo - PV).

Bên cạnh XK, quan điểm của tôi, cũng giống như với lúa gạo, rau quả vẫn phải tập trung trước hết cho thị trường nội địa bằng nhiều hình thức tăng sức cạnh tranh, đảm bảo ATTP. Bởi chúng ta vẫn đang phải NK rất nhiều rau quả mà lẽ ra trong nước hoàn toàn đủ khả năng SX với phẩm cấp, giá thành tốt hơn rất nhiều so với sản phẩm NK.

Đơn cử như dưa vàng, chỉ 5 tháng đầu năm 2016, chúng ta đã phải NK tới 21 nghìn tấn dưa vàng từ Trung Quốc, giá bán ở thị trường Việt Nam trung bình lên tới 30 nghìn đồng/kg. Trên thế giới, chỉ một số ít nước nhiệt đới mới có thể SX ra được nhóm sản phẩm dưa vàng, dưa lưới, ngoại trừ Trung Quốc. Trung Quốc dù không phải nước nhiệt đới lại đang là quốc gia dẫn đầu về sản phẩm này với trên 600 nghìn ha nhà lưới chuyên SX dưa lưới nhờ phân định thời vụ hợp lý cùng công nghệ phù hợp.

Trước đây, Trung Quốc cũng chỉ SX dưa vàng được một vụ/năm thì nay họ đã SX 3 vụ/năm. Trong khi đó, Việt Nam mình quanh quẩn chỉ có mỗi dưa hấu, trong khi điều kiện thời tiết có thể SX được dưa lưới quanh năm với chi phí thấp…

Trong chiến lược phát triển XK sang thị trường Nhật Bản, chúng tôi đang hướng tập trung mạnh cho mảng rau quả. Vinaseed đặt mục tiêu sẽ trở thành đơn vị SX dưa lưới lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã được UBND tỉnh Hà Nam có quyết định cho thuê trong vòng 20 năm trên diện tích 23ha để xây dựng hoàn toàn bằng nhà kính, tổng mức đầu tư trên 100 tỉ đồng. Tại đây, chúng tôi sẽ đầu tư SX dưa lưới phục vụ XK bằng hai công nghệ: Một là công nghệ hoàn toàn của Nhật Bản, suất đầu tư lên tới 3 - 5 tỉ đồng/ha. Toàn bộ sản phẩm SX bằng công nghệ này đủ tiêu chuẩn để XK sang thị trường Nhật. Đây là công nghệ phải đầu tư lớn, chỉ DN mới làm được.

Thứ hai, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ mức trung bình, suất đầu tư chỉ dưới 170 triệu đồng/ha, phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều nông dân. Mục tiêu của công nghệ này là tạo hạt nhân hình thành các vùng vệ tinh. Sự lan tỏa bằng cách hợp tác đào tạo kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư, giám sát SX và bao tiêu sản phẩm cho nông dân dưới thương hiệu của Vinaseed. Cty cũng sẽ đồng hành, bảo lãnh giúp nông dân tiếp cận với vốn vay để đầu tư nhà lưới ở mức độ đơn giản.

Khát vọng của Vinaseed là sẽ hình thành ở ĐBSH một vùng SX rau quả hàng hóa, trước hết là vùng SX dưa lưới quy mô lớn, với giá trị SX có thể lên tới 3 tỉ đồng/ha/năm. Hiện tại, chúng tôi đã tranh thủ thêm kinh phí từ các dự án quốc tế để triển khai xây dựng chiến lược này. Theo đó, sẽ có các kế hoạch nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tổ chức SX bài bản, khả thi, được triển khai.

trung-tm-nghien-cuu-nncnc-cu-vinseed-ti-khoi-chu-hung-yen103215731
Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao của Vinaseed

Hiện tại, nhiều đối tác của Vinaseed ở Nhật đã ký hợp đồng bao tiêu, và, như đã nói, nhu cầu thị trường XK vô cùng lớn, nhất là các thị trường Đông Bắc Á giá lạnh. Ngoài chiến lược ở ĐBSH, Cty cũng đang xúc tiến xây dựng vùng dưa lưới tại phía Nam (Củ Chi - TP.HCM, Bình Dương…) nhằm đảm bảo có đủ sản phẩm quay vòng, ổn định theo yêu cầu đặt hàng của các nhà nhập khẩu. Cùng với nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, chúng tôi cũng đã chủ động được hoàn toàn về giống, công nghệ để SX ra các chủng loại sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều thị trường khác nhau. Tất cả các khâu, chúng tôi chuẩn bị suốt 3 năm qua, hiện tại đã sẵn sàng.

Theo Quỳnh Minh - Lê Bền/nongnghiep.vn