Khát vọng trở thành trung tâm sản xuất dâu tằm
- Thứ bảy - 19/10/2019 10:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghề trồng dâu nuôi tằm giúp gia đình bà Nguyễn Thị Dung (xã Đinh Lạc, Di Linh) có thu nhập ổn định. |
Nên cơ đồ nhờ tằm
Những ngày này, đi về các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng dâu xanh tốt xen với nương cà phê, đồi chè. Không gian xanh với không khí trong lành, mát mẻ khiến cuộc sống trở nên êm đẹp hơn bao giờ hết.
Một nông dân thổ lộ, sáng ra nương dâu tận hưởng sự mát lành, trưa mang lá về cho tằm rồi đứng xem chúng ăn rỗi nên chẳng bao giờ thấy buồn chán.
Sự thoải mái, phấn khởi ấy của người dân không chỉ đến từ không gian bao la mà còn đến từ tiềm ẩn trong họ khi nỗi lo, gánh nặng kinh tế gia đình được trút bỏ. Nhiều gia đình đã thoát khỏi cuộc sống cơ cực, gây dựng được sự nghiệp nhờ bén duyên với cây dâu, con tằm.
Ông Lê Quang Thôn, xã Đinh Lạc (huyện Di Linh) tâm sự, những năm trước, gia đình phải vật lộn với cuộc sống vì thu nhập của hai vợ chồng bấp bênh. Năm 2016, nhận thấy nghề dâu tằm mang lại cơ hội phát triển nên dành 2 sào trồng dâu và bắt đầu sự nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Dung (vợ ông Thôn) hồ hởi thổ lộ: “Ba năm nay, nhờ giá kén tương đối ổn nên gia đình thoát được khỏi sự chật vật, túng thiếu. Với 2 sào dâu tằm, trung bình, mỗi năm chúng tôi thu về khoản trên 100 triệu đồng”.
Lâm Đồng đang hướng đến phát triển vùng trồng dâu tập trung để phát triển tốt ngành dâu tằm. |
Cũng theo bà Dung, bà mua tằm con từ các cở sở giống rồi mang về nuôi nên chỉ khoảng 17 ngày là thu hoạch kén để bán. Nghề “hái ra tiền” liên tục nên sắp tới bà mở rộng mô hình.
Tại huyện Đạ Tẻh, nghề dâu tằm đã trở thành sinh kế của bao gia đình, giúp họ thoát đói nghèo. Huyện hiện có khoảng 1.340ha dâu với sản lượng kén khoảng 1.500 tấn năm.
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết, hiện giá kén ở huyện từ 115.000 - 130.000 đồng/kg tuy có giảm hơn so với năm trước nhưng người dân vẫn có lãi từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Huyện khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
Tập trung sản xuất chuyên canh
Nghề dâu tằm đang phát triển rộng ở 11 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích dâu khoảng 6.800ha (chiếm gần 67% diện tích dâu cả nước).
Tỉnh đang đẩy mạnh ngành tơ tằm theo hướng sản xuất hiệu quả, tập trung sản xuất chuyên canh, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định với diện tích dự kiến 10.000ha vào năm 2023 với sản lượng kén khoảng từ 14.000 - 14.500 tấn.
Thời gian nuôi tằm không quá dài nên người dân nhanh chóng thu hồi vốn để phát triển sản xuất. |
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, tỉnh đang thực hiện phát triển liên kết để hình thành nhóm nông hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã để tăng cường sự tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường. Tỉnh cũng hướng đến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến tơ lụa, hợp tác với người dân để hình thành chuỗi liên kết, nâng cao giá trị trong sản xuất.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề dâu tằm. Hiện nay, tỉnh có thể sản xuất được giống tằm lưỡng hệ quanh năm với chất lượng tốt hơn so với cả nước cũng như một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ.
Ông chia sẻ: “Tỉnh đang thực hiện đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023. Cùng với việc tổ chức sản xuất bài bản, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp về giống, khoa học kỹ thuật lẫn phát triển thị trường”.
Hiện nay, người dân đang phụ thuộc nhiều vào con giống nhập từ Trung Quốc nên ít nhiều chịu rủi ro. |
Theo Sở NN-PTNN Lâm Đồng, với diện tích 1 sào dâu, nông dân có thể nuôi 5 hộp tằm/năm và giá thu mua khoảng 150.000 đồng/kg kén, đạt lãi ròng 110 triệu đồng/năm. Cũng ở diện tích này, nếu chế độ chăm sóc tốt thì mỗi năm nông dân có thể nuôi lên đến 7 hộp tằm và đạt lãi ròng 188 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản Lâm Đồng cho biết, ngành dâu tằm của tỉnh đang gặp khó khăn trong việc chọn giống tằm. Công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng nên người dân vẫn phải sử dụng giống từ Trung Quốc và ít nhiều chịu sự ảnh hưởng, rủi ro.