Khép kín từ quả trứng đến bàn ăn
- Thứ năm - 15/08/2019 05:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xứ cát bỏng trở mình
Xã Thạch Sơn nằm phía Đông Bắc huyện Thạch Hà, có diện tích tự nhiên hơn 1.050 ha; trong đó đất nông nghiệp gần 634 ha, chiếm hơn 60%; đất phi nông nghiệp hơn 635 ha, chiếm 34,81%; đất chưa sử dụng hơn 51 ha, chiếm 4,46%. Toàn xã hiện có 8 thôn với hơn1.400 hộ, 5.626 nhân khẩu.
Vườn mẫu Sơn Hà 1. |
Ông Đặng Hữu Diệu, Chủ tịch UBND xã cho biết, Thạch Sơn là xã nghèo có điểm xuất phát thấp, thu ngân sách trên địa bàn không đáng kể, cơ sở hạ tầng vừa thiếu lại vừa yếu, không đồng bộ. Tỷ trọng nông nghiệp còn cao trong khi đất đai lại bạc màu nhiễm mặn, đồng ruộng bậc thang, bị chia cắt bởi cồn bãi, sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mang nặng tính tự cung tự cấp, chưa chú trọng sản xuất hàng hóa.
Vào mùa hè, nhiều diện tích đất là bãi cát trắng, khiến nhiều người ví von rằng đây là một “vùng cát bỏng”. Đời sống nhân dân nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn phổ biến.
Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xã nghèo này đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Cụ thể, về huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực huy động được trong 9 năm qua đạt gần 131 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương và tỉnh đạt hơn 47 tỷ đồng, chiếm hơn 36%; Ngân sách huyện hơn 16,5 tỷ đồng, chiếm 12,6%; Ngân sách xã đạt hơn 12 tỷ đồng, chiếm 9,4%; lồng ghép các chương tình dự án hơn 34 tỷ đồng, chiếm 26,3%.
Đáng chú ý là nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 19,4 tỷ đồng (trong đó tiền mặt gần 7 triệu đồng; ngày công lao động quy ra tiền là 11,5 tỷ đồng; hiến đất quy ra tiền là 803 triệu đồng; giá trị tài sản khác: 199 triệu đồng), chiếm gần 15%. Con số này cho thấy chủ trương xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân dù đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, xác định đây là giai đoạn quyết định để về đích nông thôn mới, xã Thạch Sơn đã huy động tổng lực để triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu đăng ký, kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức 10 cuộc làm việc với cán bộ cốt cán thôn; tổ chức 27 đợt ra quân, huy động gần 16.700 lượt cán bộ và nhân dân tham gia; làm mới hơn 1.400m đường GTNT trong đó 750m đường rộng 5-6m; đắp 3,75km và láng 3km lề đường; xây 8,6km mương, rãnh thoát nước và bồn hoa; trồng mới trên 8,5 vạn bầu cây chuỗi ngọc và một số loại cây khác; phát quang giải tỏa 1,4km hành lang an toàn giao thông; tiến hành di dời 8 cột điện lực và 7 cột viễn thông; nạo vét 20km kênh mương nội đồng…
Tạo đà cho phát triển kinh tế
Theo ghi nhận của chúng tôi, chương trình nông thôn mới đã và đang tạo đà cho phát triển kinh tế tại địa phương này. Tại gia đình chị Hồ Thị Hương ở thôn Tân Hợp, mặc dù chỉ mới đầu tư và đưa vào trồng gần 3 tháng, nhưng vườn dưa đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Mô hình này là kết quả của quá trình vận động người dân xóa bỏ vườn tạp để thực hiện các giống cây mới của xã Thạch Sơn, theo đó mỗi hộ thực hiện mô hình. Ngoài số tiền hỗ trợ của huyện, xã Thạch Sơn còn hỗ trợ thêm cho mỗi hộ 10 triệu đồng và thuê chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật để hướng dẫn cho các hộ dân.
Sản xuất dưa lưới ở Thạch Sơn. |
Mặc dù được đánh giá là địa phương nhiều khó khăn, đa phần đất cát bạc màu, đất nhiễm mặn, sau khi tiến hành xóa bỏ vườn tạp, xã Thạch Sơn đã vận động các hộ dân thực hiện các mô hình kinh tế mới. Những hộ có đất rộng, có lao động thì đầu tư các mô hình sản xuất lớn, các hộ không có quỹ đất rộng thì tập trung trồng hoa màu, những khu vực ven sông thì tận dụng nuôi cá lồng bè. Nhiều mô hình đã cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vẫn theo ông Đặng Hữu Diệu, quan điểm của xã Thạch Sơn là muốn nông thôn mới đảm bảo thực chất, bền vững, thì yếu tố đầu tiên đó là kinh tế của các hộ dân phải vững mạnh. Vì vậy quá trình bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế. Ngoài hỗ trợ về kinh phí, cho đi tham quan học hỏi các mô hình ở địa phương bạn, xã Thạch Sơn đã liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chuyển giao các giống cây, giống con về sản xuất trên địa bàn.
Từ những kết quả ban đầu, ông Đặng Hữu Diệu cho biết trong thời gian tới, quan điểm của xã là coi xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Nhà nước hỗ trợ, người dân là chủ thể; mỗi gia đình phải là hạt nhân đi đầu trong tham gia xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình này, về kinh tế, xã đặt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ.
“Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, triển khai xây dựng các mô hình. Đồng thời, sẽ phát triển bền vững các mô hình hiện có, phấn đấu 100% mô hình sản xuất có liên kết”, ông Diệu nói.