Khi Mặt trận giám sát an toàn thực phẩm
- Chủ nhật - 29/04/2018 11:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cán bộ Mặt trận tỉnh Bắc Kạn tham gia giám sát tại một cửa hàng bán thực phẩm trên địa bàn tổ 11, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.
Mặt trận vào cuộc
Trong câu chuyện về giám sát ATVSTP, bà Nguyễn Thị Mai Thủy- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, để nâng cao ý thức người dân đối với ATVSTP, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch để Mặt trận cùng phối hợp thực hiện. Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo, triển khai đồng bộ tới hệ thống MTTQ các cấp. Do đó, thời gian gần đây, vấn đề ATVSTP, đặc biệt những vấn đề an toàn ngay trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ đã được đẩy mạnh tuyên truyền.
Để làm được điều đó, Mặt trận đã phối hợp với Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền tới từng người dân để sản xuất thực phẩm an toàn. Trong đó, để được công nhận một khu dân cư (KDC) kiểu mẫu, một KDC văn hóa thì KDC đó phải đảm bảo ATVSTP từ sản xuất, chế biến cho tới tiêu thụ.
“Rõ ràng, giám sát ATVSTP không phải cứ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, khua chiêng gõ trống, một năm vài lần là xong mà cần áp dụng quy trình tương tự như điều tra. Phải có sự đầu tư cho lực lượng thanh tra ATTP. Đây phải là đội ngũ thực sự chuyên nghiệp, có tâm, dám phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng. Bên cạnh thanh tra, cũng cần phát huy tốt vai trò của người dân trong phát hiện các vụ việc, cơ sở không bảo đảm ATTP. Phải làm sao để cá nhân, tổ chức nào mới manh nha ý định sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn nhằm thu lợi bất chính thì ngay lập tức sẽ ý thức được rằng họ đang đối mặt với tai mắt của nhân dân, với hệ thống kiểm tra, hậu kiểm chặt chẽ”- bà Thủy thẳng thắn nói.
Ông Vũ Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, giám sát ATVSTP là vấn đề vô cùng quan trọng, thời gian qua MTTQ Tỉnh rất chú trọng tới công tác này, tuy nhiên do nguồn nhân lực tham gia giám sát vừa mỏng vừa yếu nên nhiều nơi phải giao toàn bộ cho ngành Y tế. Có nơi lại giao cho ngành nông nghiệp trực tiếp thực hiện. Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP từ cấp huyện đến cấp xã không những yếu về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải kiêm nhiệm nhiều việc nên kết quả thực hiện nhiệm vụ còn thấp.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cơ sở còn thiếu sự quyết liệt. Có nơi còn buông lỏng quản lý thiếu trách nhiệm trong tuyên truyền, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nên nguy cơ nông sản, thực phẩm bị ô nhiễm còn khá cao, làm mất lòng tin của người tiêu dùng… Để khắc phục bất cập này, tỉnh Bắc Ninh đã huy động thêm nguồn nhân lực từ phía Mặt trận và các tổ chức thành viên để cùng tham gia giám sát.
Hiện đang là địa bàn cung cấp nhiều loại thực phẩm ra thị trường, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang quyết liệt thực hiện giám sát ATVSTP. Ông Vũ Văn Bằng- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, hiện nay tỉnh đã phối hợp với ngành y tế để bảo đảm thực phẩm an toàn. Trong đó, việc vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là những người nông dân trực tiếp sản xuất thực phẩm an toàn, sản xuất rau sạch được đặc biệt chú trọng. Mặt trận tỉnh đã phối hợp cùng các sở, ngành tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong tỉnh tham gia thực hiện tốt các quy trình sản xuất, phát triển những mô hình sản xuất thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó ATVSTP được được coi là một trong những tiêu chí thi đua, một nội dung quan trọng để Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện tốt. Bởi vậy, cùng với các biện pháp kiên quyết, sự phối hợp giữa các ban ngành thì thực hiện tốt cuộc vận động sẽ góp phần thực hiện tốt vấn đề ATVSTP. Mặt trận tỉnh cũng coi đây là một trong những nhiệm vụ để MTTQ phối hợp với các tổ chức thành viên, các đơn vị có liên quan triển khai hàng tháng, hàng quý và trong một năm sẽ tổng kết, đánh giá, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Bằng khẳng định.
Hướng tới bảo vệ sức khỏe toàn diện
Trước sức “nóng” về vấn đề an toàn thực phẩm, MTTQ Việt Nam cũng đã có nhiều động thái để ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đến năm 2020 vận động được ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm…
Chương trình cũng phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như đối với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Việt Nam nằm trong nhóm 2 của bản đồ ung thư thế giới. Như vậy, mỗi ngày có khoảng 315 người chết vì ung thư, trong đó có 80% các bệnh ung thư do tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài và chế độ ăn uống. Nguyên nhân đứng đầu là thực phẩm bẩn chiếm 35%.
“Thực phẩm bẩn đang giết mòn người dân Việt Nam, với những câu chuyện đau lòng thiếu giá trị đạo đức như, lượng hóa chất độc hại do tiêm, bơm, tẩm ướp với một số mặt hàng nông sản. Các Bộ, ngành cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong quản lý về vệ sinh ATTP, để thực phẩm không còn bào mòn sức khỏe, tính mạng của người dân”- người đứng đầu Mặt trận nhận định.
Khi triển khai các nội dung chương trình này, nhiều địa phương đã có những chuyển biến điển hình. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang, Trưởng đoàn giám sát tỉnh cho rằng, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm là việc làm cần thiết và tối quan trọng khi giám sát ATTP. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm ATVSTP phải được thực hiện theo Nghị định 178 của Chính phủ và có sự thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và người dân cùng giám sát. Trong quản lý ATTP thì lực lượng cán bộ liên ngành phải công tâm và đặt mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng lên hàng đầu.
“Thông qua công tác giám sát lần này góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng về vấn đề ATTP; đồng thời tạo dư luận mạnh mẽ để cổ vũ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác quản lý về ATTP, cũng như kiên quyết phê phán và kiến nghị, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn”- bà Loan nói.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự giám sát chặt chẽ của MTTQ vấn đề ATTP sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
* Chính phủ và UBTƯMTTQ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đến năm 2020 vận động được ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm… * Rõ ràng, giám sát ATVSTP không phải cứ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, khua chiêng gõ trống, một năm vài lần là xong mà cần áp dụng quy trình tương tự như điều tra. Phải có sự đầu tư cho lực lượng thanh tra ATTP. Đây phải là đội ngũ thực sự chuyên nghiệp, có tâm, dám phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng, bà Nguyễn Thị Mai Thủy- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh. |
Tuệ Phương/ Đại đoàn kết