Khi nông dân TPHCM “chuyển bộ”

Khi nông dân TPHCM “chuyển bộ”
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, qua thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu, chọn những cây - con giá trị cao, phù hợp với thị trường TPHCM, trên địa bàn TP đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, hoặc nông nghiệp kết hợp du lịch.
Trồng dừa nhàn hạ, thu nhập cao
Sau 4 thập niên gắn bó với nghề trồng lúa, ông Nguyễn Đình Quất (ngụ ấp 5, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) đã chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa sang trồng dừa và nuôi cá xen cài, nhờ vậy mà thu nhập tăng cao hơn.
Năm 1976, ông Quất trồng lúa, chỉ thu hoạch một vụ/năm. Dù thu nhập không được bao nhiêu, nhưng thời điểm bấy giờ không biết trồng cây nào khác nên phải “bám” vào cây lúa mưu sinh.
Đến năm 2007, nhờ có hệ thống thủy lợi, cùng với giống và quy trình canh tác cải tiến, ông Quất trồng được 2 vụ lúa/năm, nhưng vẫn còn khó khăn vì thu nhập từ lúa không thể nuôi đủ 6 thành viên trong gia đình.
Đến năm 2012, khi được cán bộ xã tư vấn chuyển đổi cơ cấu canh tác phù hợp với nhu cầu thị trường và được vay ngân hàng 500 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ lãi suất của TPHCM, ông Quất quyết định bỏ lúa, chuyển sang trồng dừa và nuôi cá trên diện tích 3,8ha.
Ông giải thích, trồng dừa không phải tốn nhiều công sức chăm sóc, kỹ thuật cũng không quá phức tạp, chỉ cần nắm quy trình bón phân để có thể cho ra trái dừa chất lượng tốt hơn. Dừa được trồng theo từng hàng dọc - ngang với khoảng cách trung bình 5m/cây. Giữa các hàng dừa là mương nước dùng để tưới cây và tận dụng để nuôi cá.
Khi nông dân TPHCM “chuyển bộ” ảnh 1Mô hình trồng dừa đan xen với nuôi cá của ông Nguyễn Đình Quất 
Trong thời gian chờ 2 năm để cây dừa cho ra trái lần đầu, những mương nước nuôi cá đã cho thu hoạch sau 6 tháng thả giống. Cá được nuôi theo kiểu tự nhiên, không tốn thức ăn công nghiệp, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/năm. Đến khi dừa có trái, hàng tháng ông hái được khoảng 4.000 trái. Với giá bán sỉ 6.000 đồng/trái, trung bình một năm ông lãi khoảng 240 triệu đồng.
Ông Quất chia sẻ, trước kia trồng lúa phải thuê người làm công, nay trồng dừa với diện tích lớn như vậy nhưng chỉ cần một mình ông là đủ. Không dừng lại việc trồng dừa, con cái của ông Quất còn mở đại lý cung cấp dừa sỉ, lẻ trên địa bàn TPHCM, nhờ đó thu nhập gia đình ông được tăng lên, cuộc sống nhờ đó cũng trở nên khấm khá hơn trước rất nhiều.
Kết hợp du lịch sinh thái
Cũng là địa bàn trồng nhiều lúa ở thời điểm năm 1990 trở về trước, huyện Hóc Môn nay đã chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị.
Đơn cử, ông Phan Văn Kèo (ngụ số 6/6 ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp) đang “gầy dựng” khu du lịch sinh thái Tân Hiệp trên mảnh đất trồng lúa đã sản xuất bao nhiêu đời.
Tương lai, khu du lịch sinh thái 5ha này có các dịch vụ câu cá giải trí, ngắm kiểng bonsai, nhà hàng ăn uống. Bên cạnh đó, còn có khu vực rộng 2ha với những ô trồng lúa, cây ăn trái thu nhỏ, để du khách có thể tự mình trải nghiệm thực tế công việc của nhà nông.
Theo ông Phan Văn Kèo, trước kia gia đình chỉ trồng được 2 vụ lúa/năm, nhưng do năng suất không thể bằng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá trị gia tăng của cây lúa cũng không cao nên cả nhà luôn vất vả, phải bươn chải nhiều thứ để có thể trang trải cuộc sống.
Vì vậy, khi được tư vấn, ông mạnh dạn chuyển đổi canh tác cây trồng phù hợp với đô thị. Ông nhận thấy nhờ kinh tế phát triển, nhu cầu cây kiểng bonsai ở TPHCM tăng theo sự sung túc của người dân, mà người nhà của ông lại thành thạo về sản xuất cây kiểng.
Năm 2013, gia đình ông Kèo bắt đầu chuyển đổi cơ cấu canh tác, nhưng làm từ từ để thăm dò và lấy ngắn nuôi dài. Những vùng đất cao được cải tạo để chuyển qua trồng kiểng và tạo dáng thành bonsai. Những khu đất trũng thì được đào ao nuôi cá. Cứ thế, những ao cá tạo nguồn thu hoạch dành cho các sinh hoạt hàng ngày; cây kiểng bonsai cho thu nhập cao thì dành để tích lũy và mở rộng sản xuất.
Sau khi tham quan một số nơi, tìm hiểu các mô hình sản xuất giỏi ở các tỉnh, ông Kèo nảy ra ý định đầu tư vùng đất sản xuất của gia đìnhthành điểm du lịch sinh thái. Với số vốn không phải nhiều nhưng nhờ chuyển đổi từ từ mà điểm du lịch sinh thái nay đã hoàn thành được 95%, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ đưa vào hoạt động.
Hóc Môn còn có các mô hình chuyển đổi nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch, như trường hợp ông Nguyễn Thanh Nhơn (xã Xuân Thới Thượng). Bên cạnh các cây kiểng bonsai như mai vàng, mai chiếu thủy, lộc vừng, trong vườn nhà ông Nhơn còn có cả cây ăn trái như xoài, mận, me, vú sữa… để phục vụ du khách từ nội thành ra tham quan, mua sắm. Năm 2017, ông kết hợp với các công ty du lịch đưa các đoàn đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, doanh thu từ vườn bonsai, cây ăn trái, kết hợp du lịch sinh thái của ông Nhơn đạt 4 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Hóc Môn, sau khi được ngành nông nghiệp TP tập huấn, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân áp dụng đã nâng cao được mức sống. UBND huyện tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các chính sách của TPHCM, giới thiệu đi tham quan các nơi, cũng như tập huấn chuyển giao công nghệ. Việc chuyển đổi còn giúp giải quyết việc làm cho số lao động nhàn rỗi tại chỗ. Các chính quyền địa phương đều hỗ trợ tích cực trong việc xin cấp giấy phép kinh doanh, quảng bá và tiếp thị nhiều nơi để đưa các đoàn khách du lịch ra vùng ngoại thành tham quan, biết thêm điểm dừng chân mới, nhằm giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp đô thị của người dân đạt hiệu quả kinh tế cao. 

THANH HẢI/ SGGP