Khi nông dân bắt tay với doanh nghiệp

Khi nông dân bắt tay với doanh nghiệp
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của người nông dân là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang trở thành hướng đi cần thiết trong phát triển sản xuất nông nghiệp.


Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh, khẳng định: Việc bắt tay giữa doanh nghiệp và nông dân đã mang lại lợi ích cho cả đôi bên cùng nhau phát triển. Trong đó, đối với doanh nghiệp do không phải mất chi phí đầu tư thiết bị và quản lý nên giá thành đầu vào luôn giảm hơn so với doanh nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất, ước tính giảm đến 30%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tận dụng được kinh nghiệm canh tác trên đồng ruộng của nông dân, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm... Ngược lại đối với người nông dân, họ sẽ có việc làm và thu nhập ổn định, tiếp thu được những kỹ thuật canh tác hiện đại, yên tâm sản xuất mà không phải lo đến đầu ra của sản phẩm...

HTX Hoa Phong thu mua khoai tây cho bà con xã Bình Dương, TX Đông Triều.
HTX Hoa Phong thu mua khoai tây cho bà con xã Bình Dương, TX Đông Triều.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây, bằng nhiều cách làm, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn khuyến khích, kết nối để doanh nghiệp và nông dân bắt tay hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Có thể thấy, Đông Triều là địa phương đi đầu trong việc này, khi từ năm 2012 đã phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Cụ thể, nông dân các xã, phường Bình Dương, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo liên kết với Viện Cây lương thực và thực phẩm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giống lúa PC26 để xuất khẩu sang Nhật Bản. Nông dân xã Hồng Phong cũng phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh liên kết sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng trên cánh đồng mẫu với quy mô 51,6ha. Sản phẩm làm ra luôn được doanh nghiệp bao tiêu ngay tại đầu bờ với giá 11.000 đồng/kg tươi. Đặc biệt mô hình nông dân xã Bình Dương liên kết sản xuất sản phẩm khoai tây Atlantich với Công ty Orion được đánh giá rất hiệu quả, tạo thành vùng sản xuất cây vụ Đông tập trung, giá trị cao của thị xã. Được thực hiện từ năm 2012 với diện tích ban đầu 20ha, hiện nay mô hình khoai tây Atlantich đã tăng lên 60ha, sản lượng cung ứng cho Công ty gần 500 tấn/vụ.

Tại Đông Triều hiện còn có Nông trường Evinco của Tập đoàn Vingroup liên kết với nông dân xã Hồng Thái Tây; HTX nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong mở rộng vùng liên kết trồng rau, hoa quả sạch với hàng trăm hộ nông dân xã Hồng Phong, Việt Dân... Chị Nguyễn Thị Hồng, nông dân xã Hồng Phong, hộ liên kết sản xuất của HTX Hoa Phong, cho biết: Làm nông nghiệp thì ai cũng biết, thu nhập không ổn định bởi quy luật được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa. Thế nhưng từ khi liên kết với Hoa Phong, thu nhập của tôi tăng và ổn định hơn, bởi ngoài sản phẩm thu được tôi còn được nhận lương gần 3 triệu đồng/tháng do Hoa Phong chi trả...

Cùng với Đông Triều, nông dân các địa phương Quảng Yên, Cẩm Phả, Hải Hà, Hoành Bồ... đều đã và đang bắt tay với những doanh làm ăn lâu dài, ổn định. Tiêu biểu như các Công ty CP Đầu tư Song Hành, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu Đông Bắc, Công ty TNHH Chè Thuấn Quỳnh, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa...

Từ đầu năm 2017 đến nay, theo chỉ đạo của tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh triển khai thực hiện 4 chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn là thịt lợn, gạo nếp cái hoa vàng, rau và chả mực. Trong đó, riêng đối với chuỗi gạo nếp cái hoa vàng, đơn vị thực hiện đã được lựa chọn làm cơ sở sản xuất ban đầu là 2 HTX Hồng Phong và Yên Đức (TX Đông Triều). Hiện, xã viên của 2 HTX đang chuẩn bị các khâu cơ bản để triển khai thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX Yên Đức, cho biết: Thực tế nông dân Yên Đức vốn có kinh nghiệm trồng nếp cái hoa vàng và sản phẩm này hiện cũng đang được thị trường tín nhiệm, sản lượng làm ra không đủ bán. Tuy nhiên, khi tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn, chúng tôi được nâng cao nhận thức về việc sản xuất thực phẩm an toàn, từ đó xác định đây là hướng phát triển bền vững, lâu dài, đảm bảo thương hiệu cho nếp cái hoa vàng Yên Đức.

Từ thực tế trên cho thấy việc nông dân liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã giải được bài toán khó cho cả hai bên, trong đó đối với doanh nghiệp là vấn đề nhân lực, tư liệu sản xuất, chi phí đầu vào... còn đối với nông dân là đầu ra cho sản phẩm...


Tác giả bài viết: Việt Hoa

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn