Khó khăn trong việc tìm người đứng đầu các hợp tác xã
- Thứ ba - 18/07/2017 10:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc tìm người đứng đầu các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Sỹ Thắng/TTXVN
Ngày 18/7, Ban điều hành Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng Sông Cửu Long tại Bến Tre (gọi tắt là Dự án AMD Bến Tre) đã tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện hoạt động chuỗi giá trị tại tỉnh Bến Tre.Tại hội nghị, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là làm thế nào để chọn ra người điều hành hợp tác xã (một mắt xích trong chuỗi giá trị) để giúp hợp tác xã sau khi thành lập sẽ hoạt động hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi giá trị bền vững.
Bến Tre có 8 chuỗi giá trị sản phẩm cấp tỉnh và 10 chuỗi giá trị sản phẩm cấp huyện. Toàn tỉnh có 55 hợp tác xã; trong đó có 17 hợp tác xã tham gia 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Phần lớn ban điều hành của các hợp tác xã là nông dân nên không có năng lực quản lý, vì thế có những hợp tác xã đã thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Cố vấn Dự án AMD Bến Tre cho rằng, để chuỗi giá trị hoạt động xuyên suốt thì khâu quan trọng là hợp tác xã.
Theo ông Bảo, vận động người dân tham gia hợp tác xã rất dễ nhưng để hợp tác xã hoạt động được là rất khó khăn; trong đó việc tìm ra nhân lực chủ chốt năng động, sáng tạo lãnh đạo hợp tác xã là không hề dễ dàng.
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết, huyện đã thành lập hợp tác xã tôm ở xã Vĩnh An. Nhưng năng lực quản lý của ban điều hành còn yếu, phương án sản xuất, kinh doanh chưa có kinh nghiệm nhiều. Vì thế, đầu vào và đầu ra còn gặp khó khăn. Người nông dân liên kết tự mua, tự bán.
Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng để hợp tác xã hoạt động hiệu quả nên thuê giám đốc điều hành. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam đề xuất mỗi huyện nên chọn một hợp tác xã tiêu biểu và thuê giám đốc về điều hành hợp tác xã hoạt động và trả lương trong vòng một năm. Nếu hợp tác xã này hoạt động hiệu quả thì các hợp tác xã khác sẽ đến để học tập kinh nghiệm làm theo.
Theo bà Trần Thị Kim Cương, Chi cục Thủy sản Bến Tre, để tìm được nhân sự chủ chốt điều hành hợp tác xã hoạt động hiệu quả rất khó. Các tỉnh khác thì chọn những cán bộ về hưu, tự liên kết với các nơi cung cấp đầu vào và tìm đầu ra cho hợp tác xã.
Ông Lâm Văn Hoàng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho rằng, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre nên đào tạo nguồn nhân lực quản lý hợp tác xã vì thuê giám đốc điều hành rất khó. Ở Thạnh Phú đến nhờ các giám đốc các doanh nghiệp nghỉ hưu (người có kinh nghiệm kinh doanh) để làm giám đốc hợp tác xã nhưng họ đều từ chối.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre chỉ có Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre (huyện Châu Thành) được Dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam Socodevi (Canada) hỗ trợ thuê giám đốc, kế toán và nhân viên marketing về điều hành hoạt động hợp tác xã.
Ông Nguyễn Văn Trạng, Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, để hợp tác xã làm được các dịch vụ như tìm nguồn phân bón cho hợp tác xã, tìm đầu ra cho sản phẩm,…thì người điều hành hợp tác xã cần phải giỏi quan hệ và có đầu óc kinh doanh. Hơn nữa người điều hành phải là người có uy tín thuyết phục, vận động được thành viên liên kết sản xuất cùng một quy trình kỹ thuật, quá trình chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.