Khó tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Tháo gỡ thế nào?
- Thứ ba - 12/12/2017 03:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cần sớm điều chỉnh chính sách về đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều rào cản
PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: Phần lớn đất nông nghiệp đang nằm trong tay nông dân, song họ không có khả năng quy hoạch thành vùng và chưa đủ nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn. Do đó, Nhà nước và các bộ, ngành cần có cơ chế điều chỉnh chính sách đất đai, giúp địa phương tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề cho doanh nghiệp đưa ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất.
Là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp CNC, đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai quy hoạch 1 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, 1 khu công nghiệp nông nghiệp, 7 khu nông nghiệp CNC tập trung và 19 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Để đưa được CNC vào sản xuất, tỉnh xây dựng nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, Lâm Đồng đang gặp nhiều rào cản về đất đai và nguồn vốn tín dụng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tỉnh đã thực hiện nhiều cách tích tụ ruộng đất, như: Nhà nước giải phóng mặt bằng, thuê đất của dân ổn định và xây dựng hạ tầng rồi giao cho doanh nghiệp thuê lại; doanh nghiệp tự làm dự án, tỉnh duyệt và giao đất cho doanh nghiệp (từ 20 đến 50 năm); doanh nghiệp tự thỏa thuận mua đất hoặc thuê đất của dân, nhà nước hỗ trợ làm thủ tục để nhà đầu tư thỏa thuận đền bù, giải tỏa mặt bằng. Dù vậy, quá trình tích tụ ruộng đất, việc giải phóng mặt bằng khá khó khăn do giá đất đền bù cho nông dân thấp hơn giá thị trường; một số lô đất có tổng tiền bồi thường, hỗ trợ san ủi khá lớn nên khó thu hút đầu tư...
Theo PGS.TS Chu Tiến Quang, Hội đồng chính sách Bộ NN&PTNT, thời gian qua, dù nhiều địa phương đã mở đường cho tích tụ ruộng đất bằng các hình thức dồn điền. đổi thửa, tạo ô thửa lớn song vẫn manh mún, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư cùng nông dân. Đơn cử, tại Hà Nội, hiện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được hơn 78.000ha, đạt 102,8% kế hoạch. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội còn hạn chế, mới chỉ sản xuất theo hướng CNC, mô hình sản xuất chưa đủ lớn.
Ông Dương Văn Chín, đại diện Tập đoàn Lộc Trời - một trong những doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, chia sẻ: Vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp CNC rất lớn, trung bình cần từ 1,3 đến 3 tỷ đồng/ha, có thể cao hơn tùy theo mặt hàng được đầu tư sản xuất. Do đó, nếu không có cơ chế hỗ trợ thì rất khó cho doanh nghiệp, bởi vốn cho giải phóng mặt bằng rất lớn...
Cần sớm điều chỉnh chính sách về đất đai
TS Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng: Ðể tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp CNC, quy mô lớn, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, có quy định phù hợp về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
"Theo đó, Nhà nước nên quy hoạch đất nông nghiệp theo hai hướng: Quy hoạch cứng và quy hoạch mềm. Quy hoạch cứng là Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng; Quy hoạch mềm là Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất có tính tương đồng để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Đặc biệt, nhằm thúc đẩy sản xuất hiệu quả nên có chế tài mạnh để kiểm soát vấn đề bỏ ruộng; đánh giá và xây dựng lộ trình chuyển hình thức giao đất không thu tiền sang hình thức cho thuê đất..." - TS Nguyễn Hữu Thọ phân tích.
Với vai trò cấp quản lý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Chủ trương của Bộ NN&PTNT là khuyến khích tích tụ ruộng đất, tiến tới nền nông nghiệp tập trung, nhưng phải chung mục tiêu "không để nông dân mất việc làm". Qua đó, cần có giải pháp chuyển đổi lao động nông nghiệp sang khu vực khác có thu nhập cao hơn.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần vận động nông dân cùng tham gia với các hình thức: Nông dân góp vốn bằng diện tích ruộng đất, doanh nghiệp kinh doanh và chính nông dân là công nhân lao động; hoặc, doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân, nông dân vẫn là chủ thể trong quá trình sản xuất nhưng có sự giám sát của doanh nghiệp, lợi ích đồng thuận trên hợp đồng thông qua chính quyền địa phương kiểm chứng hay tích tụ ruộng đất qua hoạt động HTX kiểu mới.
Dù vậy, với hình thức nào, vấn đề tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn ứng dụng CNC đều cần bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, sẽ tạo được chuỗi liên kết giữa các bên theo hướng gắn trách nhiệm cụ thể, thiết thực để hoạt động hiệu quả, bền vững.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 27 triệu héc ta đất nông nghiệp. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 60,3% (bao gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản...); tổ chức trong nước đang sử dụng 38,4%; nhà đầu tư nước ngoài 0,1%; cộng đồng dân cư 1,2%. Hiện cả nước có khoảng 78 triệu thửa ruộng lớn, nhỏ khác nhau; trung bình mỗi hộ có khoảng 2,5 thửa, chỉ có khoảng 10% số hộ có thửa liền bờ. |