Khó tiếp cận đầu tư công trong nông nghiệp
- Thứ sáu - 18/12/2015 10:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Nghiên cứu đưa ra phân tích so sánh giữa Việt Nam và Ấn Độ. Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy nhiều điểm đáng quan tâm. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ nông nghiệp từ sau cải cách nhưng số người dân thực sự tiếp cận được các hỗ trợ còn hạn chế. Đơn cử, tỉ lệ người dân biết đến các chương trình, chính sách trợ giá khá cao (47,33%) song số nông hộ nhỏ được hưởng lợi thực sự còn hạn chế (11,39%).
Tương tự, với chính sách trợ giá đầu vào hoặc hỗ trợ tín dụng, tỉ lệ nông hộ biết đến rất cao (47,69% và 96,44% tương ứng) nhưng còn khoảng cách khá xa với tỉ lệ hộ tiếp cận được hỗ trợ (11,39% và 65.77%). Các phát hiện khác đáng chú ý như tỉ lệ hộ dân tiếp cận với điện lưới quốc gia cao hơn Ấn Độ nhưng tỉ lệ cơ giới hóa nông nghiệp và sử dụng điện làm nguyên liệu đun nấu tại gia đình lại thấp hơn.
Việt Nam thành công hơn Ấn Độ trong việc thông tin đến người dân về các chính sách và hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp (96% so với 58%), song hiệu quả của các chính sách đó không mấy khác biệt. Nghiên cứu ghi nhận tín hiệu đáng mừng là xu hướng liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân đang phát triển tại Việt Nam.
Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị đa chiều cho các cơ quan quản lý như tăng cường sự tham gia của chính người nông dân vào quá trình đầu tư nông nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo hướng dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu, hỗ trợ người dân tham gia vào chuỗi cung ứng nông nghiệp; tăng cường thông tin, phổ biến chính sách và khả năng tiếp cận của người dân... để người dân thực sự được hưởng lợi.
Ông Christopher Kinyanjui, Phó Tổng Giám đốc ActionAid Quốc tế nhận định: “Kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo cung cấp thêm thông tin đáng quan tâm về định hướng chiến lược đầu tư nông nghiệp của Việt Nam. Nông hộ sản xuất nhỏ đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững của các quốc gia có nhiều dân số làm nông nghiệp và sống bằng nông nghiệp như Việt Nam và Ấn Độ. Báo cáo đã khẳng định thêm nhu cầu cần cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, chú trọng hơn nữa lợi ích của các hộ nông dân nhỏ, có như vậy thì phát triển kinh tế mới có ý nghĩa cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội”.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, hệ thống chi tiêu công cũng cần phải giải quyết được vấn đề an ninh lương thực từ hai khía cạnh: Vừa đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, vừa thiết lập được kênh phân phối lương thực thực phẩm hợp lý. Báo cáo cũng lưu ý việc do diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp nên Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng nông thôn để hỗ trợ nông nghiệp và đảm bảo tính đa dạng của nông nghiệp nông thôn.
Theo Đỗ Hương/ baochinhphu.vn