Khó xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ

Khó xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ
Được xem là sản phẩm an toàn và phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay, tuy nhiên việc sản xuất gạo hữu cơ tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản quy định công nhận của Bộ NN-PTNT.
Lợi ích đôi đường
Ông Nguyễn Phước Thiện (thôn Phong Thử 1, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) là người đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Nam liên kết với nông dân triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ. Tháng 5-2017 ông trồng lúa hữu cơ trên diện tích 3ha tại cánh đồng thôn Đông Hòa, Điện Thọ. Thấy có hiệu quả, vụ xuân hè năm nay ông tiếp tục liên kết với 130 hộ dân để mở rộng diện tích lên hơn 20ha. Quy trình sản xuất lúa hữu cơ chỉ sử dụng phân bón hữu cơ qua tinh chế (chất dinh dưỡng từ bùn mùn, các loại vi sinh, không dùng chất hóa học).
“Chúng tôi liên kết với người dân theo chuỗi khép kín để cùng hợp tác, cùng thu lợi. Cụ thể, mình cung cấp giống, tổ chức máy cấy, khi có sâu bệnh thì hỗ trợ thuốc trừ sâu sinh học. Người dân chỉ có việc bón phân chăm sóc, thu hoạch lúa theo quy trình của mình, công ty sẽ mua lúa tươi ngay tại ruộng về sấy, chế biến, đóng bao bì bán ra thị trường. Với mô hình này, nông dân chỉ có lợi. Thứ nhất, họ có tiền từ cho thuê ruộng và làm công cho doanh nghiệp, giá lúa doanh nghiệp mua vào cũng cao gấp 1,5 lần so với mức giá cao nhất của lúa thông thường”, ông Thiện nói.
Theo bà Nguyễn Thị Phong (thôn Đông Hòa, Điện Thọ), so với trồng lúa thông thường, lúa hữu cơ dù năng suất thấp hơn (đạt 70%-80%) nhưng bù lại, giá bán cao nên người dân phấn khởi.
“Chỉ riêng việc không phải dùng thuốc trừ sâu hay phân hóa học bón lúa mình cũng khỏe rồi, vì nó tốt cho môi trường và sức người canh tác. Một thuận lợi nữa là công ty thu mua lúa tươi ngay tại ruộng sau thu hoạch, mình không phải tốn công phơi sấy chi cả… Chưa kể, nếu mình để lúa này lại ăn cũng an tâm và an toàn cho sức khỏe hơn”, bà Phong cho biết.
Khó xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ ảnh 1Sản xuất lúa hữu cơ giúp nông dân giảm tiếp xúc với phân, thuốc độc hại 
Đồng tình ý kiến trên, ông Mai Phước Minh, thôn Đông Hòa, cho biết dù ban đầu cũng hơi bỡ ngỡ do cách canh tác khác thông thường, nhất là không dùng phân thuốc, nhưng sau vụ đầu thu hoạch thấy hiệu quả, đặc biệt công ty mua giá cao hơn lúa bình thường, giá phân hữu cơ cũng rẻ hơn, thời gian bón ít (30kg bón 2 lần một vụ), nên ủng hộ mô hình.
Ông Minh chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ đây là mô hình tốt cho nhiều bên. Trong đó, người nông dân sẽ hạn chế tiếp xúc với phân thuốc độc hại, người tiêu dùng thì được ăn sản phẩm gạo an toàn. Chưa kể, về lâu dài khi sản phẩm gạo hữu cơ có thương hiệu và thị trường chấp nhận đầu ra tốt hơn, nông dân chúng tôi cũng sẽ được hưởng lợi”.
Gian nan gạo hữu cơ
Để vận động người dân cùng tham gia trồng lúa hữu cơ, ông Thiện gần như bao tiêu tất cả, gồm đầu tư giống, cung cấp phân, thuốc, tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất…, bình quân mỗi hécta trồng lúa hữu cơ số tiền đầu tư khoảng 40 triệu đồng. Tuy vậy, giá gạo bán ra không cao hơn gạo thông thường do thị trường chưa quen, nhất là khi gạo hữu cơ vẫn chưa được các cơ quan chuyên môn xác nhận. Ngoài ra, quá trình thuê đất cũng gặp nhiều khó khăn khiến mô hình sản xuất càng gian nan.
Dù vậy, ông Thiện vẫn quyết theo đuổi mô hình này, vì ông tin trong tương lai sản phẩm gạo hữu cơ sẽ có chỗ đứng trên thị trường, thậm chí giá bán sẽ rất cao so với gạo thông thường.
“Việc thuê đất của nông dân bị trở ngại do những quy định của pháp luật nên phải liên kết với họ cùng sản xuất, nhưng điều này dễ dẫn đến rủi ro. Chưa kể, để đáp ứng yêu cầu làm lúa hữu cơ, các đám ruộng phải cần thời gian khoảng 2 năm để gạn lọc tồn dư của phân hóa học, thuốc trừ sâu còn trong đất những mùa trước. Tuy nhiên, có trở ngại là khi nông dân làm vài vụ, thấy cây lúa phát triển không giống thông thường, hoặc cằn cỗi, năng suất thấp do quy trình canh tác không đúng nên bỏ cuộc nửa chừng. Lúc đó mô hình khó thể duy trì, vì trên một diện tích trồng lúa hữu cơ có một đám ruộng bón phân thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng đến các đám lúa hữu cơ xung quanh”, ông Thiện phân tích.   
Theo ông Lê Hữu Ái, Chủ tịch UBND xã Điện Thọ, mô hình canh tác lúa hữu cơ rất tốt và có triển vọng, nên xã luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Mô hình này cũng phù hợp với chủ trương của xã và thị xã Điện Bàn, là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, ứng dụng cơ giới hóa, đưa tiến bộ khoa học vào đồng ruộng là một ưu tiên. Trong đó, việc đưa những cây mới, giống có chất lượng, hiệu quả năng suất cao vào đầu tư sản xuất là đúng theo tinh thần của đề án.
Ông Ái khẳng định: “Quan điểm của xã là ủng hộ mô hình này, vì nó mang lại lợi ích cho dân, kể cả việc thuê đất, nếu người dân xét thấy đảm bảo về mặt kinh tế thì sẽ thống nhất với doanh nghiệp và xã cũng sẽ ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi”.   
Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cho rằng, đây là mô hình sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là Bộ NN-PTNT là chưa ban hành quy chuẩn thế nào là sản xuất hữu cơ, hay theo hướng hữu cơ, kể cả tỉnh cũng vậy.
“Có chăng thị xã cũng chỉ xác nhận đây là mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, không bơm thuốc, không sử dụng phân hóa học. Còn nếu ông Nguyễn Phước Thiện cần xác nhận sản phẩm theo hướng hữu cơ thì phòng sẽ tham mưu UBND thị xã Điện Bàn xác nhận để sản phẩm dễ tiêu thụ ra thị trường”, ông Nguyễn Đức Chơi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam, cho biết, đến nay Bộ NN-PTNT chưa có quy định về tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ nên chi cục chưa thể cấp giấy chứng nhận. Do đó, đề nghị ông Nguyễn Phước Thiện chuyển sang sản xuất theo hướng VietGap hoặc theo hướng an toàn để được cấp giấy chứng nhận.

NGỌC PHÚC/sggp.org