Khởi nghiệp nông nghiệp - nhiều cơ hội cho giới trẻ

Khởi nghiệp nông nghiệp - nhiều cơ hội cho giới trẻ
Tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong số hàng trăm dự án tham gia, có đến 90% dự án liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có sức hút rất lớn đối với giới trẻ và đã có rất nhiều bạn trẻ bắt tay khởi nghiệp từ lĩnh vực này.

Khởi nghiệp nông nghiệp - nhiều cơ hội cho giới trẻ - 1

Nhiều bạn trẻ hào hứng với các dự án kiểu “nhà quê”. Ảnh: U.P.

Khởi nghiệp từ cái… máng heo

Ý tưởng “Trồng dưa lưới sạch trên đất ruộng” của nhóm bạn trẻ “Thế hệ ưu tú” (ở phường Hiệp Thành, Q.12, TPHCM) xuất phát từ thực tế chi phí trồng thực phẩm sạch, an toàn cao. Để đầu tư xây dựng một hệ thống nhà kính, màng lưới trên diện tích 1.000 m2 phải mất hàng tỷ đồng. Số tiền này đối với nhiều nông dân là không tưởng. Vậy làm thế nào người nông dân vẫn có nông sản sạch, an toàn trong khi họ chủ yếu canh tác trên đất ruộng?

Sau nhiều ngày đi khảo sát, mày mò nghiên cứu, nhóm bạn trẻ “Thế hệ ưu tú”, đã tìm ra hướng đi cho người nông dân với dự án trồng dưa lưới sạch trên đất ruộng. Người nông dân chỉ cần chọn giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, vẫn có thể cho ra đời những nông sản sạch, an toàn.

“Chúng tôi muốn giúp nông dân tạo những sản phẩm sạch, chất lượng, từ đó tạo ra giá trị thương hiệu cho nông dân.Việc áp dụng canh tác tiến bộ cần phù hợp với đa số nông dân ngoài đồng ruộng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững hơn”, trưởng nhóm Lê Minh Vương chia sẻ.

Tại nhiều vùng nông thôn, xơ mướp được người dân dùng chủ yếu vào việc rửa bát, đĩa. Thế nhưng với anh Mạc Như Nhân, chủ thương hiệu “Xơ mướp Vi Lâm” lại đang “hái” ra tiền từ phế phẩm này. Với các mặt hàng thời trang như túi, ví, giày dép, kẹp tóc… hay đồ trang trí trong nhà, tất cả đều được anh Nhân và những người thợ tạo hình một cách khéo léo, không đụng hàng. Để có được nguồn nguyên liệu, anh Nhân đã phải đi đến các vùng quê ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định… thu mua xơ mướp.

Sản phẩm tiêu dùng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường nên ngay cả việc nhuộm màu cho các món đồ, anh Nhân cũng phải sử dụng màu thực phẩm. Tất cả các sản phẩm đều không dùng hóa chất, hoàn toàn làm thủ công rất an toàn cho người sử dụng. Hiện công việc kinh doanh xơ mướp cho anh thu nhập đến cả trăm triệu đồng/tháng. Anh Nhân đang có tham vọng đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chàng trai Phạm Minh Công (22 tuổi) đến từ Đà Nẵng lại chọn khởi nghiệp từ cái… máng heo. Thực tế ngay cả ở những trang trại nuôi heo hiện đại, việc cho heo ăn cũng rất khó “căn” được chúng ăn như thế nào là đủ hoặc có chú heo ăn quá nhiều hoặc có chú quá ít.

Công và những người bạn của mình đã sáng chế ra chiếc máng ăn thông minh, chỉ cần “bấm nút” là tự cân đo, cung cấp thức ăn cho heo đúng bữa, phù hợp với khối lượng cơ thể của từng loại heo, từ đó giảm được chi phí khấu hao thức ăn cho người chăn nuôi. Mang ý tưởng “S&E- Máng ăn cho heo tự động” đi dự thi, Công khá tự tin. Hiện chiếc máng ăn thông minh vẫn đang được nhóm của Công điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp hơn với thực tế.

Cơ hội khởi nghiệp của các bạn trẻ

Mấy năm trước, khi làm sự kiện về nông nghiệp thì chỉ lác đác vài bạn trẻ tham gia. Nhưng giờ đông thế này là chúng tôi mừng lắm. Nó sẽ giúp cho nền nông nghiệp phát triển và người nông dân cũng hưởng lợi rất nhiều”,ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nói.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit, thực phẩm sạch, tiêu dùng an toàn… hơn lúc nào hết đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Dù Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại trong tương lai gần. Nhưng về cơ bản, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp.

“Những dự án trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời điểm này sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng. Đó là chưa kể đến cơ hội xuất khẩu nông sản sạch, nông sản hữu cơ ra thị trường thế giới. Đây là sân chơi đầy tiềm năng đang được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Nhu cầu thực phẩm hữu cơ trên thị trường thế giới đang rất lớn, mở ra cơ hội xuất khẩu tốt cho các công ty trong nước”, ông Viên nói.

Hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, mang đến cơ hội cho nhiều start-up và doanh nghiệp Việt. Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho biết, sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng chuỗi giá trị, qua đó xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cam kết tăng cường hỗ trợ tín dụng dưới dạng vốn vay ODA cho nông nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Tấn Quý, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, khởi nghiệp nông nghiệp tại TPHCM đang rất thuận lợi. Ngành nông nghiệp TPHCM chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, người muốn làm nông cũng dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới, vì nơi đây có các trung tâm về kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu cả nước như: Trung tâm công nghệ sinh học, Khu nông nghiệp công nghệ cao…

“Nền nông nghiệp thành phố đang thực hiện đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, đặt vấn đề giá trị gia tăng cao. Với mục tiêu tăng thêm 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp, TPHCM đang tạo nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút người khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.Đây chính là cơ hội khởi nghiệp của các bạn trẻ”, ông Quý nói.

Giúp các bạn trẻ thêm nhiều kiến thức

Ngày 24/9, Vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” khu vực ĐBSCL diễn ra tại Đồng Tháp kết thúc, có 9 trong số 40 dự án của các thí sinh ở ĐBSCL lọt vào Vòng chung kết.

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” lần 3 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Mạng lưới sáng tạo khởi nghiệp (BSA) cho biết, có 117 dự án từ 27 tỉnh thành trong cả nước gửi đến tham dự, trong đó có 47 dự án khởi nghiệp nông nghiệp tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, 31 dự án có ứng dụng công nghệ trong sản xuất, các giải pháp hỗ trợ trong nông nghiệp.

Đặc biệt, nhiều dự án được đánh giá cao, mang tính cộng đồng như: Gốm Chăm Handmade - Ninh Thuận; dự án máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân - Bắc Kạn hay dự án Hmong Home – Sơn La. Theo bà Vũ Kim Anh, cuộc thi tạo sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng dự án, cách khai thác thị trường, marketing… giữa các chuyên gia kinh tế với các chủ dự án và các bạn trẻ tham gia cuộc thi.

Qua đó, giúp cho các bạn trẻ có nhiều thông tin về thị trường và hiểu biết cách thức kinh doanh hơn, tạo nhiều cơ hội kết nối với các doanh nghiệp.

Hòa Hội


Tác giả bài viết: Uyên Phương

Nguồn tin: khampha.vn