Khởi nghiệp từ cây dược liệu
- Thứ năm - 19/07/2018 00:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chàng thanh niên dân tộc Dao – Lý Tà Giàng
Với cách làm năng động, nhiều sáng tạo đổi mới trong quản lý, những thành công bước đầu đã đến với con đường khởi nghiệp của Lý Tà Giàng.
Ước mơ giúp dân thoát nghèo
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo tại thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ - Hà Giang, Lý Tà Giang sau khi tốt nghiệp THPT đã xin vào làm tại hợp tác xã (HTX) Nậm Đăm. Đây là HTX chuyên về trồng chọt và sản xuất sản phẩm từ cây dược liệu.
Quá trình làm việc tại đây, Lý Tà Giàng nhận thấy khách tham quan du lịch khi đến với Cao nguyên đá thường rất quan tâm và quý trọng các giá trị truyền thống, những đặc sản, sản vật mang tính truyền thống của địa phương.
Trong khi đó, 5 HTX sản xuất dược liệu tại thôn Nậm Đăm lại chỉ chú trọng vào sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu, mà vấn đề đưa sản phẩm đến tay khách du lịch và phát triển sản phẩm ra thị trường cho người sử dụng một cách rộng rãi lại chưa được quan tâm chú ý.
Mặt khác, nguồn dược liệu tại Quản Bạ như được thiên nhiên ban tặng, khá sẵn và trồng tập trung cũng dễ dàng, đáp ứng tốt về số và chất lượng cho nhu cầu sản xuất dược liệu tinh thô, các bài thuốc dân gian nhưng lại không được khai thác đúng tiềm năng. Chính vì vậy, bà con dù tâm huyết với cây dược liệu, làm việc khá vất vả song thu nhập từ lao động trồng và bán sản phẩm từ cây dược liệu vẫn bập bõm, chưa mang lại giá trị kinh tế như tiềm năng và vốn quý của nghề.
Nhận ra những khó khăn hạn chế, cùng những nghiên cứu tìm hiểu về cây dược liệu trên thị trường, Lý Tà Giang quyết định thôi việc tại HTX Nậm Đăm. Tháng 10/2017, chàng thanh niên dân tộc Dao thành lập Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên đá. Công ty là sự nhóm lại với 5 HTX (Cộng đồng Nặm Đăm; HTX Dược liệu Là Chang; HTX Phát triển Dược liệu Thanh Long; HTX Dược liệu Tùng Vài Phìn; HTX Dược liệu Bình Dương) đang trồng trọt và phát triển cây dược liệu một cách tự phát, mạnh ai người ấy tự bán… mà không có chuyên môn, quy trình một cách chuyên nghiệp.
Để đi vào hoạt động, bên cạnh việc liên hệ một số đơn vị chuyên môn như Viện Y học Dân tộc Hà Giang, các thầy giáo tại Trường ĐH Dược Hà Nội để được tư vấn hỗ trợ về chuyên môn, giúp bà con dân tộc tìm được hướng đi đúng đắn cho nghề dược liệu, Lý Tà Giàng còn chú trọng phát triển tới việc đưa sản phẩm ra thị trường theo nhiều cách khác nhau…
Từ ý tưởng đến hành động
Khi công ty đi vào hoạt động, Lý Tà Giàng đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Trước tiên là việc phân phối 200 sản phẩm của 5 HTX chế biến cây dược liệu ra thị trường.
Một mặt, Lý Tà Giàng mở gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Cổng trời Quản Bạ. Hàng loạt sản phẩm dược liệu đặc trưng được giới thiệu tới quý khách sau khi lên thăm quan và dừng chân. Mặt khác, anh tích cực tìm kiếm thị trường để bán buôn, phân phối và tìm kiếm đầu ra một cách ổn định cho sản phẩm.
Đến nay, các sản phẩm dược liệu của Lý Tà Giàng đã có mặt và được chào bán ở hầu hết các điểm du lịch, nhà lưu trú khách du lịch tại Quản Bạ. Mỗi tháng công ty bán được giao động khoảng 200 sản phẩm thảo dược. Chưa dừng lại ở đó, hiện tại Lý Tà Giàng đang tiếp tục nỗ lực đưa sản phẩm thảo dược đi tiêu thụ ở thị trường các huyện vùng cao của Hà Giang là Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc. Và xa hơn nữa sản phẩm sẽ được giới thiệu và phân phối tại TP.HCM và Hà Nội thông qua những du khách đã từng đến Cao nguyên đá đứng ra làm đại lý.
Bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp ra thị trường, Lý Tà Giàng cũng tận dụng cả công nghệ bán hàng trực tuyến, thông qua các mạng xã hội… nên sản phẩm đã được giới thiệu xa hơn, đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết tới và tin dùng.
Với những nỗ lực không ngừng trong khâu giới thiệu và đưa sản phẩm tiêu thụ ngoài thị trường, kể từ khi thành lập vào tháng 10/2017 đến nay công ty có doanh thu hơn 700 triệu đồng, các sản phẩm dược liệu của 5 HTX sản xuất ra đã có sự tiêu thụ ổn định.
Trao đổi cùng Lý Tà Giàng về con đường khởi nghiệp, anh chia sẻ: bên cạnh những thuận lợi nhất định như nguồn nguyên liệu cây thuốc tại Hà Giang có tiềm năng; nhiều sản phẩm của công ty đã khẳng định được uy tín chất lượng trong dòng dược liệu… song thách thức để phát triển cũng không hề nhỏ.
Ngoài khó khăn về vốn để ổn định công việc bao tiêu, mở rộng thị trường thì việc tiếp cận nắm bắt công nghệ sản xuất, kĩ thuật trồng dược liệu; nhu cầu khách hàng… cũng ngày càng đòi hỏi cao. Mặt khác, các sản phẩm dược liệu tuy được đánh giá đặc sắc, chất lượng song việc mở rộng tiêu thụ trên thị trường du lịch Hà Giang lại không mấy thuận lợi. Khách du lịch đến Hà Giang phần lớn là khách du lịch trải nghiệm khám phá cảnh quan, khách phượt bằng xe máy… nên tâm lý mua sắm không nhiều như khách du lịch nghỉ dưỡng ở Sa Pa (Lào Cai).
Một thực trạng đáng lo ngại khác đó là nhân lực trẻ làm nghề dược liệu tại Quản Bạ đang có xu hướng ít dần và thiếu tâm huyết. Sau khi tốt nghiệp THPT, thanh niên thường tìm đến công việc kiếm tiền nhanh nhiều hoặc bỏ sang Trung Quốc làm lao động thay vì học hỏi gắn bó với nghề trồng và chế biến cây dược liệu tại quê hương…
Chọn phát triển nguồn dược liệu trên quê hương Quản Bạ làm con đường khởi nghiệp, Lý Tà Giàng đã gặt hái được những thành công nhất định. Từ hướng đi này, gợi mở cho những thanh niên dân tộc một cách làm giàu nếu biết nhìn ra ưu điểm, tiềm năng trên quê hương mình kết hợp với quyết tâm vượt khó của mỗi người.