Không cần biết nguồn gốc men, vẫn nấu rượu bán cho cả làng!

Không cần biết nguồn gốc men, vẫn nấu rượu bán cho cả làng!
Sau gần 3 ngày điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh, bà N.T.N. (55 tuổi, xã Bình Lộc, Lộc Hà) đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe còn yếu. Tìm về địa bàn xảy ra sự việc, cho thấy cách kinh doanh men, nấu rượu “cuốc lủi” ở đây còn nhiều điều đáng lo.

 

 

Cũng như tại nhiều địa phương khác, đến xã Bình Lộc, chúng tôi dễ dàng mua được các loại rượu không nhãn mác, đựng trong các vỏ can, vỏ chai nước khoáng ở các nhà hàng, quán nhậu, quán cơm, quầy tạp hóa, chợ trung tâm, khu dân cư. Chỉ với vài nghìn đồng là đã có nửa cốc rượu để uống.

khong can biet nguon goc men van nau ruou ban cho ca lang

khong can biet nguon goc men van nau ruou ban cho ca lang

Các chủ hàng tạp hóa đều không biết nguồn gốc xuất xứ và thành phần làm nên loại men rượu mà họ đang bán

Tìm đến lò rượu nhà ông Nguyễn Đình Tịnh (trú thôn 3, xã Bình Lộc) - nơi bà N.T.N hay lui tới mua rượu, chúng tôi nhận thấy, nhiều đồ đựng cơm ủ rất bẩn được bảo quản sơ sài; dụng cụ nấu rượu lâu ngày đã hoen rỉ. Ông Tịnh thành thật: “Men dùng để nấu rượu được mua của người hàng xóm, bao to cả chục ký, không có nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Họ lấy từ các lái buôn về bán lại, giá 20 nghìn đồng/kg. Mỗi lít rượu ở đây bán ra với giá 25 nghìn”.

khong can biet nguon goc men van nau ruou ban cho ca lang

Lò nấu rượu thủ công đặt cạnh chuồng gà, trông nhếch nhác bẩn thỉu của gia đình ông Tịnh

Các chủ cửa hàng chuyên bán men nấu rượu cho hay: “Loại men này được nhập từ các tỉnh phía Bắc về, khi lấy về thường cả tạ, không được đóng bao bì hay nhãn mác. Để xác định men tốt hay men xấu thì chỉ dựa vào độ nặng của rượu, chứ khi cầm men thì không thể biết được nó có chất lượng hay không”.

khong can biet nguon goc men van nau ruou ban cho ca lang

Bà N.T.N - nạn nhân uống rượu nấu từ men không rõ nguồn gốc vẫn đang được điều trị tích cực tại BVĐK Hà Tĩnh

Ông Phan Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh cho biết: “Qua khảo sát, giá bán các loại rượu không nhãn mác này trên thị trường từ 25 đến 30 nghìn đồng/lít. Hầu hết lượng rượu được các hộ gia đình tự nấu để uống và bán ở các quán ăn đều chưng cất thủ công. Việc quản lý sản xuất, chất lượng của các "lò" rượu này hiện đang là cả một vấn đề và cũng là thực trạng chung của cả nước. Ngành chức năng Hà Tĩnh đang tích cực vào cuộc để từng bước chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu và sẽ có dự thảo gửi UBND tỉnh về xử lý và giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý”.

 

Anh Tấn/baohatinh.vn