Không được chủ quan trong phòng chống dịch

Không được chủ quan trong phòng chống dịch
Trong mấy ngày gần đây, trên cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm mới phát sinh, nhiều tỉnh đã công bố khống chế được cúm gia cầm, tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ khiến dịch cúm gia cầm có thể lây lan và bùng phát trên diện rộng.

Dịch cúm gia cầm đã giảm, nhưng không được chủ quan. Ảnh: TM

Dịch cúm gia cầm đã giảm, nhưng không được chủ quan. Ảnh: TM

Tính đến ngày 16/3, cả nước còn 34 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 14 địa phương. Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, mặc dù dịch cúm gia cầm có dấu hiệu chững lại nhưng các yếu tố nguy cơ khiến dịch cúm gia cầm có thể lây lan và tiếp tục bùng phát trên diện rộng như: thời tiết lạnh, ẩm ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là môi trường thuận lợi để virut H5N1 tồn tại và lây lan; bên cạnh đó, hiện nay, nhiều địa phương vẫn có biểu hiện chủ quan không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 2 năm 2013 và chưa tổ chức tiêm phòng đợt 1/2014 cho gia cầm nên các đàn gia cầm không có miễn dịch bảo hộ virut cúm H5N1. Đồng thời, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi không được thực hiện trong thời gian qua tại nhiều địa phương. Ngoài ra, ông Đông cho hay, qua giải mã gen từ mẫu lấy trên đàn vịt chạy đồng chết hàng loạt ở huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai đã xuất hiện chủng virut thuộc nhánh 2.3.2.1C đang có mặt tại các tỉnh miền Bắc chứ không phải là chủng cúm gia cầm nhánh 1.1 thường thấy tại các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân theo ông Đông có thể do quá trình vận chuyển gia cầm từ phía Bắc vào Nam, sau đó lây lan qua các đàn vịt chạy đồng trong vùng dẫn đến việc nhánh 2.3.2.1C xuất hiện và lưu hành rộng rãi tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT vẫn tiếp tục cử các đoàn công tác của Bộ đi chấn chỉnh công tác chống dịch tại các địa phương tái phát dịch cúm gia cầm, đồng thời chỉ đạo địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch để chủ động đối phó, kiểm soát gia cầm nhập lậu tại các tỉnh khu vực biên giới.

Về phía ngành y tế, cùng với nhiều động thái trước đó trong việc chủ động phòng chống các loại dịch bệnh liên quan đến cúm gia cầm lây lan sang người về cả hệ y tế dự phòng, hệ điều trị và đẩy mạnh truyền thông.., trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS chiều ngày 17/3, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ngày 22/3 tới đây, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ mít tinh phát động chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và cúm A/H7N9 lây lan sang người nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về cúm gia cầm, nguy hại của cúm gia cầm và cách phòng chống cúm lây lan sang người, đặc biệt là các dịch cúm A/H5N1, cúm A/H7N9...

Không chỉ đẩy mạnh giám sát, ngăn chặn gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc tràn vào Việt Nam bằng đường thủy, đường bộ..., mới đây, cơ quan chức năng đã triển khai ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm bằng đường hàng không khi yêu cầu các cảng hàng không kiên quyết ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế, đặc biệt là trên máy bay vận chuyển hành khách và trên các tuyến vận tải đi đến vùng có dịch. Quyết liệt của cơ quan chức năng là thế, tuy nhiên, để dịch cúm gia cầm không lây lan và bùng phát trên diện rộng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và làm thiệt hại về kinh tế - xã hội, thiết nghĩ, mỗi người dân cần nâng cao ý thức của mình trong việc nói không với gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc...

Thanh Mai
Nguồn suckhoedoisong.vn