Không nên để nông dân tự mò mẫm

Không nên để nông dân tự mò mẫm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của QH Phan Xuân Dũng, mặc dù nhiều nông dân không được đào tạo chính quy bài bản, chưa được Nhà nước đầu tư bằng đề tài, dự án nhưng cũng đã tạo ra được những sản phẩm khoa học đáng ngạc nhiên.
PV: Có đại biểu QH đã nhận xét rằng nhà khoa học và nhà quản lý không tin nhau nên đã "bỏ rơi”người nông dân để họ phải tự mò mẫm tiến vào nền nông nghiệp hiện đại. Ông có nghĩ như vậy?
 
Ông Phan Xuân Dũng: Tôi cho rằng nhận xét như vậy có phần hơi bi quan. Trước hết, có thể khẳng định nhiều sản phẩm nông nghiệp của ta đã có vị thế trên thị trường quốc tể và trở thành thương hiệu lớn luôn đứng vào top đầu của thể giới như lúa, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ chế biến, nuôi trồng thủy sản…
 
Để đạt được những kết quả như vậy, không thể tách rời việc nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giúp cho tăng trưởng ngành nông nghiệp nhanh và bền vững. Để đạt được những thành tựu như vậy phải có sự gắn kết giữa nhà quản lý và nhà khoa học, chứ không phải vì họ hoài nghi nhau mà bỏ rơi nông dân phải tự mò mẫm tiến vào nền nông nghiệp hiện đại.
 
Nhưng rõ ràng nông dân vẫn thường phải tự nghiên cứu, chứ không đợi được các nhà khoa học và những đề tài bài bản của họ?
 
Đúng là chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là mặc dù việc thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đem lại hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng nông sản trong những năm qua. Nhưng việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn chưa có kế hoạch dài hạn, việc "đặt hàng”các tổ chức khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, kết quả nghiên cứu còn chậm được triển khai, ứng dụng trong thực tế. Vì thế, tôi cho rằng, bên cạnh vai trò to lớn của đội ngũ các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ của Việt Nam, thì phải khẳng định sự sáng tạo, cần cù trong nông dân của chúng ta.
 
Đặt lên "bàn cân” nhà khoa học và người nông dân, ông có cho rằng người nông dân "nặng” hơn, bởi họ "tay không”nghiên cứu, trong khi các nhà khoa học được hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng từ nhà nước?
 
Người nông dân không được đào tạo chính quy bài bản, chưa được Nhà nước đầu tư bằng đề tài, dự án nhưng cũng đã tạo ra được những sản phẩm khoa học đáng để chúng ta phải suy ngẫm nghiêm túc.
 
Tôi có thể dẫn ra một số ví dụ về sự sáng tạo thật tuyệt vời của người nông dân. Cây thanh long có quả quanh năm, năng suất cao so với 10- 15 năm trước đây, đã tạo nên một cuộc cách mạng về loại cây này, là do ai? Do một nông dân chăn vịt bình thường, giản dị của Bình Thuận phát hiện ra khi thắp đèn ủ trứng dưới gốc cây thanh long làm cây này trổ hoa kết trái. Phát minh này của nông dân Việt Nam đã "đánh lừa” cây thanh long nhầm tưởng đêm là ngày.
 
Người trồng ngô lai vụ Đông Xuân cho năng suất tới 13 tấn/ha mà chuyên gia Hoa Kỳ cử tới 3 đoàn đến để tìm hiểu, Indonesia cũng xin đến nghiên cứu, đó chính là nông dân Việt Nam, ông Lý Phát Sinh (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Cũng giống ngô đó trồng ở Mỹ năng suất cao nhất chỉ là 8 tấn/ha. Ông Sinh kể, ông đã nghĩ tại sao lúa trước lúc gieo phải ngâm 3 sôi 2 lạnh, còn ngô thì không? Ông bàn với kỹ sư nông nghiệp, nhưng kỹ sư bảo đấy là phản khoa học. Nhưng người nông dân này đã âm thầm mày mò, thực nghiệm và thành công.
 
Hiệp hội hồ tiêu thể giới công nhận "người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”cho anh nông dân Việt Nam Trần Hữu Thắng- người nông dân đã tưới nước bằng công nghệ nhỏ giọt. Nếu gọi đây là công trình nghiên cứu khoa học thì chắc chắn phải xứng đứng đề tài cấp Nhà nước và tiêu tốn không ít tiền của quốc gia. Và còn rất nhiều ví dụ khác… Vì vậy, có thể khẳng định là nông dân Việt Nam rất giỏi.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo  daidoanket.vn