Không thể chỉ hô hào!
- Thứ hai - 05/11/2018 22:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chia sẻ chuyện đồng, chuyện đất, ông Toàn, nông dân xã Nam Dương (Nam Trực, Nam Định) kể rằng: “Ở đây chuyên trồng rau màu, đủ loại. Trồng cây gì, cà chua hay khoai tây, bắp cải hay đỗ là do vợ chồng tự bàn bạc, quyết định, không theo một kế hoạch nào. Có khi nhà tôi trồng cà chua nhưng nhà bên lại trồng khoai tây, su hào. Thường thì thấy vụ trước cây nào được giá vụ sau lại trồng tiếp. Năm được, năm mất, may rủi như đánh bạc!”. Hỏi chuyện tiêu thụ, ông Toàn cho hay: “Chúng tôi tự lo hoàn toàn! Vợ chồng chia nhau, mỗi người một xe máy chở lên TP. Nam Định hoặc các chợ xa gần khác để bán. Hôm nào đắt hàng thì được về sớm. Ế ẩm, phải bán lẻ thì đến đêm mới về đến nhà...”.
Ông Quyền ở xã Thành Lợi (Vụ Bản, Nam Định) thì kể: Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, ông từng vay vốn đầu tư trồng tới 10 mẫu khoai tây. Thời điểm trồng, giá khoai tây đang khá cao, 8-10.000 đồng/kg. Cuối vụ, cũng là giáp Tết, sản lượng ông thu được lên tới trên 50 tấn củ. Nhưng không may, khi đó giá khoai giảm xuống chỉ còn khoảng 4.000/kg đồng. Đoán ra ngoài Tết giá có thể cao trở lại, ông quyết định “găm hàng”. Nhưng thị trường không “chiều lòng” ông, càng để lâu giá càng hạ sâu. Đã thế để lâu, không được bảo quản tốt, khoai bị thối rất nhiều. “Số còn lại tôi phải bán đổ bán tháo chỉ 2.000 đồng/kg. Lỗ nặng cả trăm triệu, tôi sợ bỏ luôn, không dám làm tiếp”, ông Quyền tiếc nuối.
Những câu chuyện trên cho thấy người nông dân đang đơn độc trên cánh đồng của mình, nhất là trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Nguyên nhân sâu xa, không khó để nhận ra là do phương thức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tự phát của số đông nông dân hiện nay.
Thực tế trên cho thấy, nếu như phương thức, tập quán sản xuất trên vẫn được duy trì, người nông dân tiếp tục chịu rủi ro, thua thiệt. Thay đổi là việc cần thiết, nhưng thay đổi như thế nào? Trước hết, không thể chỉ bằng cách nông dân mang ruộng đất cho các cá nhân doanh nghiệp thuê do ”chán ruộng, bỏ đồng” như đó đây đã và đang xuất hiện. Thực tế thì cũng không có nhiều cá nhân, doanh nghiệp mặn mà với sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn đến vậy để có thể thuê được hết ruộng đất của nông dân. Việc này, như đã thấy, chỉ phù hợp với những địa phương đã và đang có sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, không làm nông nghiệp nông dân vẫn dễ dàng chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng đó chỉ là số ít. Với số đông người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay, ruộng đồng vẫn là sinh kế chính.
Trong bối cảnh đó, lời giải phù hợp là người nông dân vẫn phải tự làm chủ trên đồng đất của mình, nhưng nếu đơn độc, nông dân khó có thể tự thay đổi. Họ cần được hỗ trợ từ những chính sách thực sự là động lực của nhà nước, giúp họ có được chỗ đứng, vai trò trung tâm trong một chuỗi liên kết sản xuất, với sự tham gia, đồng hành tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp, các HTX nông nghiệp. Ở đó, doanh nghiệp đóng vai trò là người đầu tư giống, vốn, khoa học, công nghệ, bao tiêu sản phẩm; các hộ nông dân lo khâu sản xuất, các HTX đóng vai trò làm cầu nối...
Trong chuỗi liên kết trên, các doanh nghiệp được nhìn nhận có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại. Tuy nhiên, có một thực tế vì nhiều lý do, đến nay số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn rất ít. Một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra, đó là khi đầu tư vào lĩnh vực này, họ gặp rất nhiều khó khăn, rào cản, nhất là việc tập trung, tích tụ ruộng đất; tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Để hình thành được mối liên kết này, những khó khăn trên của doanh nghiệp cần được nhà nước, chính quyền các địa phương có các chính sách, cơ chế động lực tháo gỡ, khuyến khích. Phải trả lời được những câu hỏi rất cụ thể, thiết thực của doanh nghiệp hiện nay, đó là khi cần đất sản xuất họ có hay không? Khi cần có vốn đầu tư, họ có được tiếp cận với các nguồn tín dụng một cách thuận tiện, dễ dàng? Khi gặp khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật, công nghệ, ai sẽ đến giúp họ?
HTX nông nghiệp là một tổ chức, một hình ảnh quen thuộc, gần gũi với nông dân Việt Nam; là tổ chức được nhìn nhận có thể làm tốt vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một thực tế, sau nhiều năm tồn tại, hiện nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả, nhiều HTX còn chưa kịp chuyển đổi hoạt động theo luật mới năm 2012, tồn tại theo kiểu “hữu danh vô thực”, “bình mới, rượu cũ”. Với “thể trạng” như hiện nay, rất khó để các HTX trên làm tốt vai trò cầu nối của mình. Để hình thành được chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, rõ ràng các địa phương không thể bỏ qua mà phải có giải pháp cho vấn đề này.
Khi được hình thành, vai trò, chỗ đứng của nông dân trong chuỗi liên kết cũng cần phải được định vị một cách rõ ràng. Tại một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình... đã và đang xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiện đại. Theo đó, dưới sự bảo trợ của chính quyền, nông dân cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng ruộng đất. Sau khi có đất, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, tổ chức sản xuất. Một số ít người có ruộng đất cho thuê được doanh nghiệp thuê lại, vào làm việc trong các dự án nông nghiệp của doanh nghiệp. Nhìn vào đây dễ nhận ra quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự là mối quan hệ liên kết, đơn thuần mới chỉ là quan hệ giữa người có đất và người đi thuê đất. Với số ít nông dân đang được doanh nghiệp thuê làm công nhân nông nghiệp, quan hệ giữa họ với doanh nghiệp đơn thuần chỉ là quan hệ giữa người làm thuê và ông chủ. Rất dễ nhận ra, nếu mô hình này được nhân rộng sẽ có nhiều nông dân bị "đẩy” ra khỏi làng quê, đồng đất của mình dù thực tế họ vẫn đang hiện diện nhưng xung quanh làng quê là những tấm biển “không phận sự miễn vào”. Trong khi đó, mô hình nông dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng ruộng đất với các doanh nghiệp - được xem là hình thức hợp tác, liên kết khẳng định sự bình đẳng của nông dân - đã được nhắc đến nhiều nhưng thực tế chưa thấy xuất hiện...
Cũng cần nhắc lại, từ nhiều năm trước, mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp đã được hình thành ở nhiều địa phương. Tuy nhiên do lợi ích vênh nhau, nông dân, nhiều khi không tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật do doanh nghiệp đặt ra; có trường hợp khi giá thị trường cao hơn giá bán theo hợp đồng nhiều nông dân sẵn sàng phá hợp đồng, bán sản phẩm ra ngoài khiến doanh nghiệp khốn đốn. Ngược lại, làm ăn với nông dân nhưng nhiều doanh nghiệp không thực sự hiểu nông dân, thu mua sản phẩm của họ nhưng vài tháng sau mới thanh toán tiền, trong khi mong muốn của nông dân là “tiền tươi, thóc thật”. Vì những lý do trên, cái “bắt tay” giữa hai bên cứ lỏng dần. Để duy trì mối liên kết làm ăn bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp, những chuyện như trên, rõ ràng không thể tồn tại./.