Không thể sản xuất sản phẩm hữu cơ theo kiểu “ăn xổi”
- Thứ sáu - 26/05/2017 00:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhu cầu lớn…
Tại Hội thảo "Bàn về giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ" sáng 4.4, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết: " Hiện nay, trong nước có 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống bảo đảm sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa".
Đàn bò sữa và bê gần 1.000 con nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ tại trang trại bò sữa TH ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. |
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ – FIBL, hiện, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta đã đạt hơn 76 nghìn ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010. Sản phẩm hữu cơ Việt Nam cũng đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế như Nhật, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... Tuy nhiên, so với nhu cầu thị trường, nguồn cung các sản phẩm hữu cơ vẫn đang rất thiếu.
TS Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết các sản phẩm hữu cơ hiện nay mới chỉ đáp ứng được tỷ lệ rất nhỏ nhu cầu của thị trường, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu trong khu vực và trên thế giới.
“Thị trường lớn, giá trị sản phẩm cao nên có nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để gắn “mác” hữu cơ vào sản phẩm của mình đưa đi tiêu thụ. Điều này ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người tiêu dùng và sự cạnh tranh lành mạnh của những doanh nghiệp sản xuất thật” – ông Mịch nói.
Ông Mịch cũng cho biết, vì nghi ngờ sản phẩm hữu cơ không đúng thật, người tiêu dùng đã nhiều lần nhờ đến hiệp hội để xác minh. Tuy nhiên, việc nhận diện sản phẩm không thể qua cảm quan, nhìn bằng mắt thường mà phải dựa vào các quy định về tem, mác, các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế: “Để có được điều này, các doanh nghiệp phải bảo đảm được quy trình rất khắt khe trong sản xuất nông nghiệp từ nguồn đất, nước, thức ăn cho vật nuôi, con giống đến quy trình chế biến, đóng gói và đưa ra thị trường... cũng cần bảo đảm đúng quy trình” – ông Mịch nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN và PTNT cũng thừa nhận đó là một trong những khó khăn của việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay: “Các doanh nghiệp sản xuất hữu cơ không chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất để bảo hệ sinh thái mà các sản phẩm hữu cơ phải bảo đảm được tính xã hội để giá thành sản phẩm không quá cao, người tiêu dùng khó tiếp cận được.” – ông Cường nói.
Các đại biểu bàn về giải pháp thúc đẩy sản xuất hữu cơ tại hội nghị ngày 4.4. |
Không làm vội, ăn xổi
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã kiên trì bước chân vào lĩnh vực sản xuất hữu cơ với mục tiêu rõ ràng, bền vững trong đó có tập đoàn TH True Milk.
Phát biểu tại hội thảo, bà Thái Hương – Chủ tịch tập đoàn TH cho biết, sản xuất hữu cơ cần được xem như một hướng đi tất yếu, một bước chuyển mình cần thiết cho nền nông nghiệp quốc gia.
“Cách đây nhiều năm, ông bà chúng ta cũng đã từng làm hữu cơ. Hồi nhỏ, khi đi trăn trâu, cắt cỏ cùng mẹ, tôi cũng từng vục tay xuống các vũng nước ao, đầm, dưới ruộng để uống mà không sợ gì, vì đó là nước sạch, đất sạch. Nguồn đất, nước chưa bị nhiễm độc bởi hóa chất, thuốc trừ sâu... Bây giờ thì không ai dám làm thế.” – bà Thái Hương chia sẻ.
Để làm được sản phẩm hữu cơ thực sự, theo bà Thái Hương điều đầu tiên là phải thay đổi nhận thức của người sản xuất, trong đó trực tiếp là người nông dân. Phải làm cho họ hiểu rằng, sản xuất hữu cơ là sản xuất bền vững, cái hướng tới cuối cùng là bảo đảm sức khỏe, môi trường sống tốt cho bản thân và cộng đồng.
Mục tiêu này đã đưa vào quy trình sản xuất các sản phẩm rau hữu cơ, dược liệu hữu cơ của tập đoàn TH. Cùng với đó, tập đoàn này cũng kiên trì chuyển đổi đất, chuyển đổi đàn bò sang chăn nuôi hữu cơ với bao khó khăn.
“Các công nhân của chúng tôi đã tận tâm, kiên trì chuyển đổi hàng ngàn ha đất sang trồng ngô, trồng cỏ hữu cơ làm thức ăn cho bò sữa. Sau 6 tháng làm sạch đất lại tới 6 tháng trồng trọt không sử dụng giống cây biến đổi gen, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hoá học; tiếp đó là chuyển đổi bò thường sang chăn nuôi hữu cơ. Bò được nuôi cách ly theo tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ của châu Âu và Mỹ. Ngày 25.11.2016, Control Union đã tiến hành đánh giá trang trại bò hữu cơ và nhà máy sản xuất sữa hữu cơ, ghi nhận tính tuân thủ 100% các tiêu chí sản xuất hữu cơ” – bà Thái Hương cho biết.
Cũng theo bà Thái Hương, mặc dù thị trường sản xuất sản phẩm hữu cơ đang nở rộ nhưng con đường TH đi không vội vàng và có lộ trình rõ ràng: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một “cuộc sống chất lượng” cho không những con người mà cả nguồn nước, đất đai, từng gốc cây ngọn cỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến tạo sản phẩm rau củ quả, lúa gạo hữu cơ với Dự án ở Thái Bình và các thực phẩm thiết yếu khác được sản xuất trong tương lai”.
Công nhận những thành quả của tập đoàn TH, tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết, hiện trong nước, TH là trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn đầu tiên chuyển đổi chăn nuôi hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trang trại bò sữa của TH true Milk có tổng đàn bò sữa, bê hữu cơ lên tới gần 1.000 con, dự kiến đến năm 2018 sẽ đạt quy mô 3.000 con tại tỉnh Nghệ An. TH true MILK cũng thông tin, từ cuối năm 2015, TH đã ký kết với Control Union- đơn vị đánh giá, cấp chứng nhận hữu cơ châu Âu và Mỹ để triển khai sản xuất hữu cơ theo chuỗi. Ngay sau đó, TH thực hiện chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò sang trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ. Theo tiến trình chuyển đổi và đánh giá giám sát, trong tháng 4.2017, TH sẽ đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ cho toàn chuỗi từ trang trại tới nhà máy, tiến tới sản xuất sữa hữu cơ trên đồng đất Việt Nam. |