Không tích tụ đất nông nghiệp, nông sản khó ra thị trường

Nếu không dồn điền để sản xuất quy mô lớn và để thu hút DN đầu tư liên kết thì nông sản sẽ còn gặp khó trong việc tìm đầu ra thị trường
Xuất khẩu trái cây đã qua chế biến vào các thị trường cao cấp còn rất ít ĐÀO NGỌC THẠCH

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các địa phương chia sẻ tại hội thảo tham vấn các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp VN do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức ngày 30.10 tại Hà Nội.
Báo cáo về thực trạng đất nông nghiệp do Ipsard khảo sát, bà Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện cơ quan này, cho biết có đến 70% mảnh đất nông nghiệp có diện tích dưới 0,5 ha. Nhìn ra các nước xung quanh, Thái Lan có 1,4 triệu mảnh ruộng quy mô trên 22 ha, Trung Quốc có 8,82% diện tích đất quy mô trên 3 ha/mảnh. Tốc độ tích tụ ruộng đất diễn ra chậm thể hiện ngay ở số trang trại hình thành năm 2011, nông nghiệp VN có gần 10.000 trang trại nhưng đến năm 2016 số trang trại mới tăng lên khoảng 35.000. “Tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn, DN đầu tư cũng hạn chế nên tỷ lệ thu hút DN vào lĩnh vực này còn thấp”, bà Nhàn nhận xét.
Thị trường đất nông nghiệp do Ipsard khảo sát ở các địa phương phổ biến là các “giao dịch ngầm”, chuyển nhượng giữa các hộ dân bằng giấy viết tay, rủi ro lớn. Thực tế nhiều khu vực có tình trạng nông dân thu gom, tích tụ đất nông nghiệp nhưng không sử dụng để sản xuất mà chờ dự án thu hồi, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, DN thuê trực tiếp đất từ nông dân thì gặp nhiều khó khăn. DN muốn thuê lại đất của nhà nước nhưng quỹ đất công ngày càng khan hiếm. Để thực hiện dồn điền đổi thửa và xây dựng thị trường cho nông sản thì nhà nước đứng ra thuê đất của dân sau đó cho DN thuê lại.
 
 
 
 
 
 
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, bày tỏ: “Nếu không dồn điền để sản xuất quy mô lớn và để thu hút DN đầu tư liên kết thì nông sản sẽ còn gặp khó trong việc tìm đầu ra thị trường”.
Theo thanhnien.vn