Khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học

Khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học
Ngày 13 - 14/11, đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đi tham quan, đánh giá các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại tỉnh Tuyên Quang.
14-15-19_1
Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi gà lông màu tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn.

Khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học phát triển, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn và mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn Mán) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại các xã Phú Thịnh, Trung Sơn, huyện Yên Sơn.

Mô hình chăn nuôi gà có 5.000 con gà giống với 15 hộ tham gia. Nhà nước hỗ trợ 70% con giống, thức ăn hỗn hợp, vacxin, hóa chất sát trùng; dân đóng góp 30% con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc xin, hóa chất sát trùng. Kết quả, tỷ lệ gà sống sau 60 ngày tuổi đạt 94%; trọng lượng trung bình đạt 1,2 kg/con.

Ông Tống Văn Bình, thôn 5, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn cho biết, tham gia mô hình, ông nuôi 400 con gà giống lai mía. Do áp dụng tốt quy trình kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nên đàn gà lớn nhanh. Sau 75 ngày nuôi, gà trung bình đạt 1,5 kg/con, khoảng 15 ngày nữa sẽ bán. Gà nuôi theo hướng an toàn sinh học nên việc tiêu thụ thuận lợi, với giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Tháng 5/2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn và ký hợp đồng chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa với 9 hộ dân các xã Phú Thịnh, Trung Sơn, huyện Yên Sơn. Mô hình có 81 con lợn nái và 9 con lợn đực. Sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 10 con đẻ được 66 con lợn con, đồng thời có 71 nái đang chửa.

Để các mô hình phát huy hiệu quả, khi bắt đầu triển khai Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia. Trong quá trình nuôi, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở các hộ tham gia thực hiện nghiêm túc việc nuôi dưỡng và chăm sóc; theo dõi tình hình sinh trưởng, sức khỏe của vật nuôi theo yêu cầu kỹ thuật dự án; cập nhật thông tin, tổng hợp báo cáo tiến độ mô hình đảm bảo quy định.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, các mô hình về cơ bản đều đúng tiến độ và đạt yêu cầu. Hầu hết các hộ tham gia mô hình đều tuân thủ thực hiện theo các quy trình kỹ thuật và yêu cầu mô hình đề ra; có sổ ghi chép theo dõi quá trình thực hiện mô hình. Tuy nhiên một số hộ chưa triệt để vệ sinh chuồng trại và vệ sinh thú y.

Trước thực trạng này, Trung tâm đã cầu chính quyền cơ sở, các hộ tham gia và khuyến nông viên xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật tiếp tục chỉ đạo các hộ tham gia khắc phục kịp thời các nhược điểm trên để việc chăn nuôi đạt kết quả cao nhất.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao kết quả thực hiện các mô hình chăn nuôi tại Tuyên Quang. Do thực hiện tốt việc hướng dẫn các hộ nuôi, con giống có nguồn gốc nên các hộ nuôi đều đạt yêu cầu kỹ thuật. Khuyến khích chăn nuôi phát triển, bà mong muốn tỉnh Tuyên Quang tăng cường liên kết ‘‘4 nhà”, hình thành các chuỗi giá trị, thực hiện tốt bao tiêu sản phẩm.

Đến nay tỉnh Tuyên Quang có 596.027 con lợn, hơn 6 triệu con gia cầm. Phần lớn việc chăn nuôi ở địa phương này đều dừng lại ở quy mô hộ gia đình, việc chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học chưa được chú trọng. Qua việc triển khai thành công các mô hình, sẽ khuyến khích người nông dân nơi đây phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.
ĐÀO THANH/ Nông nghiệp