Khuyến nông viên trổ tài
- Thứ hai - 01/06/2015 03:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đội ngũ khuyến nông, những người được gọi bằng cái tên vui là cán bộ “cam quýt mít dừa” không chỉ giỏi chuyên môn, khi lột xác trên sân khấu, “máu” văn nghệ sĩ của họ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Ngày 27/5, tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Trung tâm KNQG phối hợp với Trung tâm KN-KN Vĩnh Phúc tổ chức hội thi “Khuyến nông tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) khu vực phía Bắc”. Tham dự hội thi là “hàng tuyển” của 10 đơn vị khuyến nông các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa và Yên Bái. Phát biểu khai mạc, TS. Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG cho biết, hội thi nhằm tạo sân chơi, giao lưu giữa cán bộ khuyến nông các tỉnh phía Bắc và là dịp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ “cam quýt mít dừa”. Khuyến nông đã và đang góp phần tích cực vào cuộc vận động chung tay xây dựng NTM. Mở đầu hội thi là các tiết mục sân khấu hóa với chủ đề “Khuyến nông chung tay xây dựng NTM”. Cả hội trường được một phen cười nghiêng ngả với tiết mục "Lý trưởng, mẹ Đốp". Từ hình ảnh, ngôn ngữ đều “đặc sệt” văn hóa của vùng đất chiêm trũng Hà Nam. Tuy nhiên, câu chuyện không liên quan gì đến tích "Thị Mầu chửa hoang". “Lý trưởng” áo the, khăn xếp oang oang yêu cầu “mẹ Đốp” mời bà con ra đình học lớp tập huấn khuyến nông. “Này thì chiềng làng chiềng chạ…”, mẹ Đốp vỗ đánh bốp vào mồm. Lý trưởng đau điếng kêu lên “Đốp ơi, mày làm gì mà vỡ bộ răng của tao", rồi ngã uỵch xuống sân khấu. Tràng pháo tay rền vang khắp hội trường. Đội Yên Bái mang đến hội thi tiết mục “Chuyện nhà ông Vàng” ở huyện Văn Chấn. Ông Vàng, một cán bộ khuyến nông khá trẻ, bước vào sân khấu, rít một hơi điếu cày kêu xoành xoạch, nhả khói như rồng phun mưa. Vụ cam Canh năm nay thắng lợi, lão cười như địa chủ được mùa. Vui mừng chưa dứt, Giàng A Vàng lại lo phải bán cam lấy tiền cưới vợ cho con trai. “Con chỉ lấy cô cán bộ khuyến nông xinh xinh vẫn về nhà mình hướng dẫn kỹ thuật trồng cam thôi”, lời con lão. Lão Vàng và vợ mắt tròn mắt dẹt. Vừa thấy bóng dáng cô cán bộ khuyến nông, con trai lão chạy tới bế xốc định “bắt vợ”. Lão lườm dài: “Mày chỉ được cái giống bố thôi con ạ”. Rồi lão cười khà khà, vụ này trúng lớn, vừa được mùa cam nhà lại thêm cô con dâu xinh đẹp, tài giỏi. Không chịu kém cạnh các đội chơi, chủ nhà Vĩnh Phúc gần như chinh phục toàn bộ người xem với tiết mục chèo đặc sắc. Chuyện thuyết phục nông dân chuyển đổi cơ cấu SX, dồn điền đổi thửa để xây dựng NTM dường như khó khăn gấp bội với một ông nhạc phụ tương lai khó tính. Lão (bố vợ sắp cưới) bảo thủ dứt khoát: “Trồng cây gì, con gì không phải việc của tôi. Dồn đổi gì cũng không phải việc của tôi”. Anh cán bộ khuyến nông “vã mồ hôi” phân tích lợi ích của việc xây dựng NTM. Rằng làm NTM chính là đem lại lợi ích trực tiếp cho gia đình và địa phương. Dồn điền đổi thửa giúp việc SX, áp dụng TBKT thuận lợi hơn. Chuyển đổi cơ cấu làm tăng năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi. Đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Con cháu được học hành đầy đủ vật chất hơn. Được cô con gái thêm lời, ông “bố vợ khó tính” gật gù hiểu ra. Hiện 83/112 xã của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập, 95/112 đạt tiêu chí hộ nghèo, 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí hình thức tổ chức SX. Với sự diễn xuất tài tình, các cán bộ khuyến nông Vĩnh Phúc phần nào gửi gắm, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM của địa phương. Cán bộ đi trước làng nước theo sau. Dù là địa bàn Thủ đô, kinh tế phát triển, nhiều lúc, cán bộ khuyến nông vẫn toát mồ hôi hột với những “ca khó”. Bà nông dân “cứng đầu” chỉ tâm phục khẩu phục, tìm gặp cán bộ khuyến nông nhờ hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa ly khi mô hình thành công. Ngay trước đó, người này còn xúi nhiều hộ không tham gia chuyển đổi. Trao cờ, giấy khen của Trung tâm KNQG cho các đội chơi Ông Nguyến Tiến Phong, GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho biết, những năm qua, cơ cấu SXNN tỉnh này đã có nhiều chuyển biến, tỷ trọng chăn nuôi tăng mạnh, chiếm khoảng 52%. Giá trị SXNN đạt 135 triệu đ/ha. Quy mô SX ngày càng ổn định, nhiều trang trại chăn nuôi lớn được hình thành, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM. Vĩnh Phúc phấn đấu trong năm 2015 sẽ có thêm 32 xã và 1 huyện cán đích NTM. So với Hà Nội, các cán bộ khuyến nông ở Lạng Sơn còn gặp khó khăn gấp bội. Đặc biệt là vấn đề loại bỏ hủ tục chăn nuôi, nâng cao nhận thức người dân đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Tiết mục dự thi của Lạng Sơn đem đến một góc nhìn cận cảnh, chân thật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. “Hố xí chứ gì, nhà ta không có đâu, mời cán bộ cứ ra bụi chuối sau nhà”, ông lão thật thà. Anh cán bộ khuyến nông chạy như ma đuổi vì bị chó cắn. Nhanh thoắt, chủ nhà đứng dậy cầm gậy xua chó: “Mày ngoan, mày mà cắn cán bộ nhà nước là có tội đó”. Sau pha hú hồn, chàng cán bộ trẻ liền hỏi: “Sao nhà bác không làm nhà vệ sinh tự hoại hay hợp vệ sinh?”. Rít điếu thuốc lào, chủ nhà rủ rỉ: “Làm tự hoại thì lấy gì tưới cây?”. Phải “vã bọt mép” giải thích thuyết phục của cả cán bộ bản, lão chủ nhà mới dần hiểu ra. Hai phần thi tiếp theo là Kiến thức tự luận và Trắc nghiệm kiến thức. Đây thực sự là màn cân não giữa các đội thi. Trong phần kiến thức tự luận, mỗi đội sẽ phải trả lời một bộ gồm hai câu hỏi liên quan tới hoạt động khuyến nông, kỹ thuật SX, xây dựng NTM… Thời gian trả lời trong vòng 2 phút. Điểm tối đa cho phần thì là 40. Phần trắc nghiệm kiến thức, các câu hỏi xoáy sâu vào vấn đề xây dựng NTM, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Chung cuộc, BTC trao giải Nhất cho đội thi của tỉnh Vĩnh Phúc, giải Nhì cho hai đội Hà Nam, Hà Nội, giải Ba cho Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa, giải Khuyến khích cho Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Kạn và Hòa Bình.
NongNghiep.vn